XIN CHO BIẾT VỀ Ý NGHĨA CỔNG TAM QUAN TRONG NGÔI CHÙA PHẬT GIÁO

0
273

Chùa ở Việt Nam xưa kia không có cổng tam quan. Ở miền Bắc, ngăn cách chùa và các khu vực chung quanh thường là những lũy tre. Sau đó trong quá trình trùng tu chùa, cổng tam quan được dựng lên.

Tam là bà, quan là cửa ải, cửa ô, điểm then chốt. Tam quan là tên gọi cổng vào chùa, có ba lối đi, gồm lối chính giữa, bên trái và bên phải. Từ ngữ Tam quan xuất phát từ “Lăng Nghiêm tam quan” và Hoàng Long tam quan”. Theo bộ Đại Chính tân tu, tam quan là ba câu hỏi của pháp sư Từ Vân Tuân Thức hỏi vị quan chú giải kinh Lăng Nghiêm. Vị quan không trả lời được, Ngài bèn ném bản thảo chú giải vào lửa. Từ đó có danh từ “Lăng Nghiêm tam quan”. Theo bộ Vạn Tục quyển 138, trang 326 thượng, Tông Môn Thống Yếu Tục tập II, (chương Hoàng Long Huệ Nam, Ngũ Đăng Hội Nguyên -17, Nhân Thiên Nhãn Mục 2) thì Hoàng Long tam quan là ba câu hỏi về Sanh Duyên, Phật thủ và lư cước, dùng để khai thị học tăng đến cầu pháp. Tam quan là cổng vào chùa được được thiết kế ba lối vào, theo tinh thần giáo lý Phật giáo, tượng trưng cho không quan, giả quan, trung quan.

Cổng tam quan chùa Vĩnh Nghiêm

Không quan có ý nghĩa xét sự vật đều không có thật tính, thật tướng, mọi pháp vốn không. Thể hiện tư tưởng về tánh không trong Phật giáo.

Giả quan có ý nghĩa xét sự vật, chư pháp đều biến hóa, giả tạm, vô thường. Thể hiện quan điểm vô thường trong giáo lý Phật giáo.

Trung quan có ý nghĩa quán sự vật theo tư tưởng trung đạo trong giáo lý Phật giáo. Không thiên lệch về một cực nào, tả cũng như hữu. Sau này, cổng chùa còn được thiết kế có hai cổng vào gọi là nhị quan, hoặc năm cổng vào gọi là ngũ quan.

Như vậy, chúng ta thấy, theo nghĩa hẹp, trên đường đạo cũng như trên đường đời, thường con người phải đi qua nhiều cửa, nhiều ải. Nhưng chỉ có một con đường duy nhất đến với chân lý. Đối với Thiền tông, người tu không nên bám vào lời dạy của thầy, không nên bám vào văn tự kinh điển, vì nếu bám vào đấy là bám vào ngón tay chỉ mặt trăng. Muốn thấy đạo, không thể chấp ngón tay chỉ mặt trăng là mặt trăng. Người theo Thiền tông phải biết nhận ra cái gì thầy muốn chỉ dạy ngoài câu nói, không nằm trong câu nói. Nếu cứ bám vào văn tự thì không thể đến với đạo được.