Văn hóa Thần truyền: Hãy Phản Bổn Quy Chân, Chớ Bỏ Lỡ Mất Cơ Duyên Tiền Định

0
296

Đào Hoằng Cảnh, tự là Thông Minh, người Đan Dương, Mạt Lăng dưới thời Nam Bắc triều (nay là Giang Tô, Giang Ninh).

Ngay từ thời thơ ấu, Đào Hoằng Cảnh đã có phẩm hạnh và chí hướng khác với người ta. Năm ông 6 tuổi đã có thể giải nghĩa rõ ràng những sách mà mình đã đọc, còn có khả năng văn chương. Năm 7 tuổi ông đọc những bộ sách dài đến mấy vạn chữ như “Hiếu kinh”, “Thi kinh”, “Luận ngữ” … Sau này, vào năm 10 tuổi một người đồng hương cho ông một cuốn “Thần Tiên truyện” của Cát Hồng. Ông đọc những chuyện xưa về tu luyện và Thần Tiên trong sách thì cảm động và nói: “Đọc quyển sách này, làm cho người ta sinh ra chí hướng cao vút tận mây xanh, có được chí khí muốn tu Tiên học Đạo”. Thế là ông không quản đêm ngày nghiên cứu tìm tòi ở trong quyển sách ấy những điều Pháp lý, quyết tâm theo đuổi chí hướng tu Tiên học Đạo trường sinh bất lão. Ông từng nói: “Nhìn lên trời xanh mây trắng và mặt trời, cảm giác chúng không quá xa xôi, tưởng như có thể với tới được“.

Năm Đào Hoằng Cảnh 17 tuổi thì đã đọc được một vạn cuốn sách, giỏi đánh đàn Cầm và đánh cờ, giỏi viết chữ kiểu Lệ, được các quan đại thần Nam Tề đề cử làm “Chư Vương thị độc”. Thế là ông vào triều đình làm quan, nhậm chức Tả vệ điện trung tướng quân, sau được Tống Thuận Đế điều đi nơi khác đảm nhiệm chức “Phụng triều thỉnh”. Ông nhậm chức tại triều đình 20 năm, mặc dù thân ở nơi quyền quý nhưng không màng danh lợi, không theo thói nịnh hót bợ đỡ, mỗi ngày chỉ đọc sách. Trong triều có chuyện quan trọng về phương diện lễ nghi và quy chế pháp luật thì phần lớn là do ông quyết định.

Năm Đào Hoằng Cảnh 37 tuổi ông dâng tấu chương xin từ quan, vào núi tu Đạo. Hoàng đế hạ chiếu chấp thuận, ban tặng cho ông nhiều lụa là gấm vóc. Các quan lại trong triều đều đến đình Chinh Lỗ, căng rất nhiều màn trướng để cử hành yến tiệc long trọng đưa tiễn ông, đến nỗi đoạn đường đó bị ách tắc vì quá nhiều xe ngựa. Mọi người nói từ thời Tống, Tề 2 triều đại tới nay chưa bao giờ có chuyện như thế. Mọi người đều rất khâm phục chí hướng và tiết tháo của ông, cảm giác thấy ông có quang vinh phi thường.

Đào Hoằng Cảnh ẩn cư tại núi Mao, kết cỏ làm nhà. Lúc ấy nhà văn kiêm nhà sử học nổi tiếng tên là Trầm Ước đang làm Trưởng quận Đông Dương. Bởi tôn sùng con người của Đào Hoằng Cảnh, ông ta nhiều lần viết thư mời ông ra ngoài làm quan, nhưng ông không chấp thuận.

Quan Thứ sử Ung Châu tên là Tiêu Diễn nghe danh Đào Hoằng Cảnh, thường xuyên sai người đến xin ông chỉ giáo, được ông cho nhiều lời khuyên hay.

Sau khi Tiêu Diễn lập nên triều đại nhà Lương, lên ngôi Lương Vũ Đế thì ra sức đề xướng việc học Nho sùng Phật, tiêu phí rất nhiều nhân lực vật lực để xây dựng chùa miếu, lại không coi trọng tu Đức tu thân. Đào Hoằng Cảnh nhìn thấy như thế, trong lòng sốt ruột bèn sai đồ đệ vào cung khuyên can Vũ Đế: Tôn kính Thần Phật thì cần phải tu tâm hướng thiện, cần nhất là thực hiện những pháp lệnh và chính sách hay, hai là cần phải trọng Đức tu thân. Nghe những lời chân thành từ tận đáy lòng ấy, Lương Vũ Đế hết sức cảm động.

