Có thể nói, ở độ tuổi nào cũng có thể xuất gia tu học được. Tùy nhân duyên mà mỗi người phát nguyện xuất gia…
HỎI: Tôi sinh năm 1983, đã tốt nghiệp đại học kinh tế. Nay tôi có ý nguyện xuất gia và theo học Phật học. Xin hỏi, ở độ tuổi này tôi xuất gia có phù hợp cho việc tu tập và phát triển trong đường đạo không? Các khó khăn mà tôi sẽ gặp trên con đường này là gì? Sau khi tôi xuất gia, có được tiếp tục học cao học (kinh tế) không? Có cần sự đồng ý của bổn sư trong việc này không?
(DUNG, Dungdo_amag@yahoo.com.vn)
ĐÁP: Bạn Dung thân mến!
Có thể nói, ở độ tuổi nào cũng có thể xuất gia tu học được. Tùy nhân duyên mà mỗi người phát nguyện xuất gia ở một độ tuổi khác nhau. Nhìn chung, xuất gia ở mỗi độ tuổi lớn nhỏ đều có thuận lợi và khó khăn riêng. Quan trọng là tự thân người ấy cần nhận ra chỗ thuận lợi để phát huy và khó khăn để phấn đấu, khắc phục.
Vào độ tuổi của bạn (1983), chí nguyện xuất gia khá vững chắc, lý tưởng đã rõ ràng, có tri thức cao (đại học), đã trải nghiệm ít nhiều với cuộc sống, khi vào đạo chỉ cần chuyên tâm tu học một thời gian sẽ nắm được phần căn bản của giáo pháp, có thể tiếp tục học lên hay tự nghiên cứu và ứng dụng thực hành cho mình.
Khó khăn của bạn là vì xuất gia khá trễ nên tập nhiễm thế tục nhiều, khi vào đạo cần phải tinh chuyên gột rửa và chuyển hóa các tập khí. Mặt khác, quỹ thời gian còn ít nên bạn cần tập trung cho những mục tiêu quan trọng nhất của đời tu như học Phật pháp, ứng dụng tu hành và thực thi Phật sự. Vì thế, việc học lên cao học (kinh tế) cũng là điều tốt nhưng thiết nghĩ, không thiết thực bằng học các môn khác nhằm chuyển hóa thân tâm để lợi mình và lợi người.
Khi xuất gia rồi, mọi việc tu học của bạn đều phải thưa thỉnh và được bổn sư cho phép, không thể tự ý. Theo chúng tôi, trong sự nghiệp xuất gia, học tập và nghiên cứu (Phật học lẫn thế học) chỉ là giai đoạn đầu, quan trọng và cần thiết nhất là ứng dụng những điều đã học để tu tập nhằm chuyển hóa thân tâm, hướng đến giải thoát, an vui cho mình và mọi người.
Nguồn: giacngo.vn