Lợi Ích Của Việc Qui Y Tam Bảo, Thọ Trì Năm Giới

0
348

Hỏi: Chúng con là những người rất mến mộ đạo Phật nhưng hiện ở rất xa, do đó  ít có điều kiện để mua sách Phật pháp để đọc, thỉnh thoảng chúng con có đi lễ chùa, được nhà chùa khuyến khích qui y Tam bảo và thọ trì Năm giới.

Chúng con chưa hiểu nếu qui y và thọ năm giới thì sẽ được lợi ích gì? Có gì khó khăn khi thọ Năm giới không?

Đáp:

Quy y Tam bảo có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với người con Phật. Vì nếu chưa quy y, thì dù hiểu biết giáo lý và mến mộ Phật pháp cao độ vẫn chưa phải là Phật tử. Do đó, muốn trở thành người đệ tử Phật đúng nghĩa, nhất định phải quy y. Quy y Tam bảo là nấc thang đầu tiên, là khởi điểm của lộ trình hướng đến giải thoát. Chính việc quy y Tam bảo là biểu hiện quan trọng và cơ bản nhất của sự Giác ngộ trong tự thân của mỗi cá nhân.

WW (1).JPG

Đồng bào dân tộc trong lễ Quy y Tam bảo tại Kon Tum 2009

Quy là trở về, y có nghĩa nương tựa. Quy y Tam bảo là trở về nương tựa ba ngôi quý báu Phật, Pháp và Tăng. Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn về ba phương diện: Tự giác, Giác tha và Giác hạnh viên mãn. Pháp là những phương pháp tu hành do chính Đức Phật thân chứng và giảng dạy để diệt trừ si ám, đoạn tận mọi khổ đau. Tăng là đoàn thể đệ tử xuất gia, giữ gìn giới luật, sống chung hòa hợp, tu tập theo chánh pháp. Sở dĩ  Phật, Pháp và Tăng được tôn xưng là ba ngôi quý báu vì trên đời hiếm có và khó gặp. Chỉ có Tam bảo mới có đủ năng lực dẫn dắt chúng sinh ra khỏi biển khổ và chỉ có Tam bảo mới phát huy cùng tột năng lực trí tuệ của chúng sinh để xoá tan vô minh, thành tựu giải thoát. Nếu không gieo trồng thiện căn, không hội đủ duyên lành thì khó được phúc duyên nương tựa, dù Tam bảo vẫn thường trụ ở thế gian.

Do vậy, được quy y, quay về nương tựa Phật, Pháp và Tăng, trở thành người Phật tử là một duyên lành rất lớn trong đời. Tam bảo là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người Phật tử. Con người do vô minh nên bị dục vọng sai khiến, trói buộc. Chúng sanh vì nhiều tham muốn nên chịu nhiều khổ luỵ. Như người đi biển, càng uống nước biển càng bị cơn khát hành hạ, dày vò. Suốt một đời đuổi theo ảo ảnh hạnh phúc, tìm cầu sự thoả mãn của lòng tham vô đáy, rốt cuộc con người chỉ để lại một gia sản duy nhất là ác nghiệp do mình tạo ra. Vật chất, tài sản là phù du, tất cả sẽ ra đi chỉ có nghiệp thì ở lại. Do ác nghiệp đã tạo, nên chúng sanh phải đắm chìm trong khổ đau, luân hồi sanh tử. Trong cơn trường mộng của những cuộc rượt đuổi dục vọng ly kỳ, con người chợt giật mình thức tỉnh. Họ cay đắng nhận ra trò chơi đuổi bắt của cuộc đời, thấy rằng phận người ngắn ngủi, thân người mong manh, gia sản thì tạm bợ, chợt còn chợt mất như sương khói. Nhận thức sâu sắc về sự vô thường, giả hợp của thân mạng và thế giới, tỉnh mộng quay đầu, con người tìm về những chân giá trị của cuộc đời; thực hành đạo đức, sống hỷ xả, vô ngã và vị tha, nương vào ánh sáng soi đường của Tam bảo tìm về Chân – Thiện – Mỹ. Đó là nguyên nhân, mục đích cao cả của việc quy y. Đạo Phật là đạo Giác ngộ nên không bao giờ ép buộc, áp đặt hoặc dụ dỗ người khác quy y, chỉ khuyến khích và động viên làm tăng thượng duyên lành có sẵn của đương sự. Do đó, quy y Tam bảo phải được xuất phát từ ý thức tự giác, tự nguyện và không hề có bất cứ một khó khăn hay điều kiện gì từ phía “nhà chùa”.  Nếu có chăng chỉ là một chút lễ nghi, hương hoa tùy hỷ, biểu lộ lòng thành, chủ yếu để làm cho buổi lễ thêm phần trang trọng mà thôi.

Khi quy y, tức đối trước Tam bảo, có sự chứng minh của chư Tăng, phát nguyện trở về nương tựa Phật, Pháp và Tăng làm một đệ tử Phật hay còn gọi là Phật tử . Trở thành Phật tử, cố nhiên sẽ được Tam bảo soi sáng, che chở và hộ trì. Từ đây, mọi suy nghĩ, nói năng hay hành động sẽ nương theo chánh niệm mà trở nên trong sáng. Chính nhờ việc tu tập chuyển hoá Tam nghiệp mà cuộc sống được thăng hoa. Cũng chính nhờ việc chuyển ác nghiệp thành thiện nghiệp nên người đã quy y chắc chắn không bị đọa lạc vào Tam đồ, Ác đạo.

Tuy nhiên, quy y chỉ mới là nấc thang đầu tiên, người con Phật phải phát nguyện tu tập, thọ trì năm giới để hoàn thiện nhân cách của người Phật tử. Năm giới cấm hay năm nhân cách của người Phật tử là: Không giết hại, Không trộm cướp, Không tà dâm, Không nói dối và Không uống rượu. Người Phật tử khi đã quy y thường phát nguyện thọ trì năm giới nhưng không nhất thiết người nào cũng phải thọ trì hết năm giới. Tuỳ theo khả năng và hoàn cảnh cá nhân, tự lượng sức mình để phát nguyện thọ trì. Sau một thời gian, nhận thấy lợi ích thiết thực của việc giữ gìn giới luật, nhân cách ngày càng hoàn thiện nhờ trì giới, lúc đó mới phát nguyện thọ trì hết năm giới.

Giữ giới không có nghĩa bị trói buộc, bị tước mất quyền tự do phóng túng cá nhân. Chính việc tuân thủ giới luật mà nhân cách cá nhân được hoàn thiện đồng thời giúp cho tự thân và tha nhân được an ổn, hạnh phúc và xa lìa mọi khổ đau. Hành trì năm giới xuất phát từ ý thức tôn trọng và giữ gìn hạnh phúc của chính mình, mọi người và mọi loài.

 Đối với giới thứ nhất Không giết hại, do “ Ý thức được những khổ đau do sự giết hại gây ra, con xin học theo hạnh Đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con”. Phát nguyện giữ giới Không giết hại vì tôn trọng sự sống, vì ý thức được khổ đau do giết hại gây ra. Do vậy, người giữ giới này hiện tại luôn sống trong an ổn, không sợ thù oán, thân thể khoẻ mạnh, không bị quả báo lột da, xẻ thịt ở đời sau. Nhờ không giết hại, môi sinh được giữ gìn, xã hội an ninh, thế giới hoà bình và an lạc.

Do “Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp gây ra, con xin học theo hạnh Đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài. Con nguyện không lấy làm của riêng bất cứ một tài vật nào của bất cứ ai. Con nguyện tôn trọng quyền sở hữu của kẻ khác và cũng nguyện ngăn ngừa không cho họ tích trử và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loài”. Đó là nội dung của sự phát nguyện thứ hai Không trộm cướp. Vì tôn trọng tài sản và ý thức sự khổ đau do bị trộm cướp gây ra nên người Phật tử không trộm cướp. Người giữ gìn giới này hiện tại luôn sống trong thanh thản, không sợ tù tội, được người khác tin cậy, giao phó nhiều trọng trách, hưởng phước giàu sang; vì không gian tham nên không bị túng thiếu, mất mát và không bị “mang lông đội sừng” để trả nợ ở kiếp sau.

Vì “ Ý thức được hạnh phúc gia đình dựa trên nền tảng thủy chung, hòa thuận. Con nguyện giữ mình thật tinh khiết, tự bảo vệ nếp sống tiết hạnh và hết lòng bảo vệ tiết hạnh của kẻ khác. Con biết hành động ngoại tình sẽ làm tan vỡ hạnh phúc gia đình con và hại đến hạnh phúc của người khác…” Đây là nội dung của giới thứ ba Không tà dâm. Người Phật tử ý thức được sự tai hại của việc tư tình nên phát nguyện gìn giữ. Lợi ích của sự tu tập Không tà dâm là thân thể khoẻ mạnh, gia đình ấm êm hạnh phúc, được mọi người tôn trọng, không có tình thù.

Phát nguyện giữ gìn giới thứ tư Không nói dối vì: “Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin nguyện nói lời chánh ngữ và học hạnh lắng nghe để dâng niềm vui cho người và giúp người bớt khổ. Con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói những lời sai với sự thật, những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều mà con không biết rõ. Con nguyện lắng nghe với tâm từ bi, để có thể hiểu được những khổ đau và khó khăn của kẻ khác và để làm vơi đi những khổ đau của họ”. Người giữ giới Không nói dối luôn được mọi người tôn trọng, tin tưởng, yêu thương. Không những không nói dối, người tu tập giới này còn góp ý, động viên, xây dựng và hoà giải với mọi người xung quanh làm cho gia đình và xã hội ngày càng thêm tốt đẹp.

Giới thứ năm Không uống rượu, nói một cách đầy đủ là không sử dụng rượu, ma tuý, các chất kích thích và gây nghiện, các thực phẩm có độc tố và văn hóa phẩm đồi trụy. Vì “ý thức được những khổ đau do sử dụng rượu và ma túy gây ra, con nguyện chỉ tiêu thụ những thực phẩm không chứa độc tố, không có tác dụng gây nên sự say sưa, nghiện ngập làm thân tâm mất tự chủ. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng ma tuý, không tiêu thụ những thực phẩm có độc tố kể cả văn hóa phẩm có nội dung bạo động, sợ hãi, thèm khát và hận thù”. Tu tập trọn vẹn giới thứ năm thì thân thể khoẻ mạnh, hạn chế được bệnh tật, trí tuệ sáng suốt, tuổi thọ tăng trưởng đồng thời tránh được tai nạn, lỗi lầm đáng tiếc do sự mất tự chủ gây ra.

Trên đây là tất cả lợi ích thiết thực của việc quy y và thọ trì năm giới của người Phật tử. Chỉ có quay về nương tựa Tam bảo và tu sửa nhân cách bằng sự thọ trì năm giới mới đem lại hạnh phúc, an vui cho cá nhân, gia đình và xã hội. Đó cũng là lý do mà  “nhà chùa” thường khuyến khích và tổ chức cho tín đồ quy y Tam bảo.

Nguồn: giacngo.vn