Lương Vũ Đế rất biết ơn sự ủng hộ của Đào Hoằng Cảnh dành cho mình, thành tâm hy vọng Đào Hoằng Cảnh rời núi về triều phò tá cho mình. Hoàng đế tự tay viết chiếu thư nói rằng: “Trong lòng khanh có những gì? Khanh còn luyến tiếc điều gì sao không quay về với Trẫm?“, rồi phái hai vị tướng quân đến bổ nhiệm ông về kinh đô làm Thừa tướng. Hai vị tướng quân mang theo quà tặng của Lương Vũ Đế gồm 10 cân phục linh, 5 đấu bạch mật lên núi, nói rõ ý của Hoàng đế. Đào Công nghe xong từ tốn cảm tạ, xin từ chối và nói: “Xin tướng quân chuyển tấu Hoàng thượng, nói rằng thần quy ẩn nơi rừng núi, dốc lòng tu Đạo, nghiên cứu y thuật, chí hướng đã quyết rồi, mong bệ hạ đừng trách phạt. Quà của Hoàng thượng quá lớn, không cách nào báo đáp, có một bài thơ để tạm bày tỏ tấm lòng“. Nói rồi thuận tay viết một bài thơ, nói rằng: “Sơn trung hà sở hữu? Lĩnh thượng đa bạch vân. Chích khả tự di duyệt, bất kham trì tặng quân“. (Tạm dịch: “Trong núi có gì đây? Đường lên đỉnh núi nhiều mây trắng. Chỉ có thể tự mình thưởng thức, không cách nào tóm giữ được để làm quà tặng nhà Vua”). Vũ Đế ca ngợi mãi, rồi không quấy rầy ông nữa, nhưng mỗi lần gặp chuyện lớn đều trưng cầu ý kiến của ông. Vì thế người đương thời gọi ông là “Tể tướng ở trong núi”.

Tiêu Cương, người mà về sau trở thành Giản Văn Đế, lúc ấy làm Thứ sử tại phía Nam thành Triều Châu. Tiêu Cương khâm phục phong thái và phẩm hạnh tu dưỡng của Đào Hoằng Cảnh bèn mời ông đến nhà, đàm luận suốt mấy ngày mới rời đi. Tiêu Cương rất kính trọng ông, cho rằng ông là một Đạo nhân, cao siêu vượt xa người thường.

Đào Hoằng Cảnh vừa tìm thầy học Đạo, dốc lòng tu luyện, đồng thời cũng quan tâm đến dân chúng trong thiên hạ, hy vọng xã hội được yên ổn, hy vọng trăm họ đều an cư lạc nghiệp. Ông làm rất nhiều điều tốt cho dân chúng, thấy cảnh nhiều người phải chết vì không được chữa trị kịp thời do thiếu thầy thuốc hoặc thiếu thuốc men. Vì thế, ông cố gắng nghiên cứu y dược, biên soạn sách y học phù hợp với thực dụng, chữa bệnh cứu giúp người khi nguy cấp. Ông lưu lại cho đời sau “Dưỡng tính duyên mệnh lục” với rất nhiều tài liệu lịch sử quý báu. Ông hái thuốc, chữa bệnh cho trăm họ không lấy một xu, cứu trợ cho rất nhiều dân chúng. Mọi người cảm động ân đức của ông, gọi chỗ ông đã từng ở là “Đào sơn”. Mọi người đều nói ông sau này tại núi Sa Môn tu luyện thành Tiên, vì thế sau đổi tên núi này thành “Tiên môn sơn”. Bây giờ, ở chùa Đào Sơn vẫn còn lưu lại một câu đối của người đời sau: “6 triều nghiệp Bá đều tiêu mất, thiên cổ danh sơn bởi họ Đào”.

Đào Hoằng Cảnh cả đời theo đuổi chân lý, tìm kiếm ý nghĩa thật sự của đời người. Ông lương thiện, quan tâm đến muôn dân, khiêm nhường cẩn thận. Ông hiểu rõ đạo trời mà không cố chấp, luôn nhạy bén và sáng suốt, bất kể là lúc ở ẩn hay lúc làm quan ông đều phù hợp lễ nghi một cách tự nhiên. Tâm hồn ông trong sáng như gương, gặp bất kể chuyện gì ông đều có thể ngay lập tức hiểu rõ trong lòng. Câu chuyện xưa về con đường tu luyện và làm việc thiện của ông vẫn mãi lưu truyền cho đến hôm nay.

Trong cõi trần gian ồn ào náo động, tôn sùng vật chất ngày nay, chúng ta có còn giữ vững được một vùng đất tinh khiết trong tâm hồn mình? Có đủ dũng cảm để gánh trên vai sứ mạng và trách nhiệm bảo vệ chân lý hay không? Trong vòng luân hồi tang thương dài đằng đẵng, chúng ta có thực sự hiểu được chân lý về cuộc sống, có chân chính ý thức được điều chúng ta hằng chờ đợi bấy lâu là gì hay không? Lòng từ bi thuần khiết chính là khởi nguồn và mục đích của sự sống. Cơ hội quý giá nhất đang ở chính tại đây, và chính hôm nay. Đi theo đặc tính “Chân – Thiện – Nhẫn” của vũ trụ chính là chọn lựa một tương lai tốt đẹp cho bản thân mình.