Tùy Phương Tiện Phạm Giới Sát

0
173

Vào thời đức Phật Nhiên Đăng, có 500 thương nhân ra biển tìm châu báu. Cùng đi với họ lại có một kẻ xấu ác, rất giỏi võ nghệ, xưa nay vẫn thường làm những việc trộm cướp. Tên này có ý muốn giết 500 thương nhân để một mình lấy hết số châu báu đã có được trên thuyền. Nhưng 500 thương nhân này đều là những vị Bồ Tát đã phát tâm Bồ-đề không còn thối chuyển,[i] nếu giết các vị thì tội ác sẽ cực kỳ lớn lao đến mức không thể đo lường, do đó mà phải đọa vào địa ngục rất lâu.[ii]

Bấy giờ, trên thuyền có người hoa tiêu dẫn đường[iii] tên là Đại Bi, đoán biết được ý niệm của kẻ xấu ác kia, liền tự nghĩ rằng: “Nếu giết kẻ xấu ác này, ắt ta phải chịu quả báo đọa vào đường dữ.[iv] Nhưng nếu ta không giết ông ấy, ắt 500 người hiền lương này đều sẽ bị hại, mà tự thân ông ta rồi cũng sẽ đời đời bị đọa trong địa ngục. Bằng như ta nói rõ việc này ra với mọi người, ắt sẽ khiến cho cả 500 thương nhân đều khởi lên tâm sân hận xấu ác, do đó rồi cũng sẽ phải thọ quả báo khổ não.” Suy tính như vậy rồi liền sinh tâm thương xót tất cả, quyết định tự mình nhận lấy tội lỗi để cứu vớt nhiều người. Liền đâm chết kẻ xấu ác kia.

Đức Phật Thích-ca kể chuyện này xong, dạy rằng: “Người hoa tiêu tên Đại Bi đó, chính là tiền thân của ta; 500 thương nhân ngày ấy, chính là 500 vị Bồ Tát trong Hiền kiếp này.”

[i] Nguyên tác ghi là: 五百人皆不退菩薩 (… ngũ bách nhân giai Bất thối Bồ Tát – … năm trăm người này đều là các vị Bất thối Bồ Tát). Tuy nhiên, trong kinh văn đoạn này ghi là: 此五百人皆是向阿耨多羅三藐三菩提不退轉菩薩 (Thử ngũ bách nhân giai thị hướng A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề bất thối chuyển Bồ Tát – Năm trăm người này đều là những vị Bồ Tát đã phát tâm hướng đến quả vị Vô thượng Bồ-đề. ) Vì thế, xét ra thì đây là những vị đã phát tâm Bồ-đề không thối chuyển, thuộc hàng Bồ Tát sơ phát tâm, chứ không phải là Bất thối Bồ Tát, vốn là một quả vị đã gần đạt đến quả vị Phật.

[ii] Trong kinh văn đoạn này ghi rõ ràng hơn như sau: 若此惡人殺諸菩薩。以此業緣障礙罪故。一一菩薩從初發心。乃至成阿耨多羅三藐三菩提。爾時惡人於其中間常在地獄。 (Nhược thử ác nhân sát chư Bồ Tát, dĩ thử nghiệp duyên chướng ngại tội cố, nhất nhất Bồ Tát tùng sơ phát tâm, nãi chí thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nhĩ thời ác nhân ư kỳ trung gian thường tại địa ngục. – Nếu kẻ xấu ác kia giết hại các vị Bồ Tát, thì do nghiệp duyên cản trở các bậc tu đạo, nên trong suốt thời gian mà các vị Bồ Tát ấy tu tập, từ lúc sơ phát tâm cho đến khi chứng đắc quả Vô thượng Bồ-đề, thì kẻ xấu ác kia phải luôn ở trong địa ngục. ) Câu kinh này cũng làm rõ ý vừa nêu trên, rằng đây là các vị Bồ Tát sơ phát tâm chứ không phải đã đạt quả vị Bất thối chuyển.

[iii] Nguyên văn là đạo sư (導師) được dùng với nghĩa là người dẫn đường hoặc lái tàu trên biển (hoa tiêu).

[iv] Ở đây chỉ 3 đường dữ là địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.