Xin hỏi có một số phận (hoặc mạng vận cố định) hay không?

0
157

Hỏi:   Sanh mạng là vĩnh hằng, không sanh không diệt, xin hỏi có một số phận (hoặc mạng vận cố định) hay không?  Nếu có thì ai đặt ra những số phận này?           

Ðáp:   Sanh mạng đích thật là vĩnh hằng, không sanh, không diệt, không tăng, không giảm.  Nếu là không tăng, không giảm thì đâu có số phận!  Nếu bạn cho là có số phận thì đã khởi vọng tưởng rồi.  Xa lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chân tướng hiện rõ, bạn mới hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh.  Trong tâm xen tạp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là chướng ngại, chướng ngại chúng ta thấy đạo.  Thấy đạo là như thế nào?  Là hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh.   Thế nào là định số và không định số?  ‘Phàm có tướng đều là hư vọng’, ‘Tất cả pháp hữu vi đều giống như mộng, huyễn, bào, ảnh’; tất cả hiện tượng đều không phải thật, đều là huyễn hoá, nếu bạn hiểu được đạo lý này thì ‘niệm đầu’ (tâm niệm) sẽ không còn nữa.

          Sanh mạng là vĩnh hằng, không sanh không diệt, nhà Phật không gọi là ‘sanh mạng’ mà gọi là ‘thần thức’, người Trung quốc gọi là ‘linh hồn’.  Chúng sanh trong lục đạo tùy theo nghiệp lực đi đầu thai, xả thân, thọ thân.  Nhà Phật nói có hai loại sanh tử: phân đoạn sanh tử và biến dị sanh tử; hai loại sanh tử này cũng là hư vọng, không phải chân thật.  Nhưng bạn phải chuyển tám thức thành ‘đại viên kính trí’ thì mới hiểu rõ được cái hư vọng này; chưa chuyển tám thức thành bốn trí, bạn vẫn không tránh khỏi bị kẹt trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chỉ có mức độ sâu cạn khác nhau mà thôi.  Từ đó mới biết tu hành chứng quả đích thật không phải dễ.   Ðối với tất cả pháp trong thế gian và xuất thế gian đều không chấp trước thì mới có thể vượt khỏi lục đạo; không phân biệt thì mới vượt khỏi thập pháp giới; cuối cùng không có vọng tưởng thì chứng được Phật quả cứu cánh viên mãn.

          Phật dạy chúng ta phá vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; trong Pháp tướng tông nói lý, nói sự rất cặn kẽ, đây là một phương pháp giáo hoá chúng sanh.  Nếu bạn thích ‘tưởng’ thì [phương pháp này] đặt ra rất nhiều đề mục cho bạn ‘tưởng’.  Tưởng đến cuối cùng bạn không muốn ‘tưởng’ nữa thì buông bỏ hết, cách này gọi là ‘tư tận hoàn nguyên’ (nghĩ đến cùng thì trở về nguồn gốc).  Người quen dùng đầu óc, quen suy nghĩ thì Tướng Tông dạy cho họ lao đầu vô mà tưởng; người không thích dùng đầu óc, không thích suy nghĩ, Tịnh Tông dạy họ đừng suy nghĩ (tưởng).  Từ đó có thể biết được, đối với tất cả căn tánh của chúng sanh phương pháp dạy học của đức Phật hoàn toàn không giống nhau, nhưng mục đích sau cùng đều là ‘buông bỏ tất cả’, được vậy mới có thể thấy ‘chân tướng sự thật’.