Tùy Duyên Tiếp Độ

0
193

HỎI: Tôi có con rể là người Đức, theo một tôn giáo khác. Những lần về quê vợ nghe tôi tụng kinh, niệm Phật thì cháu tỏ ra rất thích thú. Thấy tôi thêu tranh Phật, cháu ngỏ ý xin một bức. Tôi hỏi thích vị Phật nào thì cháu nói Phật A Di Đà. Sau đó tôi tặng cháu một bức tranh thêu Phật A Di Đà, cùng máy niệm Phật. Nghe vợ cháu kể, từ khi nhận được món quà tinh thần này cháu vui lắm, thường lạy Phật và nghe niệm Phật. Cháu định sắp tới về Việt Nam sẽ xin quy y Tam bảo có được không?

(LIÊN ĐAN, Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM)

ĐÁP: Bạn Liên Đan thân mến!

Quy y Tam bảo theo tinh thần Chánh pháp cần được phát xuất từ sự tự giác và tự nguyện. Tự giác là sau khi tìm hiểu giáo pháp, nhận thấy lời Phật dạy rất đúng đắn, khoa học, tràn đầy từ bi trí tuệ, có lợi ích thiết thực nên phát khởi niềm tin và nguyện nương tựa Tam bảo để tự hoàn thiện mình. Tự nguyện là người quy y phát nguyện về nương Tam bảo, hoàn toàn tự chủ, do thiện căn và hiểu biết giáo pháp thôi thúc, không chịu tác động, dụ dẫn, mời gọi hay bất cứ áp lực nào.

Con rể của bạn tuy theo đã có tôn giáo theo truyền thống gia đình nhưng có lẽ do thiện căn với Phật pháp sâu dày nên mới có những biểu hiện như thế. Nếu anh ấy phát tâm  quy y Tam bảo, nguyện trở thành Phật tử thì gia đình cần tùy duyên hỗ trợ. Người Phật tử vốn không hề dụ dỗ, lôi kéo, tìm cách cải đạo người khác nhưng khi người ta giác ngộ, quy hướng Tam bảo thì mình phải trợ duyên.

Thời Đức Phật còn tại thế, nhiều ngoại đạo sau khi nghe pháp đã phát tâm trọn đời quy y Tam bảo hoặc xuất gia tu hành. Hiện nay, người phương Tây quy y Tam bảo, trở thành Phật tử cũng rất nhiều. Con rể của bạn đã phát tâm, tự giác và tự nguyện về nương Tam bảo thì bạn hãy giúp anh ấy quy y.

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn