Những mầu nhiệm của cuộc sống ẩn tàng ngay trong tâm hồn chúng ta, nên chỉ cần tập trung vào hiện tại, nhìn cuộc đời dưới một lăng kính tích cực, ta sẽ biến những công việc đơn điệu, nhàm chán thành một nơi đáng sống. Bởi chỉ có khả năng sống hạnh phúc trong hiện tại là điều đáng thực hiện nhất…
Triết lý chợ cá là câu chuyện về khu chợ cá Pike Place nổi tiếng ở Seattle, được viết ra bởi các tác giả: tiến sĩ Stephen Ludin, một nhà sáng tạo kiêm đạo diễn; John Christensen, giám đốc điều hành công ty Charthouse Learning đồng thời là một đạo diễn; và Harry Payl, nhà tư vấn của công ty quản lý Ken Blanchard. Họ đã chuyển thể tác phẩm đó thành phim và thường trình chiếu trong các buổi hội thảo chuyên đề, nhằm minh họa cho những ý tưởng mới trong kinh doanh. Tác phẩm và bộ phim này đã trở thành một hiện tượng toàn cầu và được áp dụng rộng rãi ở hàng ngàn công ty, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, bằng 35 ngôn ngữ với 4 triệu ấn bản.
Triết lý chợ cá nói về những ngày lạnh lẽo, u ám, nói về cái không khí ngột ngạt, tù hãm đang vây bọc lấy khu chợ, trong những phòng làm việc, và quan trọng nhất, trong tâm trạng của những người “đang trong cảnh sáng cắp ô đi, tối cắp về, và xem việc có mặt tại nơi làm việc chỉ là nhằm đổi lấy đồng lương cuối tháng. Hầu hết họ cứ lặp đi lặp lại mãi một cách nhàm chán những công việc giống nhau và theo những phương cách y hệt nhau”. Và Mary là một trong những người đang phải trải qua những giờ khắc như thế khi cô cảm thấy ai nấy cũng chỉ làm quấy quá cho xong việc và trông chờ đến ngày được nghỉ hưu trước khi công ty xảy ra biến cố. Cô dằn vặt: “Liệu những nhân viên kia có biết sự ổn định trong công việc mà họ ấp ủ chỉ là ảo tưởng?”. Cô rơi vào cảnh góa chồng ngay khi tuổi còn rất trẻ, đã có lúc cô nghĩ rằng, mình không thể tồn tại trong cái thế giới khắc nghiệt và đầy bất trắc này. Và cô cũng sợ rằng, nếu mạo hiểm và thất bại, cô sẽ không còn đủ khả năng để lo cho chính mình và hai đứa con. Nhưng cô cũng hiểu rằng, nếu không dám thay đổi thì có khi còn nguy hiểm hơn rất nhiều.
Suy nghĩ ấy đến với cô vào một ngày ở khu chợ cá Pike, khi cô nghe tiếng cười vang lên từ một góc chợ. Đến gần tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra thì cô thấy một cảnh tượng hoạt náo: thay vì chỉ làm công việc một cách đơn điệu theo quán tính, những chàng bán cá ở đây đã chọn một thái độ khác, họ đùa vui, làm trò với những con cá. Một chàng vừa ném cá vừa rao to: “Một chú cá hồi đang bay tới Minnesota”; chàng khác thì đùa nghịch cho người ta thấy con cá đang cử động miệng như nói chuyện; những nhân viên khác vừa tính tiền vừa vui vẻ nói chuyện về những chú cá. Khi ấy, Mary thấy rằng thái độ đối với công việc mới là điều quan trọng, là cái ta có thể lựa chọn mà không mất tiền, và nó biến một nơi làm việc tẻ ngắt thành một nơi đáng sống. Từ đó, Mary cùng những nhân viến ấy bắt tay cộng tác, xây dựng một tổ chức gắn bó, chú tâm vào công việc một cách hứng thú, khơi gợi óc sáng tạo của mọi người. Từng nhóm chọn cho mình những mục tiêu phấn đấu nhưng mục đích cuối cùng là tạo ra bầu không khí vui nhộn, thoải mái, biến bản thân công việc thành một phần thưởng chứ không phải lấy kết quả công việc làm phần thưởng. Tựu chung lại họ có 4 nguyên tắc:
1. Tạo niềm vui trong công việc:
Làm việc trong một tâm trạng lạc quan sẽ có ích cho bạn phát huy khả năng sáng tạo tiềm ẩn.
