Việc Nghi Lễ Của Người Khmer Hiện Nay Ra Sao?

0
263

HỎI: Xin cho biết có bao nhiêu cách tống táng, đồng thời cho biết một cách chi tiết nghi thức hỏa táng trước kia của người Việt gốc Khmer miền Tây Nam Bộ. (TRẦN V.THÂN, Tam Bình, Vĩnh Long)

ĐÁP: Từ Hán Việt, “táng” không có tiếng Nôm nào có nghĩa tương đương cả vì nếu bảo “táng” là chôn thì thủy táng hay hỏa táng thì chôn thế nào được!? Vậy chữ “táng” chỉ có nghĩa đại khái là “giải quyết xác người chết bằng cách nào đó” mà thôi. Do đó chúng ta có các từ “thổ táng” hay “mai táng” là đem chôn xuống đất, “hỏa táng” hay trà tỳ là đem thiêu trong lửa, “thủy táng” là đem thả xuống sông hoặc biển, “khí táng” hay còn gọi là “dã táng” hoặc “lâm táng” là đem bỏ thây vào trong rừng bụi cho trùng thú mổ rỉa, “điểu táng” là đem thây lên núi chặt nhỏ chia cho kên kên ăn, “thố táng” là quàn trong nhà mồ, “không táng” là đem quan tài treo trên cây hoặc gác bên vách núi.

Người Việt ta cũng như người Hoa trước kia vì chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo cấm chỉ các hình thức tống táng khác nên chỉ có thổ táng còn gọi là mai táng hay an táng. Chỉ riêng các nhà sư thì mới dùng đến hỏa táng. Người ta cho rằng sống có nhà, chết phải có mồ. Ngoài ra chôn xuống mồ thì thấy như còn đó, nhất là đến lễ Thanh minh hàng năm con cháu có dịp tảo mộ, cúng kiến ông bà. Nghi thức mai táng người chết gọi là táng thức, táng nghi, táng tống, táng lễ, tống táng, tống vong.

Bên Ấn Độ khi xưa thịnh hành bốn phép táng là thổ táng (nikhata) tức liệm xác chết vô hòm đem chôn xuống đất như người Việt hay Hoa, khí táng (prasta) cũng còn gọi là lâm táng hay dã táng, tức đem thây không có liệm vô áo quan bỏ vô rừng cho trùng thú ăn thịt mà rừng Thi Đà ở bên ngoài Vương Xá thành là một nơi lâm táng trứ danh. Hỏa táng (agnidagdha) có mấy cách như đem quan tài đặt lên giàn hỏa rồi chất củi đốt, hoặc lập giàn hỏa bằng một đống cây củi rồi để thây vào chính giữa mà châm lửa. Riêng theo truyền thuyết Thiền tông thì chư Phật và các vị Tổ đều hóa lửa tam muội mà tự thiêu mình trên không trung. Thủy táng là đem thây người chết thả xuống sông Hằng (Gàngà), hoặc giả dùng thuyền chở thây đem thả ngoài cửa biển cho trôi về nơi vô định. Một số sắc dân thiểu số thì bỏ thây xuống hồ thiên tạo trên núi. Ngoài ra cũng còn phải kể đến một kiểu thủy táng bất đắc dĩ là khi tàu đang lênh đênh trên biển mà có người chết, vì để tránh bệnh dịch, người ta đặt xác chết lên một cái máng cử hành chút nghi thức tống biệt rồi cho xuống biển.

Người Tây Tạng hay có tục điểu táng. Thân nhân mang thây người chết lên trên núi cao rồi một vị trưởng lão (Hoàng giáo) đạo cao đức trọng được vinh dự cử ra dùng búa chặt xác chết cho kên kên ăn.

