Khuyên Người Phát Tâm Xuất Thế

0
266

Vào thời đức Phật còn tại thế, một hôm tại tinh xá Kỳ Viên có bốn vị tỳ-kheo cùng nhau bàn luận xem trong thế gian này điều gì là khổ nhất. Một vị cho là sự dâm dục khổ nhất, một vị cho đó là sự đói khát, vị khác lại cho là sự sân hận, còn vị cuối cùng cho là sự kinh hãi sợ sệt. Bốn vị tranh luận không ngừng. Nhân đó, đức Phật dạy rằng: “Những điều các ông nêu ra để tranh luận đó, đều chưa phải là ý nghĩa cứu khổ. Sự khổ trong thế gian này, không gì hơn việc sở hữu cái thân. Những việc như đói khát, dâm dục, sân hận, oán cừu, thảy đều nhân nơi thân này mà khởi sinh. Cho nên, thân là gốc của mọi sự khổ não, là cội nguồn của tất cả những tai họa hoạn nạn.”

Xét riêng về chuyện dâm dục, có thân nữ ắt tự nhiên luyến ái với nam, có thân nam ắt tự nhiên luyến ái với nữ. Thanh danh bại hoại, tiết tháo tiêu tan, phước lộc hao tổn, tuổi thọ giảm thiểu, hết thảy đều do việc ấy. Ví như giữ được sự trong sạch đức hạnh, ắt nhờ đó được hưởng phú quý. Nhưng lúc được hưởng phú quý rồi, lại rất dễ tạo nghiệp ác. Chỉ cần một ngày làm ác đã phải chịu quả báo trong ngàn vạn kiếp, nên chỗ được không sao bù chỗ mất. Lại ví như lúc hưởng phúc vẫn siêng tu các nghiệp lành, ắt sẽ được sinh lên cõi trời. Nhưng một khi phước báo cõi trời đã hết, lại cũng phải quay trở lại luân hồi. Cho nên, trong kinh có nói: “Chuyển luân Thánh vương cai trị khắp bốn châu thiên hạ, có thể tùy ý bay trên hư không, nhưng hết phước rồi lại sinh làm một con trùng nhỏ sống bám nơi cổ trâu.”

Cho nên biết rằng, dù là nghiệp duyên phước báo, hết thảy rồi cũng quy về thành nguyên nhân của sự đọa lạc, dù là địa ngục hay cõi trời, hết thảy cũng không ra khỏi luân hồi. Nếu không mạnh mẽ phát tâm xuất thế, một lòng hướng theo con đường giác ngộ, chỉ uổng công làm chuyện vụn vặt tầm thường, hôm nay làm thiện, ngày mai tạo ác, loay hoay xoay chuyển mãi trong ba đường ác, không thoát khỏi tám nan xứ, thật không phải chỗ hướng đến của bậc nam tử trượng phu.

Tuy nhiên, khúc nhạc thanh cao hiếm người hòa nhịp, những lời này chỉ có thể nói với bậc thượng căn trí tuệ mà thôi.