Đầu thế kỷ XIX, ở Nam Bộ phổ biến hai loại chùa là chùa dân lập và chùa công.
Có trường hợp chùa là nhà ở của dân, lâu ngày vì chủ nhân là cư sĩ hay tu sĩ Phật giáo nên trở thành am tranh tu hành, đó là dạng “cải gia vi tự” (biến nhà thành chùa). Cũng có trường hợp biến nhà thành chùa do chủ nhân mất đi không có người kế thừa, trước khi qua đời giao lại cho tu sĩ quản lý, từ đó nhà biến thành chùa. Cũng có trường hợp chùa do nhân dân quyên góp dựng lên, thường là chùa của làng, gọi là chùa làng. Đó là dạng chùa dân lập.
Trường hợp ngôi chùa do vua quan, hoàng hậu, công chúa, hoặc hoàng thân quốc thích bỏ tiền ra xây chùa, dùng làm nơi lui tới cúng bái của vua quan, hoặc của vua quan xây dựng cho người dân sử dụng từ tiền cúng dường của vua, hoàng hậu hoặc quyên góp của các quan lại. Những ngôi chùa này được gọi là chùa công. Trong lịch sử, chùa công được một số đặc quyền. Người trụ trì chùa cũng được hưởng một số đặc quyền như khi ra đường có lọng che, được cử lính đến quét dọn chùa…
Danh sách các ngôi chùa công sau này còn được bổ sung từ việc chùa nhận được Sắc tứ của triều đình ban tặng, do có giá trị lịch sử, nghệ thuật… Ở Gia Định có khá nhiều chùa công như Sắc tứ Từ Ân tự, Quốc Ân Khải Tường tự, Sắc tứ Tập Phước tự, Sắc tứ Trường Thọ tự, Sắc tứ Long Nhiễu tự, Sắc tứ Huê Lâm tự, Hưng Long tự, Kiểng Phước, Kim Chương, Mai Sơn tự…