Về Tôn Giả Ưu-Ba-Li

0
248

Tôn giả Ưu-ba-li xuất thân từ giai cấp Thủ-đà-la, trước khi xuất gia làm nghề cắt tóc.

HỎI: Tôi đọc bộ sách Phật học phổ thông (quyển 1, HT.Thích Thiện Hoa biên soạn, Thành hội PG TP.HCM ấn hành, 1992), có ghi Tôn giả Ưu-ba-li làm nghề gánh phẩn, thuộc giai cấp hạ tiện Chiên-đà-la: “Trong Giáo hội của Ngài, Ngài nhận tất cả những người thuộc giai cấp hạ tiện. Như ông Ưu-ba-li, một đệ tử có tiếng tăm của Ngài về phương diện giới luật, là một người thuộc giai cấp hạ tiện Chiên-đà-la, làm nghề gánh phẩn” (Bài thứ 3: Lược sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni [từ Thành đạo đến nhập Niết-bàn]. B-Chánh đề. I-Sự hóa độ rộng lớn và cùng khắp của Đức Phật. 3/Hóa độ theo tinh thần bình đẳng). Trong khi, tôi đọc nơi nhiều sách khác đều thấy ghi Tôn giả Ưu-ba-li lúc chưa xuất gia làm nghề cắt tóc, thuộc giai cấp Thủ-đà-la. Mong quý Báo cho biết chính xác về vấn đề này. Nếu thực sự Tôn giả Ưu-ba-li lúc chưa xuất gia làm nghề cắt tóc mà không làm nghề gánh phẩn thì tôi rất mong những lần tái bản bộ sách về sau cần điều chỉnh cho phù hợp.

(HUỆ TÂM, nguyenminhphu1024@gmail.com)

ĐÁP: Bạn Huệ Tâm thân mến!

Kinh Tiểu bộ III (Trưởng lão Tăng kệ) ghi: “Trong thời Đức Phật hiện tại, ngài được sanh trong gia đình một người cạo tóc tên là Upàli. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài xuất gia, theo gương của Anuruddha và năm vị con cháu hoàng tộc, khi Đức Phật ở tại rừng Anupiyà. Ngài vâng theo lời bậc Ðạo Sư khuyên tu thiền quán và sau một thời gian chứng quả A-la-hán” (HT.Thích Minh Châu dịch). Đoạn kinh này có yếu tố quan trọng “ngài được sanh trong gia đình một người cạo tóc” xác định Tôn giả Ưu-ba-li thuộc giai cấp Thủ-đà-la.

Từ điển Phật học Huệ Quang (tr.5936) cũng ghi nhận: “Sư xuất thân từ giai cấp Thủ-đà-la, là thợ hớt tóc trong cung đình”.

Sách Thập đại đệ tử Phật (Thích Minh Tuệ) viết: “Ưu-ba-li sanh vào dòng Thủ-đà-la, bởi thế ngay từ thuở nhỏ đã không được hưởng quyền lợi về học vấn. Lúc lớn khôn cha mẹ định chọn cho Ưu-ba-li một nghề sinh nhai, nhưng trong các nghề mà người nô lệ được phép làm như lao động tay chân, cày cuốc, đánh xe, giữ ngựa, gánh phân, Ưu-ba-li không đủ sức vì ốm yếu mảnh mai. Cuối cùng Ưu-ba-li được chọn đi học nghề làm thợ cạo râu tóc, nghề nhẹ nhàng nhất, học chẳng bao lâu Ưu-ba-li thành thạo nghề nghiệp một cách tài tình”.

Sách Tăng-già thời Đức Phật (Thích Chơn Thiện) ghi: “Tôn giả thuộc dòng Sakya, chỉ giữ phần việc nhỏ, chuyên nghề hớt tóc. Ðến tuổi trưởng thành cùng với các hoàng thích xuất gia theo Đức Phật. Tôn giả tinh tấn tu học, đặc biệt rất chăm về giới luật, thường tham hỏi Phật về giới luật, được Đức Phật khen là đệ tử Giới luật Đệ nhất”.

Qua các kinh sách đã nêu (còn nhiều sách khác nữa), chúng ta có thể khẳng định rằng Tôn giả Ưu-ba-li xuất thân từ giai cấp Thủ-đà-la, trước khi xuất gia làm nghề cắt tóc.

Nhân đây, cần nói thêm về sự khác biệt giữa giai cấp Thủ-đà-la và Chiên-đà-la. Thủ-đà-la là giai cấp thấp nhất trong bốn giai cấp ở xã hội Ấn Độ (1.Bà-la-môn, 2.Sát-đế-lị, 3.Phệ-xá, 4.Thủ-đà-la). Họ làm những việc thấp hèn như hốt phân, chăn nuôi gà lợn, đi săn bắn, làm đồ tể, bán rượu, đi lính… Họ là dân bản xứ bị giống người Aryans chinh phục, áp bức, không có quyền theo tôn giáo, lễ thần, bị Bà-la-môn giáo khinh miệt là dân hèn hạ, không có đời sau (Từ điển Phật học Huệ Quang, tr.5625). Còn Chiên-đà-la không được xếp vào bốn giai cấp, dưới cả giai cấp Thủ-đà-la, chuyên làm những nghề hạ tiện nhất. Họ là những người bạo ác, người hiểm độc, người chủ việc giết chóc, người trị chó… Cứ theo pháp điển Ma-nô chép, thì Chiên-đà-la là giống người lai, cha là Thủ-đà-la, mẹ là Bà-la-môn (Từ điển Phật học Huệ Quang, tr.3223).

Như vậy, việc sách Phật học phổ thông chép rằng, Tôn giả Ưu-ba-li “là một người thuộc giai cấp hạ tiện Chiên-đà-la, làm nghề gánh phẩn” là không chính xác. Vì tính cách “phổ thông” của bộ sách, đề nghị, trong những lần tái bản về sau, các ban ngành chức trách có liên quan (Giáo hội và cơ quan xuất bản) cần hiệu chỉnh cho phù hợp nhằm giúp người học Phật nhận thức chính xác về lịch sử của một vị Thánh Đại đệ tử Trì giới Đệ nhất.

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn