Ý nghĩa lá cờ Phật giáo ?

0
203

Hỏi: Kính bạch thầy, có người hỏi con về ý nghĩa lá cờ Phật giáo. Họ hỏi tại sao có 5 màu khác nhau. Vậy 5 màu đó tượng trưng cho ý nghĩa gì? Thật sự con không hiểu, xin thầy giải đáp cho con rõ.  

Đáp: Lá cờ Phật giáo đã được chấp thuận bởi Hội Nghị Liên Hữu Phật giáo Thế Giới, tổ chức lần đầu tiên tại thủ đô Colombo Tích Lan, từ ngày 26 tháng 5 năm 1950 đến ngày 7 tháng 6 năm 1950. Lá cờ 5 sắc là tượng trưng cho Ngũ căn Ngũ lực. Ngũ căn gồm có: tín, tấn, niệm, định, huệ. Còn Ngũ lực chỉ là tăng sức cho ngũ căn thêm lực dụng mạnh mẽ hơn mà thôi.

Như chúng ta tin vào Tam bảo hay lý nhân quả, nhưng lòng tin của chúng ta chưa được vững chắc mạnh mẽ, nên cần phải có niềm tin vững chắc mạnh mẽ hơn, đó là phạm vi của tín lực. Nghĩa là có thêm năng lực thúc đẩy niềm tin vững mạnh hơn lên. Tấn là tinh tấn, tức siêng năng hành trì về một pháp môn nào đó. Như siêng năng niệm Phật chẳng hạn. Mặc dù chúng ta có siêng năng, nhưng sự siêng năng của chúng ta chưa được mạnh mẽ, nên cần phải có tấn lực vào, thì sức siêng năng niệm Phật của chúng ta mới được dũng tiến hơn. Nhờ sức tinh tấn nên chúng ta luôn luôn nhớ đến danh hiệu Phật mà chuyên trì không gián đoạn. Sự chuyên chú hằng nhớ, đó là Niệm. Từ niệm chuyên chú lâu ngày thuần thục, thì Ðịnh lực phát sanh. Khi đã có định, tất nhiên là có Huệ. Ðó là ý nghĩa đại khái của Ngũ căn và Ngũ lực.

Tóm lại, Năm màu của lá cờ là biểu trưng cho ý nghĩa ngũ căn ngũ lực là như thế. Ngoài ra, nó còn biểu trưng cho ý nghĩa tinh thần hòa hợp của Phật giáo. Phật giáo luôn chủ trương hòa bình. Cho nên, nhơn loại khắp năm châu, tuy màu da chủng tộc có khác nhau, nhưng Phật giáo xem nhau như tình huynh đệ một nhà.Với tinh thần từ bi, bình đẳng, lục hòa, Phật giáo không có phân chia giai cấp hay phân biệt khác nhau màu da chủng tộc. Vì tất cả đều có chung một nguồn tuệ giác (Phật tánh) như nhau. Vì vậy, nên lá cờ Phật giáo ngoài ý nghĩa biểu trưng cho giáo lý, nó còn nói lên tinh thần thích nghi hòa hợp đó.