2. Mang niềm vui đến cho người khác:
Bằng cách này, bạn làm cho những người chung quanh cảm thấy một cử chỉ đẹp, một sự quan tâm khích lệ, những lần gặp gỡ thân tình sẽ trở thành những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời.
3. Tập trung vào hiện tại:
Chỉ có sống trọn vẹn với hiện tại, bạn mới có thể bộc lộ trọn vẹn mối quan tâm của bạn đối với công việc và mọi người.
4. Lựa chọn cho mình một thái độ sống phù hợp:
Bạn có quyền lựa chọn cho mình một thái độ phù hợp với cuộc sống chung quanh. Bạn sẽ tìm thấy những điều tốt lành cũng như những cơ hội trước đây bạn không có. Nếu chỉ nghĩ đến những khả năng xấu, bạn sẽ thấy sự lo lắng có mặt ở khắp mọi nơi.
Những nguyên tắc trên không chỉ phổ biến trong khu chợ cá mà còn được trao đổi đến từng thành viên, để từng người áp dụng giải quyết mọi việc trong cuộc sống bằng cách biết lắng nghe, tập trung vào hiện tại, tìm ra niềm cảm hứng mới từ những công việc đời thường và trong gia đình. Lonnie, một thành viên trong nhóm, khi giải thích cho con trai mình đã nói: “Khi mình thực hiện một triết lý, mình nên áp dụng với tất cả mọi người chung quanh. Nếu con áp dụng điều này với Stacy, em gái con (để Stacy vui vẻ chú tâm vào công việc rửa chén) thì con cũng phải làm như thế cho bà ngoại vui (khi bà ngoại chuẩn bị dọn về ở cùng gia đình trong một thời gian).
Triết lý chợ cá còn có thể áp dụng trong những hoàn cảnh, môi trường khác nhau, với mọi người ở những tầng lớp khác nhau, cụ thể là áp dụng khi đương đầu với bệnh tật. Khi bệnh, phải biết chọn một tư duy tích cực và thái độ lạc quan, động viên nhau vượt qua những khó khăn. Y tá Shari đã khuyên hai vợ chồng (một bệnh nhân) nói ra tất cả những gì họ chưa nói với nhau. Người chồng không cần phải cố nén cơn đau, người vợ cũng đừng dằn nỗi buồn của mình xuống. Sau lời khuyên đó, họ đã sẵn sàng đón nhận điều mà trước đây họ muốn tránh né khi nghĩ đến. Tóm lại, họ đã đưa trọn vẹn ý nghĩa của triết lý ấy vào thái độ, không chỉ đối với sự sống mà với cả cái chết. Qua đó, người ta vượt qua nỗi cô đơn, cùng chia sẻ vui buồn để tìm thấy hạnh phúc.
Có những người “đi giữa đời mà hồn ở trên mây”, hoặc sống với những dằn vặt, lo toan và những ham muốn không giới hạn dù họ đang có địa vị cao, tài sản lớn… Thiền sư Nhất Hạnh có lần đã viết: “một người sống trong thất niệm, không an trú được trong hiện tại, sống không ý thức thì cũng như đã chết” (Trái tim của Bụt). Đó cũng là một trong những chủ đề của cuộc sống khi con người cứ loay hoay với tham vọng hoặc tuyệt vọng, điều khiến chúng ta trở thành nô lệ cho những âu lo, phiền não và cuối cùng là đánh mất tự do. Nói theo kinh Người biết sống một mình: “chúng ta đã để lỡ cuộc hẹn với sự sống mà không nhớ rằng chỉ có hôm nay, ngay bây giờ, ở đây, chúng ta mới có thể gặp gỡ cuộc sống”.
Những mầu nhiệm tuyệt vời của cuộc sống ẩn tàng ngay trong tâm hồn chúng ta, nên chỉ cần tập trung vào hiện tại, nhìn cuộc đời dưới một lăng kính tích cực, ta sẽ biến những công việc đơn điệu, nhàm chán này thành một nơi đáng sống. Bởi chỉ có khả năng sống hạnh phúc trong hiện tại là điều đáng thực hiện nhất.
Những nguyên tắc vàng của triết lý chợ cá cũng chỉ xoay quanh một vấn đề chính: biến cuộc đời của chúng ta thành một nơi đáng sống; biến ngày tháng của chúng ta thành từng giây phút hạnh phúc.