Thố táng chỉ thịnh hành ở một số vùng người Thượng trên cao nguyên. Đó là xác người chết được liệm vô quan tài hay chỉ bó lại rồi quàn tại nhà bằng cây lá cách xa nhà rông chừng vài trăm thước, chung quanh được rào bằng các loại chà gai để thú rừng không bươi móc ăn xác. Tuy nhiên, ngay người Việt ở miền kinh cũng có tục thố táng. Bằng cớ là trong bộ Gia Định thành thông chí của cụ Trịnh Hoài Đức mà chúng tôi đã dịch có nói đến sự tích sông Đôi Ma thật xúc động lòng người như sau: Có cô con gái rất đẹp con ông bá hộ yêu một anh học trò nghèo. Anh học trò cũng yêu lại nhưng nghĩ thân phận mình nghèo hèn nên không dám mở lời. Phần cô gái vì thầm yêu trộm nhớ uất kết nên tương tư mà chết. Vì chỉ có một mụn gái duy nhất nên ông bà bá hộ thương yêu đứt ruột không nỡ chôn mà quàn lại trong nhà mồ sau vườn, mỗi ngày dọn cơm cho ăn như người sống. Phần anh học trò khi hay tin cô gái vì mình mà chết nên lén đến chỗ nhà mồ thắt cổ tự ải chết theo người yêu. Vì thương con nên ông bà bá hộ xin cha mẹ anh học trò cho phép quàn quan tài anh ấy bên cạnh quan tài con gái mình. Vì cả hai đều chết tức tưởi, lại về sau, hai ông bà bá hộ đều qua đời, gia tộc suy sụp không ai chăm sóc nhà mồ, nên lâu dần họ thành đôi ma giữa ban ngày hiện hình chọc ghẹo người qua lại trên sông nên dân chúng địa phương đặt tên con sông là sông Đôi Ma. Sau quân Tây Sơn vào ghét chuyện ma quỷ nên đặt trọng pháo bắn tan tành ngôi nhà quàn. Từ đó đôi ma cũng bặt luôn. Cám cảnh chuyện tình đôi ma, năm 1896 một người Hoa chủ tiệm thuốc bắc Nhơn Ái Đường ở Mỹ Tho và ông Thượng Tân Thị hồi năm 1907, mỗi người làm một bài thơ vịnh như sau:

BÀI CỦA ÔNG CHỦ NHƠN ÁI ĐƯỜNG
Vực thẳm cây cao chiếm một tòa
Sống không lẻ cặp chết đôi ma
Hồn ma đem gởi chòm mây bạc
Phách quế nương theo bóng nguyệt tà
Con nước chảy ròng rồi kế lớn
Tấm lòng có bậu lại cùng qua
Căn duyên ai khiến xui cho đấy
Tiếng để ngàn thu cũng cũng là.

BÀI CỦA ÔNG THƯỢNG TÂN THỊ
Trải qua Rạch Kiến ác chinh chinh
Nghe nói đôi ma bắt lạnh mình
Thảm nỗi con nhà sao bất hiếu
Ngán cho giọt nước khéo vô tình
Sống thề chưa vẹn duyên kim cải
Thác nguyện cùng theo chốn
thủy tinhAi hỡi hồn thiêng như có biết
Tiếng đời lượn sóng nỗi lênh đênh.

Tục lệ “không táng” không được phổ biến, chỉ có một ít tộc thiểu số vùng núi bên Trung Quốc mới thực hiện. Người ta bám theo dây leo lên trên vách núi đục hai cái lỗ trên vách núi cao sừng sững rồi đặt vô đá hai thanh gỗ to thuộc loại danh mộc chịu được nắng mưa như hai cái cán rồi thòng dây thả quan tài từ trên đỉnh núi xuống đặt trên hai cái cáng ấy. Từ xa trông lại, các quan tài gác lố nhố bên vách núi chẳng khác chi tổ chim. Cũng có nhiều sắc dân thiểu số lại đặt quan tài lên “chảng hai” các cây cổ thụ trong rừng. Vùng Đồng Tháp, Mộc Hóa, Long An của ta cũng có không táng nhưng là bất đắc dĩ, nghĩa là nếu ai qua đời trong thời gian nước lũ dâng cao thì chẳng có nơi nào chôn được đành phải gác lên “chảng hai” cây chờ khi nước xuống mới tổ chức mai táng được. Một tình trạng không táng bất đắc dĩ chỉ thấy trong các phim khoa học giả tưởng là khi đang đáp phi thuyền trong không gian mà vì lẽ nào đó có người chết thì xác chết này được đẩy ra ngoài khoảng không và theo lý thuyết thì xác sẽ bay mãi mãi trong khoảng không vô tận.
Riêng đối với Phật giáo, theo quyển 18, sách Hữu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự chép (Tỷ kheo bệnh nặng phải đem xuống Niết bàn đường nằm chờ chết): Khi Tỷ kheo qua đời thì phải hỏa táng. Chừng nào không có điều kiện hỏa táng mới phải thủy táng, thổ táng hay dã táng. Riêng về chuyện tống táng trong nhà chùa thì có hai cách là trà tỳ (tức hỏa táng) và toàn thân nhập tháp (tức một hình thức thổ táng). Cao tăng nhiều đời trong Phật giáo thường dùng hỏa táng, nhưng không thiếu chi người trước khi lâm chung thường trăn trối lại phải đem thây bỏ trong rừng cho trùng thú ăn để thể hiện lòng từ bi tuyệt đối như Tổ Tuệ Viễn đời Đông Tấn, trước khi lâm chung đã dặn dò đệ tử phải đem thây mình bỏ trên núi cho chim muông ăn thịt. Tuy nhiên cũng có nhiều vị cao tăng như ngài Đường Huyền Trang, ngài Khuy Cơ hay Lục tổ Huệ Năng thì lại toàn thân nhập tháp. Theo phép tống táng của Thiền tông như sách Tăng đường thanh quy chép, khi Hòa thượng trụ trì chùa Thiền Tông thị tịch thì do pháp duyên hoặc do tôn túc các núi lân cận chủ trì tang lễ, thi hành đủ chín bước Phật sự như:“Nhập khám thờ, dời khám thờ, khóa khám thờ, mang hình tượng, tiểu tham trước linh sàng, nâng khóm thờ, cúng trà, cúng canh, đốt đuốc lớn”.

Riêng người Việt gốc Khmer ở miền Tây Nam Bộ thì tuyệt đối theo tục hỏa táng tức “Bồ che xóp”. Khi trong nhà có người nằm xuống rồi thì trước nhà phải treo một cây cờ đuôi nheo dài màu trắng có hình tương tự như con tắc kè để báo tang. Sau đó cũng đến chùa nhờ vị Lục cả coi ngày giờ tẩn liệm, động quan và đem thiêu. Trước khi tẩn liệm cũng đến chùa rước sư tới tụng kinh cầu siêu tức “Băng xơ cô lờ”. Tùy theo vai vế cùng địa vị người qua đời trong sóc mà rước một hay nhiều sư, sư cả hay sư phó. Về quan tài thì cũng tùy theo gia thế giàu nghèo mà mua cỗ áo quan to hay vừa, bằng cây danh mộc hay gỗ tạp. Nhưng do không cần tính chịu đựng nước đất ngấm lâu năm như hòm chôn nên thường người ta hay chọn hòm bằng gỗ trung bình. Đám ma chay cũng che rạp, đón tiếp người đến chia buồn. Mỗi ngày sư ở chùa đến tụng kinh cầu siêu vào buổi tối. Ngoài ra tại sóc của người Khmer nào cũng có một ban đạo tỳ mà người đứng đầu gọi là “À cha dù ky” hay “À cha đách kha mót” lo việc tẩn liệm và hướng dẫn ban hộ niệm đọc kinh cầu an, cầu siêu nếu như lúc không có Lục của chùa đến tụng kinh. Lễ hỏa táng gọi là “Bồ che xóp” và cũng do “À cha dù ky” tổ chức thực hiện. Người Khmer xưa kia thiêu quan tài lộ thiên chứ không dùng lò như ngày nay. Địa điểm thiêu là một cái sân rộng rãi cao ráo tọa lạc bên cạnh chùa. Xưa kia người ta dựng giàn thiêu bằng cây to cho nên khi xác cháy tan ra tro thì giàn cây cũng cháy tiêu theo. Gần đây người ta dùng loại cọc sắt ráp lại, hàn thành một cái giàn dùng mãi và do nhà chùa quản lý, người trong sóc mượn dùng không phải trả tiền. Ngoài giàn sắt, nhà chùa cũng sắm thêm bốn hoặc sáu cây xiên bằng sắt để ghim vào xác chết giữ cho xác không bật dậy dưới tác động của lửa dữ. À cha chỉ huy ban đạo tỳ chất củi dưới giàn cao chừng một mét. Chung quanh giàn, À cha cho dựng củi đước thanh dài chừng một thước dựng đứng quanh giàn. Tới giờ, quan tài được mang ra bãi thiêu và dừng lại bên cạnh giàn đặt trên hai con ngựa gỗ để sư làm lễ. Tùy theo ý gia đình mà nắp hòm được đóng kín khi liệm, hay chỉ đóng hờ để ra tới bãi thiêu người ta kéo nắp hòm để thân nhân thấy được mặt người chết. Một đầu sợi chỉ trắng cột vào nút áo người chết và nhà sư đưa cuộn chỉ cho thân nhân người chết cầm. Xung quanh người cầm cuộn chỉ này là thân nhân người chết. Trong khi vị sư đứng cạnh quan tài cầm sợi chỉ tụng kinh thì thân nhân người chết sau khi nhìn mặt xác chết lần chót, vừa tháo cuộn chỉ vừa bước lui cho đến khi sợi chỉ được căng thẳng thì dừng lại. Sau khi đọc thêm một thời kinh ngắn nữa, sư ra hiệu và thân nhân kéo mạnh làm sợi chỉ đứt cái bựt. Thế là qua trung gian của vị sư, sợi dây nối kết quan hệ giữa người chết và thân nhân lần sau cùng đã chấm dứt. Sư ra hiệu cho À cha đóng nắp hòm lại rồi ban đạo tỳ khiêng quan tài đặt lên giàn hỏa. Sư đọc một thời kinh ngắn nữa rồi ra hiệu cho À cha tưới dầu lên củi và châm lửa ngọn lửa bùng lên dữ dội. Sư đọc thêm một thời kinh nữa rồi trở vô chùa. Ngoài bãi thiêu lúc này chỉ còn thân nhân người chết, ít quan khách đưa ma và ban đạo tỳ. Theo lệnh À cha, sáu người cầm cây xiên sắt đứng chung quanh giàn hễ thấy thây chết ưỡn người lên thì dùng chĩa xom vào thân kềm cho nằm im. Sau khi lớp hòm cây cháy tan là đầu người chết nổ bụp cháy tiêu trước, kế đến tứ chi rồi sau đến thân mình. Chỉ có bộ đồ lòng và nhất là quả tim là khó cháy nhất… Sau hai, ba tiếng đồng hồ hay lâu hơn nữa, thây người cháy tan hết. À cha cho rưới nước lên đám than hồng để tắt lửa rồi dùng que sắt khều lựa xương và tro tức “thét” cho vô hũ “coót” để hoặc đem về nhà thờ, hoặc đem gởi vô chùa. Nhưng không phải lúc nào việc hỏa táng cũng suôn sẻ như thế, vì khi gặp mùa mưa củi ướt không cháy dữ mà trời sắp tối thì người ta phải nhờ một người trong ban À cha dùng búa lớn chặt thây người ra nhiều mảnh nhỏ cho dễ cháy tiêu. Thảng hoặc đã dùng tới biện pháp đó mà cũng chưa xong thì người ta chỉ lựa phần xương nào đã cháy thành tro than cho vô hũ cốt, còn phần nhỏ thân thể nào chưa cháy hết thì người ta gom cùng với tro than đào lỗ chôn nhưng không đắp thành mồ. Rồi thì người Khmer cũng làm tuần thất, hai mươi mốt ngày, bốn mươi chín ngày, ba tháng mười ngày và giáp năm như người Kinh.

Riêng vị Lục cả trong chùa khi thị tịch thì phải quàn lại tới ba năm mới làm lễ trà tỳ, gọi là “Đồng cò lơ xóp”. Vào dịp này tín đồ đến dự lễ thật đông đảo kéo dài thường đến ba ngày. Đám bài kha đến chùa tổ chức cờ bạc như lắc bầu cua, đánh bài cào, hốt me làm cho lễ hội càng thêm náo nhiệt. Có nhiều chùa còn rước gánh hát dù kê tức như cải lương hoặc lò băm tức hát chằn đến diễn tuồng được bổn đạo hưởng ứng tích cực. Ban đêm bên cạnh gánh dù kê công diễn, bổn đạo còn nhảy tập thể lâm thôn và phù dam trước sân chùa trong tiếng nhạc rập rình hòa điệu. Nhiều chùa lớn còn có cả giàn nhạc ngũ âm biểu diễn thật hấp dẫn. Các cuộc vui trong lễ hội Đồng cờ lơ thật không sao tả xiết nét độc đáo.

Giờ xin nêu một bài song thất lục bát để khép lại bài giải đáp về tống táng:
Vật hoán tinh di thiên sái lệ
Thủy lưu hoa lạc địa hàm bi
Hồng trần sanh ký tử quy
Phù sinh nhược mộng, hiệp ly vô thường
.

 Nguồn: giacngo.vn