Đao Lợi & Đâu Xuất

0
582

HỎI: Xin quý Báo cho biết đại lược về cung trời Đao-lợi và Đâu-suất. Tu tập nhân hạnh nào thì được sanh về Tịnh độ Đâu-suất?(TỪ HÒA, Đồng Tháp; NGUYÊN SÁNG, Bà Rịa-Vũng Tàu).

tuvan.jpg

ĐÁP: Bạn Từ Hòa và Nguyên Sáng thân mến!

Từ điển Phật học Huệ Quang (tập II, tr.1391) ghi: Trời Đao-lợi (S.Trayastrimsa, P.Tavatimsa, Hán. Đao-lợi thiên, Tam thập tam thiên), là tầng trời thứ 2 trong 6 tầng trời ở cõi Dục.

Theo vũ trụ quan Phật giáo, trời Đao-lợi nằm trên đỉnh núi Tu-di, bốn phía đỉnh núi, mỗi phía đều có 8 thiên thành, thành Thiện kiến hay Hỷ kiến (Sudassana) ở giữa là cung điện của vua trời Đế-thích (Sakka), tất cả gồm 33 nơi nên gọi Tam thập tam thiên.

Kinh Trường A-hàm, phẩm Đao-lợi thiên, ghi: Chư thiên ở trời Đao-lợi cao 1 do-tuần, thọ trung bình 1.000 tuổi, ăn uống như loài người nhưng thực phẩm thanh tịnh hơn. Ở Đao-lợi cũng có việc dựng vợ gả chồng nhưng không ân ái, thiên nam và thiên nữ chỉ dựa vào nhau là thành tựu việc âm dương. Lúc mới sinh ra, chư thiên sơ sinh có vóc dáng tròn trịa, bằng đứa bé 6 tuổi ở thế gian, tự có y phục. Cõi trời này có đầy đủ các thứ báu tốt đẹp, đền đài, lầu các, cảnh vật đều thù thắng, trang nghiêm.

Sinh về cõi trời Đao-lợi, làm con dân của Đế-thích là tín ngưỡng lâu đời của người Ấn Độ xưa. Thánh mẫu Ma-da sau khi chết sinh về cõi trời này. Đức Phật Thích Ca đã có lần thuyết pháp cho Thánh mẫu và chư thiên ở trời Đao-lợi trong 3 tháng (ảnh).

Về trời Đâu-suất, Từ điển Phật học Huệ Quang (tập II, tr.1474) ghi: Trời Đâu-suất (S&P.Tusita, Hán. Đâu-suất thiên, Hỷ lạc thiên), là tầng trời thứ 4 trong 6 tầng trời ở cõi Dục, ở giữa trời Dạ-ma (tầng trời thứ 3) và trời Hóa lạc (tầng trời thứ 5).

Chư thiên ở cõi trời này luôn sống trong hỷ lạc, vật chất sung mãn, tinh tấn tu tập Bát chánh đạo nên gọi là Hỷ lạc thiên. Các Bồ tát giáo hóa ở cõi này thường tu tập hỷ (một trong bốn tâm vô lượng) nên còn gọi là Hỷ túc thiên.

Chư thiên ở Đâu-suất thân cao 4 do-tuần, tuổi thọ trung bình 4.000 tuổi. Các vị thiên ở cõi trời này khi khởi dục chỉ cần nắm tay nhau liền được thọ dụng như ý.

Cõi trời này có hai viện, Đâu-suất ngoại viện và Đâu-suất nội viện.

Đâu-suất ngoại viện là nơi cư trú của chư thiên hưởng thọ nhiều dục lạc, rất ít khi được nghe thuyết pháp.

Đâu-suất nội viện là trụ xứ của Bồ tát Di Lặc, còn gọi là Tịnh độ Đâu-suất. Bồ tát Di Lặc hiện đang giáo hóa các Bồ tát ở đây, đương lai sẽ hạ sanh thành Phật. Phật Thích Ca, trước khi giáng xuống cõi Ta bà cũng ở Đâu-suất nội viện này.

Vãng sanh Tịnh độ Đâu-suất (Đâu-suất nội viện), được Bồ tát Di Lặc giáo hóa là một trong những mục tiêu quan trọng của Phật giáo đồ, thịnh hành và phổ biến ở Ấn Độ và Trung Hoa.

Theo Đảo sử, vua Dutthagamani của Tích Lan, trước khi lâm chung được nghe một vị Tỷ kheo nói về Bồ tát Di Lặc và Tịnh độ Đâu-suất liền phát sinh lòng tin và được vãng sanh về cõi này. Các Tổ sư Duy Thức tông như Vô Trước, Thế Thân đều phát nguyện và được vãng sanh Tịnh độ Đâu-suất (Theo Đại Đường Tây Vực ký).

Ở Trung Quốc, từ thời Đông Tấn về sau, tín ngưỡng Tịnh độ Đâu-suất rất thịnh hành. Các cao tăng như Đạo An, Huyền Trang, Khuy Cơ, Hư Vân, Thái Hư, Từ Hàng v.v… cũng đều phát nguyện và thành tựu vãng sanh Tịnh độ Đâu-suất.

Về nhân hạnh tu tập để vãng sanh Tịnh độ Đâu-suất, theo kinh Di Lặc thượng sanh: Sanh lên Thượng phẩm gồm 6 hạnh: Siêng tu công đức, đầy đủ oai nghi, quét tháp đắp đường, cúng dường hoa hương, trụ tâm nhập định, đọc tụng kinh điển. Sanh lên Trung phẩm gồm 3 hạnh: Tâm hoan hỷ, lời nói cung kính, thân lễ bái. Sanh lên hạ phẩm gồm 11 hạnh: Sám hối, nghe danh hiệu, tạo hình tượng, cúng hương, cúng hoa, cúng y phục, cúng lọng, cúng cờ, cúng phướn, thân thường lễ bái, tâm miệng chuyên niệm.

Ngoài ra, những người tu tập giữ 5 giới, 8 giới (Bát quan trai), 10 giới (Thập thiện) là nhân hạnh sanh lên Đâu-suất ngoại viện, hưởng phước thiên giới.

Chúc các bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn