Thần thoại Hy Lạp kể rằng: ngày xưa, có một chàng trai tên là Narcisse, con của thần sông Céphise và tiên nữ Liriopé. Chàng đẹp trai đến nỗi bất kỳ cô gái nào gặp anh ta cũng đều thầm yêu trộm nhớ. Sắc đẹp của chàng khiến cho các cô gái đẹp nhất cũng phải say mê, ghen tỵ. Tuy nhiên, Narcisse là kẻ kiêu kỳ, lạnh nhạt; chàng khước từ tất cả những tình cảm yêu thương nồng thắm mà các cô gái dành cho chàng. Vì thế, họ cảm thấy bị xúc phạm, hắt hủi bởi thái độ thiếu cảm thông, trân trọng ấy.
Trong số những kẻ bị thất tình vì Narcisse có Écho, một nàng tiên từng bị nguyền rủa: nàng không thể nói được mà chỉ có thể lặp lại những từ cuối cùng mà người khác nói với nàng. Tức giận vì không được Narcisse đáp lại, nàng đã nhờ đến các vị thần và kêu gọi tất cả những cô gái bị từ chối bởi Narcisse cùng nàng trả thù. Lời khẩn cầu của nàng được đáp lại: Narcisse chỉ có thể yêu chính bản thân mình!
Vào một buổi sáng mùa xuân, Narcisse vào rừng săn bắn. Sau một cuộc đuổi bắt mệt nhoài, chàng khát khô cả cổ, bèn tìm đến một con suối nước trong leo lẻo, mặt nước sáng láng như gương in hình cây cối, trời mây. Narcisse cúi xuống bụm hai bàn tay lại để múc nước. Trong lòng nước bỗng hiện lên một gương mặt thật đẹp trai, tươi trẻ. Chàng ngạc nhiên, sung sướng thốt lên: “Ta, ta đây ư? Trời ơi, ta đẹp đến thế này ư?”.
Chàng vục nước đưa lên miệng uống. Mặt nước lay động, khuôn mặt chàng cùng với mảng trời xanh tan tác trong làn nước lung linh. Và rồi những hình ảnh ấy lại được mặt nước chắp nối lại, khuôn mặt xinh đẹp của chàng lại hiện ra. Chàng kêu lên: “Trời ơi, đẹp quá!”, và thầm nghĩ: “Ta hiểu vì sao các cô gái khổ đau, sầu não vì ta rồi”. Narcisse say sưa ngắm nhìn khuôn mặt tuấn tú của mình. Càng ngắm nghía, chàng càng thấy mình đẹp, chàng càng mê say, đắm đuối. Một tình yêu mãnh liệt, sôi sục bùng cháy lên trong trái tim chàng. Chàng muốn chế ngự nó, muốn rời bước khỏi dòng suối; nhưng lạ thay như có một sức mạnh vô hình nào níu chân chàng lại. Chàng nhìn khuôn mặt mình trên mặt nước với một niềm khát khao cháy bỏng. Chàng muốn trao cho khuôn mặt xinh đẹp đó một nụ hôn nồng nàn. Nhưng chỉ vừa choàng vòng tay, cúi xuống là khuôn mặt đó tan tác, biến đi đâu mất. Chàng đứng lặng người, đau đớn, xót xa…
Narcisse héo hon, ủ rũ vì mối tình tuyệt vọng. Nước mắt chàng lã chã tuôn rơi, từng giọt, từng giọt nhỏ xuống mặt suối. Bóng hình chàng chập chờn, mờ ảo, lung linh khiến chàng càng nhớ nhung, sầu não. Narcisse như không thể chịu đựng được nỗi đau khổ tuyệt vọng giày vò. Mệt lả và đau khổ quá mức, máu trong người anh ta cạn dần. Anh ta kiệt sức và gục xuống bên bờ suối… Không bao lâu sau đó, một loài hoa với vẻ đẹp lạnh lùng, kiêu kỳ, trắng muốt, hương thơm ngào ngạt, mọc lên từ chỗ chàng trai xinh đẹp ngã xuống. Người ta gọi đó là hoa thủy tiên.
—o0o—
Bài Học Đạo Lý
Bạn thân mến!
Có lẽ bạn cho rằng chuyện về chàng Narcisse chỉ là một câu chuyện hoang đường, hoặc giả bạn sẽ mỉm cười thương hại cho chàng trai xinh đẹp chỉ biết vị kỷ yêu mình. Nhưng có bao giờ bạn thấy rằng trong mỗi chúng ta đều có một chàng Narcisse đáng thương?
Lần giở trong sử truyện Phật giáo, có một câu chuyện đại loại thế này: Một hôm vua Ba Tư Nặc hỏi phu nhân Mạt Lợi: “Trên đời này ái khanh yêu ai nhất?”. Mạt Lợi thưa: “Dĩ nhiên người thiếp yêu nhất chính là bệ hạ!”. Nhưng rồi nàng lại xin phép vua để được nói thật, rằng: “Người mà thần thiếp yêu nhất chính là thần thiếp!”. Vua Ba Tư Nặc khó có thể chấp nhận được điều đó, nhưng ông cũng phải thừa nhận rằng nếu phu nhân Mạt Lợi tư tình với kẻ khác, hẳn ông sẽ xử tử, nghĩa là ông yêu mình, yêu chính cái tình yêu của mình nhất chứ không phải Mạt Lợi. Điều đó đã được Đức Phật xác nhận qua bài kệ: “Tâm ta đi cùng khắp / Tất cả mọi phương trời / Cũng không tìm thấy được / Ai thân hơn tự ngã”.
Theo một số người, dẫu sao chàng Narcisse cũng rất đáng được cảm thông vì chàng là người đẹp trai thực sự. Điều đáng nói là trên đời này vẫn có vô khối người không đẹp trai, giỏi giang cho lắm mà suốt ngày vẫn cứ huênh hoang tự phụ, cho mình là nhất. Cái gì cũng “tôi” thế này, “tôi” thế nọ; “tôi” làm được cái này, “tôi” làm được cái kia. Thậm chí họ say mê “cái ghế của tôi”, “cái danh của tôi”, “tài sản của tôi”… hơn bất kỳ điều gì khác. Như vậy, ngẫm ra họ còn đáng thương hơn cả chàng Narcisse!
Ngày nay, trong văn học thế giới, từ Narcisse đã được chuyển nghĩa, chỉ cho “người đẹp trai” hoặc “người đẹp trai kiêu kỳ”. Khoa tâm lý học gọi thói Narcisse (narcissisme) là “thói tự khen mình”, “say mê với thành tích chiến công của mình đến tự kiêu, tự phụ”, “ngắm nghía vuốt ve, phỉnh nịnh mình, đề cao mình”.
Thế gian còn chê cười những kẻ narcissisme, huống chi chúng ta – những người học đạo! Phật dạy: đầu mối của mọi khổ đau chính là ái nhiễm. Mà ái nhiễm chẳng phải chính là tự yêu mình quá đáng đó sao?!