Tu Tập Trong Lúc Đi-Đứng-Nằm-Ngồi Đều Tốt

0
169
HỎI: Chúng tôi là Phật tử đã cao tuổi, bị bệnh đau cột sống và đầu gối nên hàng ngày, sau khi thắp hương chỉ đứng niệm Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm và trì chú Đại Bi, hoặc lúc tụng kinh, nghe pháp phải dựa lưng vào tường cho bớt đau nhức. 

Một số người chưa hiểu hoàn cảnh bệnh tật nên chẳng những không cảm thông, lại còn quở trách chúng tôi không tinh tấn, ngồi dựa tường tụng kinh sẽ tổn giảm phước báo. Nhiều khi đau quá, ở nhà chúng tôi muốn nằm niệm danh hiệu Phật hay trì chú Đại Bi có được không, vì lưng đau không ngồi lâu được? 

(NGUYỄN THỊ OANH, Thuận Giao, Thuận An, Bình Dương; QUẢNG SỰ, Thị trấn Tân Hiệp, Kiên Giang) 

ĐÁP:

Bạn Nguyễn Thị Oanh và Quảng Sự thân mến!

Việc tu niệm hay thực hành giáo pháp của Đức Phật nói chung luôn thể hiện trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi và mọi lúc mọi nơi trong đời sống hàng ngày. Trong đó, giữ tâm chánh niệm (niệm Phật, theo dõi hơi thở, trì chú…) một cách miên mật là quan trọng nhất.

Trong bốn oai nghi đó thì ngồi kiết già hoặc bán già, lưng thẳng là tư thế tối ưu nhất cho việc nhiếp tâm, giữ tâm định tĩnh, chánh niệm. Vì vậy nên các thời khóa tụng kinh, tọa thiền hay tịnh niệm tại đạo tràng đông đảo hay những lúc hành trì riêng một mình cũng đều chú trọng đến tư thế ngồi, thỉnh thoảng mới thay đổi tư thế bằng cách đi (kinh hành, thiền hành) hay lễ lạy rồi tiếp tục ngồi tu niệm.

Tuy vậy, khi bị bệnh tật, nhất là những bệnh liên quan đến cột sống và xương khớp không thể ngồi lâu thì hành giả có thể thay đổi tư thế và cách thức tu tập sao cho phù hợp với thực tiễn. Việc hành trì giáo pháp hay tu tập nói chung cần tùy duyên, điều chỉnh một cách linh động, miễn sao gìn giữ và an trú tâm chánh niệm vững vàng.

Có điều, mỗi khi tham dự những khóa tu hay đạo tràng thì người bệnh cần thông báo cho ban tổ chức biết về hoàn cảnh bệnh tật của mình để được trợ duyên, giúp đỡ. Sở dĩ có người “quở trách không tinh tấn, ngồi dựa tường tụng kinh sẽ tổn giảm phước báo” là vì họ chưa biết hoàn cảnh bệnh tật của các bạn đó thôi.

Các bạn đã có duyên lành với pháp môn trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà và trì chú Đại Bi thì cứ trì niệm. Lúc nào còn tu được thì hãy cứ tu. Không ngồi niệm được thì đứng niệm, đi niệm hay nằm niệm đều rất tốt. Người tuổi cao và nhiều bệnh không ngồi lâu được thì nằm niệm Phật hay trì chú giữ tâm chánh niệm là điều rất quý hóa, không có gì phải băn khoăn hay e ngại về việc này.

Tu tập cốt yếu là giữ tâm thanh tịnh, còn hình thức bên ngoài thì có thể phương tiện, tùy duyên.

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn