Công Án Là Gì?

0
263

 

HỎI: Tôi là một thiền sinh gặp rất nhiều khó khăn khi tìm hiểu công án. Vậy xin quý Báo cho biết công án là gì và có cách nào giúp dễ dàng tiếp cận tìm hiểu công án không? (TRẦN VĂN HIỂU, Cần Thơ)

ĐÁP:Công án nguyên nghĩa là án lệ phán quyết chuyện phải trái cáo bạch công khai trên bảng yết thị của quan phủ ngày trước, tạm coi tương đương như thông báo của Nhà nước ngày nay.

Việc Thiền tông đem ngôn hạnh của Tổ sư các đời ghi chép lại dùng để khải thị cho kẻ tọa thiền, lâu dần cũng thành ra một loại tư khảo, hoặc một bài minh nhắc nhở ghi khắc bên cạnh người ngồi thiền. Vì ngôn hạnh của các Tổ sư được ghi chép lại như vừa nói trên cũng mang ý nghĩa như một cáo bạch chính thức, một công án của chính phủ, tức đầy đủ tính cách trang nghiêm bất khả xâm phạm, lại cũng giúp khải phát tư tưởng, cung ứng tư duy cho người nghiên cứu Thiền, đồng thời cũng làm phép tắc khuôn mẫu để đời sau nương nhờ, cho nên mới gọi là công án.

Phong khí này xuất hiện ban đầu từ đời Đường, đến nhà Tống thì thật thịnh hành. Căn cứ vào sách Cảnh Đức truyền đăng lục, có người cho rằng tổng số công án ở Trung Quốc ước khoảng 1.700, nhưng thật ra không đúng như thế, vì một số công án chỉ là các mẫu đối cơ giữa sư đồ hay đấu cơ phong giữa các thiền sư với nhau.

Thật ra ngày nay, ngay cả các câu đối đáp dí dỏm, hóm hỉnh đượm tính mí mửng hàm chứa cơ lược của các Tăng sĩ hay cả cư sĩ cũng có thể coi là công án hiện đại trong một chừng mực nào đó. Mà ngay cả các công án chính thức cũng thường có sự trùng lắp hay chỉ là mượn ý cũ thay cách nói mới, hoặc chưa hội đủ tính tham cứu nên theo sự nhận định chung của các nhà nghiên cứu công án thì con số có thể chấp nhận vào khoảng 500 tắc (mẩu chuyện).

Thuở ban sơ, Thiền tông chỉ có độc gia ngữ lục nên sách chuyên về công án không có. Dần dần ngữ lục ra đời ngày càng nhiều nên mới có các loại sách chuyên vựng tập công án, trong đó nổi tiếng nhất là Bích nham lục, Thung dung lục, Vô môn quan, Cảnh Đức truyền đăng lục, Nhân thiên nhãn mục, Chỉ nguyệt lục, Tục Chỉ nguyệt lục v.v… Trong công án phần nhiều có một chữ hay một câu nói ngắn nêu ra để cho người học tham cứu gọi là “Thoại đầu”, như hỏi: “Con chó có Phật tính không?”, đáp: “Không”, thì mẩu đối thoại này gọi là công án, mà chữ “Không” là một thoại đầu (Vấn “Cẩu tử hữu Phật tính dã vô?”. Đáp “Vô”).

Nếu khi tham thiền mà nhằm công án hạ công phu thì gọi là “Tham thoại đầu”.

Riêng công án mà sư gia dùng ngôn ngữ để khai thị học nhân thì gọi là “Thoại đầu công án”.
Theo lý thuyết mà nói thì người ta không thể dùng luận lý (la tập) để suy đoán hoặc dùng kiến thức để giải thích ý nghĩa công án vì tinh thần Thiền tông vượt qua khỏi ý nghĩa của từ ngữ hoặc sự suy lường của thế trí. Do đó mà sư gia thường sử dụng tính cách “Không thể dùng luận lý” để giúp họ thể chứng chân tánh.

Hàm nghĩa trọng yếu của công án gồm có 5 phần:
1. Là công cụ giúp cho ngộ Thiền
2. Là phương pháp giúp mình tự khảo nghiệm trình độ Thiền
3. Là khuôn phép tạo uy lực Thiền
4. Là dấu đóng xác minh được ấn chứng
5. Là chỉ điểm rốt ráo để ngộ Thiền.

Rất nhiều người phản bác việc lý giải công án Thiền, nhất là hướng dẫn Tăng Ni sinh tìm hiểu công án. Nói xin sám hối, ngoại trừ một số tác gia thật sự hiểu công án nhưng muốn để hàng hậu học tự xúc phát trực giác mà ngộ, còn thì không thiếu chi sư gia đã lợi dụng đặc tính “bí hiểm” trên để che đậy chỗ hạn chế của mình vì đúng là không ai có thể lý giải giùm người khác cái trực giác mà chính họ phải tự bộc phát lấy để ngộ Thiền, nhưng trong một chừng mực vừa phải nào đó, thầy dạy có thể gợi ý để giúp học đồ mau chóng phần nào thấy được hướng mở khóa để hiểu sơ bộ ngoại vi mật ý công án để rồi sau đó cảm thụ sâu thẳm tự khoái trá thế nào, nhấm nháp hương vị công án ra sao là tùy căn cơ, tâm cảnh của mỗi người.

I. Điều kiện tối thiểu cần có để hiểu sơ bộ công án

Trước một công án Thiền tông bằng Hán văn, các thiền sinh chí ít cần có một số điều kiện tối thiểu để có thể tạm lãnh hội được dễ dàng mau chóng ý Thiền nằm trong đó:
1. Trước hết có khả năng đọc nguyên văn chữ Hán
2. Biết thành ngữ điển cố đời thường
3. Biết thành ngữ điển cố Thiền tông
4. Biết phong tục tập quán chủ yếu Trung Hoa cổ đại (hoặc Á Đông nói chung)
5. Biết các thuật ngữ và dụng ngữ Thiền lâm
6. Đọc sâu hiểu rộng Thiền sử
7. Cảm thụ được Thiền cơ, nhất là tính u mặc (tếu)
8. Có năng khiếu nhạy bén thiên bẩm để lãnh hội được Thiền chỉ v.v…

Xin đơn cử một vài thí dụ:

1- Điều kiện thứ nhất:
Không cần phải nêu thí dụ gì cả vì bất cứ ai muốn dịch giải công án Thiền tông hệ chữ Hán thì đương nhiên phải chuyên sâu Hán văn cổ.

2- Biết thành ngữ điển cố đời thường:

Như trong công án sau đây:
Có ông Tăng hỏi Thiền sư Tuệ Minh:
– Thế nào là bản lai diện mục?
Tuệ Minh đáp:
– Một lời nói ra, ngựa tứ khó theo!

Nếu biết thành ngữ đời thường “Nhứt ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” có nghĩa là:
“Lời nói khi thốt ra thì đi nhanh đến nỗi loại tuấn mã là ngựa kéo xe tứ cũng không đuổi theo kịp”, ta sẽ suy diễn rộng ra ý Thiền sư muốn nói là: “Nếu dùng lời lẽ thì đã rời quá xa chân lý không còn có thể nắm bắt được, tức Thiền bất dụng ngôn ngữ.

3- Biết thành ngữ điển cố Thiền tông:

Như công án dưới đây:
“Tăng hỏi: “Người xưa nói: “Thiền Như Lai thì kể như huynh đã hiểu, còn Thiền Tổ sư thì nằm mộng cũng chưa thấy”. Xin hỏi Thiền Như Lai và Thiền Tổ sư giống và khác nhau thế nào?
Sư đáp: “Mũi tên đã bay qua đến Tân La!”.

Nếu biết Tân La là tên xưa của nước Triều Tiên được Thiền lâm dùng để chỉ nơi xa xăm thì ta sẽ hiểu thành ngữ: “Mũi tên đã bay đến nước Tân La (Nhất tiễn quá Tân La)” được Thiền sư dùng để chỉ “Thiền cơ đã qua mất rồi” nhằm khai thị ông Tăng là khi dùng tâm chấp thủ hỏi Tổ sư Thiền là Như Lai Thiền tức có ý so sánh nọ kia mà không biết cả hai chỉ là một thì đã để vuột mất Thiền cơ rồi vậy.

4- Biết phong tục tập quán, chủ yếu Trung Hoa cổ đại:

Như công án sau đây:
Tăng hỏi: “Thế nào là tự kỷ?”. Sư đáp “Vua chốn triều đường, tướng quân ngoài biên ải”.
Nếu biết phong tục tập quán xã hội phong kiến Trung Quốc trước kia, ta sẽ hiểu câu trả lời của sư có ý nói: “Chính mình là kẻ tối thượng, là kẻ quyền uy đối với mình như ông vua ở chốn triều đình và ông tướng chỉ huy ngoài biên ải quyền lực vô biên”.

Hoặc công án:
Hỏi: “Ý Thiền và ý Giáo giống hay là khác?”.
Sư đáp: “Quan Thượng thơ họ Lý, quan Bộc xạ họ Vương”.
Nếu biết được tổ chức quan viên đời Đường chức Thượng thơ và Bộc xạ ngang nhau thì ta sẽ hiểu ý Thiền sư muốn khải thị ý Thiền và ý Giáo tên tuy gọi khác nhưng thực chất là một.

5- Biết các dụng ngữ Thiền tông:

Như công án dưới đây:
Tăng hỏi: “Thế nào là Tổ sư Tây Lai Ý?”. Sư Động Sơn đáp: “Chờ khi nào nước khe trong động chảy ngược lên dốc sẽ nói cho ngươi nghe”.

Nếu biết “Tổ sư Tây Lai Ý” là thuật ngữ Thiền dùng để chỉ “Ý chỉ của Thiền tông” thì ta sẽ hiểu ngay câu trả lời của Thiền sư Đông Sơn là “Chỉ ý của Thiền tông là một sự kiện bất khả tư nghì, không thể dùng ngôn ngữ văn tự mà lý giải được. Vậy kẻ nào muốn dùng ngôn ngữ để nói bàn về Tổ sư Tây Lai Ý thì đã làm một việc vô lý xuẩn ngốc như muốn nước khe trong động chảy ngược lên dốc cao!”.

6- Đọc sâu hiểu rộng Thiền chỉ:

Như công án sau đây:
Tăng hỏi Ba Lăng: “Thế nào là tông phong của Đề Bà?”.
Ba Lăng đáp:
– Trong chén bạc chứa đầy tuyết.

Có thông Thiền sử ta mới biết được Đề Bà tông là tông phong của ngài Ca Na Đề Bà, mà Ca Na Đề Bà là truyền tự của ngài Long Thọ, làm Tổ thứ 15 của Thiền tông Tây Thiên nổi danh dùng biện tài để diệt tà kiến ngoại đạo. Còn ngài Ba Lăng là hậu tự của Vân Môn Văn Yển cũng nổi danh với chủ trương “Biện tài vô ngại”. Có nắm được các chi tiết trên, ta mới hiểu câu hỏi của ông Tăng là “Thiền pháp của Ba Lăng giống Thiền pháp Đề Bà như thế nào”, để rồi sau đó hiểu luôn câu trả lời của Ba Lăng là Thiền pháp hai người tuy giống mà cũng có chỗ dị biệt, như bạc và tuyết đều cùng màu trắng giống nhau, nhưng bạc là kim loại, còn tuyết là nước đông”.

7- Cảm thụ Thiền cơ:

Thiền cơ rất khó nắm bắt, gặp thuận duyên thì phải chộp ngay, nhưng không phải dễ, mà cần có sự bén nhạy thiên phú như gặp công án sau đây:
Ni cô tên Huyền Cơ đến tham vấn Hòa thượng Tuyết Phong. Tuyết Phong hỏi: “Từ xứ nào đến?”.
Đáp: “Từ núi Đại Nhựt (Mặt trời lớn) đến”.
Phong hỏi:
– Mặt trời lên chưa?
Đáp: “Nếu mặt trời lên thì nung chảy núi Tuyết (Tuyết Phong) còn gì?”.
Tuyết Phong hỏi:
– Ni cô tên gì?
Đáp: “Huyền Cơ (máy dệt)”
Phong hỏi hóm hỉnh:
– Mỗi ngày dệt nhiều ít?
Đáp: “Tấc tơ chẳng dính”.
Nói xong bèn lễ bái mà lui. Vừa trở lui ba bốn bước thì Tuyết Phong gọi giật lại bảo: “Góc cà sa quét đất kìa”.
Ni quay đầu lại nhìn, Tuyết Phong nói:
– Đúng là “Tấc tơ chẳng dính” thứ thiệt đấy!

Đối với công án “Thốn ti bất quải” này, các thiền sinh ngoài kiến thức thông thường còn phải có một cơ phong bén nhạy để nắm bắt vì đây là một cuộc đấu Thiền cơ lý thú giữa một ni cô và một thiền sư “nặng ký”. Đầu cuộc gặp gỡ là hai bên xuất độc chiêu ngay.

Ni cô vừa cho biết mình ở núi Đại Nhựt đến là Tuyết Phong hỏi kiểu chơi chữ ngay “Mặt trời lên chưa” vì Đại Nhựt có nghĩa thông thường là mặt trời lớn, vậy là 1-0.

Ni cô chẳng phải tay vừa, phản pháo lại ngay “Nếu mặt trời lên thì sẽ nung cháy ngọn núi tuyết rồi còn gì”, tức nung chảy sư Tuyết Phong vì Tuyết Phong, pháp hiệu của sư, có nghĩa là núi tuyết. Chơi chữ gặp chơi chữ thế là 1-1.

Tuyết Phong lại xuất độc chiêu chơi chữ kế tiếp vì khi Ni cô cho biết mình tên Huyền Cơ là sư hỏi ngay “Ngày dệt được bao nhiêu” vì thời xưa “huyền cơ” có nghĩa là cái khung dệt vải. Thế là 2-1.

Ni cô nào phải thứ dễ nuốt nên lại xuất quái chiêu phản độc chiêu khi dùng dụng ngữ “Thốn ti bất quải” vốn có nghĩa chốn Thiền lâm là “Tâm tính không vướng nhiễm chút bụi bặm” để vừa trả lời sát sườn câu hỏi của Tuyết Phong vừa chứng tỏ mình tâm tính đã sạch làu làu. Thế là lại 2-2.

Tuy nhiên khi ni cô vừa lễ tạ lui ra đôi ba bước thì sụp vào cái bẫy tuyệt chiêu của Tuyết Phong vì bất thình lình sư gọi giật lại bảo cho biết là góc áo cà sa phết đất, và vì mất cảnh giác ni cô bất chợt quay lại nhìn nên bị sư nói mỉa “A, đây là tấc tơ chẳng dính thứ thiệt đấy” có nghĩa chê ni cô chỉ nói được chứ chưa thật sự “Tâm tính chẳng nhiễm chút bụi trần”. Rốt lại thì 3-2.

Các thiền sinh ta ơi, thật ra mọi công án đều hàm chứa đủ tính bí hiểm, u mặc như công án “Thốn ti bất quải” này, cho nên một số điều kiện tạm nêu ra chỉ là để gợi ý, còn đứng trước một công án, bao giờ các thiền sinh cũng phải vận dụng tối đa phần trực giác bén nhạy để mà tự ngộ vậy!

II. Một số kinh nghiệm thực tiễn

Công án là một hình thức khải thị sâu kín chỉ ý Thiền tông. Vậy muốn tìm hiểu sơ bộ chỉ ý Thiền để làm phương hướng giúp trực giác tự phát lãnh hội phần sâu thẳm thì các thiền sinh nên chú tâm đến phạm trù chỉ ý. Thật ra về phương diện tuyệt đối thì chỉ ý là phần bất khả tư nghì, là thánh ý không thể dùng ngôn ngữ văn tự phàm tình để mong nắm bắt, nhưng ở một chừng mực tương đối nào đó thì chỉ ý này bao hàm một số nguyên lý nằm trong chủ trương và tinh thần Thiền tông. Thiền tông dựa trên tinh thần tự chủ, sùng thật và cách tân (còn gọi là thích nghi) và đưa ra chủ trương Bất lập ngôn ngữ văn tự, giáo ngoại biệt truyền, dĩ tâm truyền tâm, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.

Từ tinh thần và chủ trương này, Thiền tông mặc nhiên nêu một số quy định, cụ thể tạm kê ra theo vài phạm trù đại khái như sau:
1. Nói là sai, là lìa xa đạo lý
2. Mình là chủ tể của chính mình (Tự kỷ Phật)
3. Đạo lý không tự ngoài mình mà có được
4. Thiền bình thường giản dị
5. Thiền cụ thể hiện tiền
6. Thiền không chủ trương thần thông
7. Phải phản quan tự kỷ
8.  Nhất tâm bất sinh, vạn pháp chí lý.

Từ mấy quy luật tạm nêu trên đây, chúng ta có thể đưa ra một số thí dụ tương ứng như:

1- Nói là sai, là lìa xa đạo lý

Trong công án “Đại Chứng chỉ thạch sư tử”, Tuệ Trung Quốc sư chỉ con sư tử đá yêu cầu hoàng đế Đường Túc Tông hạ một chuyển ngữ. Đế lắc đầu bảo sư nói. Sư tạ tội không nói được.

Gặp loại công án này, các thiền sinh hãy tập trung ý vào phạm trù “Nói là sai đạo lý” vì sư tử đá tượng trưng cho bản lai diện mục mà bản lai diện mục thì không thể dùng lời lẽ mà nói bàn được nên cả vua lẫn quốc sư đều lắc đầu chào thua.

2- Mình là chủ tể của chính mình

Hai Thiền sư Thản Nhiên và Hoài Nhượng hỏi: “Thế nào là Tổ sư Tây Lai Ý?”. Thiền sư Tuệ An đáp: “Sao không tự hỏi chỉ ý của chính mình”.

Gặp loại công án này, các thiền sinh hãy chú ý tới phạm trù “Mình là chủ tể của chính mình”. Từ đó sẽ hiểu ý thiền sư muốn khải thị “Tự kỷ ý” là phần quan trọng sao không tự hỏi mà đi hỏi chi Tổ sư Tây Lai Ý.

3- Đạo lý không từ bên ngoài mà có được

“Thiền sư Triệu Châu làm hỏa đầu đóng cửa bếp đốt lửa khói xông lên mù mịt rồi la toáng lên “chữa cháy – chữa cháy”. Mọi người chạy đến, sư bảo: “Hãy nói đúng thì ta mới mở cửa”. Mọi người không biết làm thế nào. Sư Nam Tuyền đến đút chìa khóa qua song cửa, sư liền mở”.

Gặp loại công án này, các thiền ni sinh nên chú ý tới phạm trù “Đạo lý không từ ngoài mà có được”. Vì lửa khói tượng trưng cho phiền não. Dẹp tan phiền não là tự mình chứ không nhờ người ngoài giúp được, tức đạo lý không từ bên ngoài mà có được.

4- Thiền bình thường giản dị

Nửa đêm sư Trí Thông la to lên: “Ta ngộ rồi, ta ngộ rồi”, làm mọi người đều nhốn nháo. Qua hôm sau tại pháp đường, được trụ trì hỏi ngộ cái gì thì sư bảo “Ni cô là phụ nữ”. Trụ trì phải nhận là đúng.

Gặp loại công án này, các thiền sinh phải chú ý tới phạm trù “Thiền bình thường giản dị như” như Sư cô là phụ nữ (còn Tăng là đàn ông).

5- Thiền cụ thể hiện tiền

Tăng hỏi Triệu Châu: “Kính nghe Hòa thượng từng tham vấn ngài Nam Tuyền phải không?”. Sư đáp bâng quơ: “Ở Trấn Châu có sản sinh một củ cải to”.

Gặp loại công án này, các thiền ni sinh phải chú ý tới phạm trù “Thiền cụ thể hiện tiền” bởi ý sư Triệu Châu muốn khải thị là chúng ta nên chú ý đến sinh hoạt thiết thực hiện tiền, nếu không thì lời nói vàng ngọc của ngài Nam Tuyền không có giá trị cụ thể bằng một củ cải nuôi được người dân hàng ngày.

6- Thiền không chủ trương thần thông

Trong công án “Hương Nghiêm nguyên mộng”, Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu ngủ trưa dậy, bảo hai đệ tử là Ngưỡng Sơn Tuệ Tịch và Hương Nghiêm Trí Nhàn bàn giải giấc mộng của mình. Ngưỡng Sơn bèn bưng một chậu nước và cái khăn tới cho sư lau rửa mặt mày, còn Hương Nghiêm thì bưng đến một tách trà nóng cho sư uống sau khi rửa mặt.

Gặp loại công án này, các thiền sinh nên chú ý phạm trù Thiền tông không chủ trương thần thông huyền bí” mà thực tế hiển hiện vì đối với người mới thức dậy, đoán mộng là chuyện thần thông đâu đâu sao bằng cụ thể mang nước khăn đến rửa mặt rồi chén trà nóng thấm giọng.

7- Phản quan tự kỷ

Thiền sư Vân Môn dạy rằng: “Ai ai cũng có sẵn quang minh vậy mà khi nhìn lại không thấy, chỉ thấy tối mò. Mà ánh sáng quang minh là cái gì? Là cổng chùa, nhà kho”.

Gặp loại công án này, các thiền sinh phải chú ý đến phạm trù, “Phản quan tự kỷ” vì ai ai cũng có ánh quang minh mà vì không tự nhìn lại mình, mải lo đi tìm tự đâu đâu mà nào có biết ánh quang minh chỉ là những vật bình thường giản dị như nhà bếp, cổng chùa.

8- Nhất tâm bất sinh, vạn pháp chí lý

Trong công án “Bản lai diện mục vô sinh diệt”, Thiền sư Triệu Châu nói: “Phật bằng vàng không chịu nổi lò nung. Phật bằng gỗ không chịu nổi lửa, Phật bằng đất không chịu nổi nước, chỉ có chân Phật là an nhiên”.

Gặp loại công án này, các thiền sinh phải chú ý đến phạm trù “Nhất tâm bất sinh, vạn pháp chí lý” vì Phật bằng chất gì cũng bị vật chất hủy hoại, chỉ có chân Phật tự tánh bảo nhiệm ngồi nghiêm bên trong không bị nước lửa hủy hoại, biểu thị nhất tâm bất sinh đồng với vạn pháp chí lý.

Các thiền sinh của tôi ơi, viết đến đây tôi tự cảm thấy các điều mình vừa trình bày đều vô nghĩa vì ở mỗi công án đều dung chứa đồng lúc nhiều phạm trù nên càng phân tích chiết trung càng bế tắc… và thấy được phạm trù thiên hình vạn trạng ở các công án đâu phải là chuyện một bài hỏi đáp chỉ ra được. Vậy thì chung quy cũng quay lại nguyên tắc mỗi thiền sinh trước công án phải vận dụng trực giác bén nhạy thôi!

Lý Việt Dũng

Nguồn: giacngo.vn