ĐÁP:
Bạn Lưu Thị Thúy thân mến!
Theo Từ điển Phật học Huệ Quang (tập I, tr.752), công đức nghĩa là công năng phước đức có được do làm các hạnh lành. Công là công năng làm tăng trưởng phước lợi, đức là đức độ của người tu các hạnh lành, nên gọi là công đức. Mặt khác, dứt sạch mọi điều ác gọi là công, điều thiện tràn đầy gọi là đức. Ngoài ra, đức còn có nghĩa là được, do công tu mà được nên gọi là công đức.
Những thiện pháp như tụng kinh, niệm Phật hay nghe pháp v.v… đều có công đức và có thể hồi hướng công đức ấy đến mọi người. Đạo Phật khuyến hóa con người làm điều phước thiện, một mặt để vun bồi công đức, phước báo cho chính mình trong hiện tại và tương lai, mặt khác có thể đem công đức hồi hướng cho thân nhân và hết thảy chúng sanh. Đối tượng được hồi hướng càng vô biên thì công đức ấy càng vô lượng. Cho nên, hồi hướng công đức là một thiện tâm, thiện nguyện rất quan trọng mà một Phật tử cần thực hiện liên tục cho đến ngày công viên quả mãn.
Tuy nhiên, về một phương diện khác, công đức có nghĩa là trí huệ thanh tịnh. Sách Cảnh đức truyền đăng lục ghi: “Lương Vũ Đế hỏi Tổ Bồ-đề-đạt-ma: Từ trước đến nay trẫm đã cất chùa, chép kinh, độ Tăng không kể xiết, có công đức gì chăng? Tổ đáp: Chẳng có công đức gì cả”. Công đức được Tổ sư nói đến ở đây không phải là phước đức hữu lậu thuộc về nhân quả thế gian mà chính là trí huệ, chân tâm, thể tánh thanh tịnh nhiệm mầu vốn siêu xuất thế gian. Công đức hiểu theo nghĩa này không phải là công đức mà hàng ngày chúng ta thường làm các điều lành để hồi hướng cho thân nhân và chúng sanh.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn