XIN CHO BIẾT VỀ Ý NGHĨA VÀ BIỂU TƯỢNG CỦA CHỮ VẠN TRONG PHẬT GIÁO

0
184

Chữ Vạn, tiếng Phạn là Swastika, được phiên âm là Thất lợi bạt tha và được dịch là Cát tường Hải vân có nghĩa là vầng mây lành trên biển, hay Cát tường Hỷ Triền, có nghĩa là Vòng xoay tốt lành.

Hình chữ Vạn vốn là tiêu chí dùng để biểu thị tính chất tốt lành của dân tộc Ấn Độ cổ đại và cả chủng người Aryan.

Theo một nhà nghiên cứu Nhật Bản, chữ Vạn không chỉ là biểu tượng của Phật giáo mà còn là biểu tượng của toàn thể nhân loại, xuất phát từ những ký hiệu hình tượng được ghi trên các bài vị bằng đất thô có độ tuổi hàng vạn năm, tìm được ở Ấn Độ, được cất giấu trong các ngôi đền cổ xưa.

Theo kinh Trường A Hàm, cho biết chữ Vạn là tướng thứ 16 trong 32 tướng tốt của Đức Phật. Còn theo kinh Đại Bát Nhã, thì đây là nét đẹp thứ 30 trong 80 vẻ đẹp của Đức Phật. Từ điển danh từ Phật học Trung Quốc cũng cho biết chữ Vạn là biểu tượng tốt lành trên dấu chân của Phật và cũng là biểu hiện tốt lành của bậc đại nhân, đồng thời nó cũng tượng trưng cho mặt trời, biểu hiện ra mọi quyền uy vượt thắng cái ác. Như vậy, chữ Vạn là biểu tượng, chất chứa niệm tướng hơn là ý niệm tự. Thời Đường, Võ Tắc Thiên, đã chiếu chỉ khâm định dấu, đọc là chữ Vạn, dùng là biểu ý cho sự tập hợp của Vạn đức kiết tường.

Nếu như trong Ấn Độ giáo, chữ Vạn xoay về bên trái biểu thị các thần nam tính, và dùng chữ Vạn xoay về bên phải để biểu thị các thần nữ tính, thì đối với Phật giáo, các kinh đều cho rằng chữ Vạn xoay về bên phải, cùng chiều kim đồng hồ. Triết lý Phật giáo là sự giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, đi ngược lại với quy luật luân hồi sinh tử. Cũng có ý kiến cho rằng chữ Vạn xoay về bên phải hay trái là tùy thuộc vào vị trí của người quan sát.

Trên thực tế, chữ Vạn vẽ quay về bên trái dễ làm nhầm lẫn với ký hiệu trên đảng kỳ của Đức Quốc xã. Cần phân biệt, chữ Vạn trong Phật giáo là chữ Vạn xoay về bên phải, cùng chiều kim đồng hồ, nằm cân đối trong hình vuông và thường được vẽ màu vàng kim. Còn chữ thập ngoặc của Đức Quốc xã xoay về bên trái, thuận chiều kim đồng hồ và nằm ở góc độ nghiêng trong khung hình thoi, thường được vẽ màu đen trên nền trắng.

Trong Phật giáo, biểu tượng chữ Vạn thường xuất hiện trên ngực của Phật A Di Đà và Phật Dược Sư, hoặc được trang trí ở chùa, tháp…