Tự Lợi & Lợi Tha

0
438

HỎI:  Địa phương chúng con tuy có chùa, có thầy trụ trì như các nơi khác, thế nhưng mỗi khi gia đình chúng con có hữu sự cầu an, cầu siêu đến chùa thỉnh thầy làm lễ cầu nguyện đều bị thầy từ chối. Quan điểm của thầy trụ trì là “về đây để tu học chứ không phải để đi cúng”. Chúng con tôn trọng quan điểm của thầy nhưng trong lòng gợn buồn và rất phân vân. Kính quý Báo cho biết ý kiến và nhận định về quan điểm trên. (NGUYÊN ÁNH và các Phật tử ở Xuân Lập, Long Khánh, Đồng Nai)

ĐÁP: Bạn Nguyên Ánh và các Phật tử thân mến!

Đối với người xuất gia nói chung, thượng cầu hạ hóa là điều luôn tâm niệm, thực thi trong đời sống tu hành. Trong lộ trình hướng đến giác ngộ, mỗi hành giả cần thực hành viên mãn tự giác và giác tha. Riêng một vị trụ trì, ngoài việc tu tập của tự thân thì giáo hóa tín đồ để xiển dương Phật pháp tại trụ xứ là một trọng trách, không thể chểnh mảng. Nếu xem nhẹ hoặc khiếm khuyết về chức năng này, có thể xem như vị ấy chưa làm tròn chức năng, nhiệm vụ của vị trụ trì.

Trước hết, một người xuất gia có nhiều con đường, phương tiện để tùy duyên chọn lựa, ứng dụng tu tập. Có vị chọn con đường chuyên tu bằng cách nhập thất hoặc vào các  thiền viện chuyên tâm tu tập giải thoát. Những vị chọn con đường này thường ít tiếp xúc, giáo hóa tín đồ. Tuy vậy, họ là một trong những hạt giống tốt của Phật pháp, xứng đáng để mọi người cung kính, tôn trọng. Nếu giác ngộ trong đời này, các vị ấy sẽ trở thành những bậc long tượng, rường cột cho đạo pháp. Mặt khác, có vị thì chọn con đường giáo dục, nghiên cứu, trước tác, hoằng pháp, giảng dạy chuyên nghiệp; có vị thì tham gia hoạt động hành chánh của Giáo hội, từ thiện và các hoạt động xã hội khác hoặc chỉ ở trong đại chúng tu tập và làm việc theo sự phân công của chúng Tăng trụ xứ v.v…; có một số ít chư vị phát tâm đảm đương chức phận trụ trì.

Nói như thế để khẳng định rằng, trụ trì không phải là con đường duy nhất, đi tu là phải trụ trì. Tuy nhiên, nếu đã phát tâm trụ trì thì phải thực hiện vai trò, bổn phận và trách nhiệm của vị trụ trì. Một trong những định nghĩa cơ bản của trụ trì là “trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng”, ngoài việc tu tập để hướng đến giải thoát cho tự thân còn phải hoằng hóa, độ sanh để duy trì mạng mạch Phật pháp. Vị trụ trì có vai trò lãnh đạo tinh thần, đại diện cho Giáo hội hoạt động Phật sự tại địa phương. Vì thế, vị trụ trì không phải là người giữ chùa, không chỉ lo cho riêng chùa của mình, lại càng không nên có quan niệm “về đây để tu học chứ không phải để đi cúng”.

Bất cứ vị trụ trì nào cũng biết rõ rằng, hàng Phật tử quy ngưỡng Tam bảo, tham gia tu học, sinh hoạt tại một ngôi chùa hoặc đạo tràng nào đó, ngoài mục đích tu niệm, học hỏi giáo pháp để hướng thiện, chuyển hóa tự thân thì vấn đề cầu an, cầu siêu cho gia đình, thân nhân của họ là một trong những nhu cầu đặc biệt quan trọng. Nhất là nhân việc cầu an, cầu siêu mà giáo dục, chuyển hóa gia đình, thân nhân Phật tử tín tâm, quy thuận Tam bảo là phương tiện giáo hóa vô cùng hiệu quả. Do vậy, trực tiếp hoặc quan tâm chỉ đạo Tăng chúng (nếu có) thực hiện nghi lễ cầu an, cầu siêu cho Phật tử (với tinh thần giáo hóa, phụng sự) là một trong những Phật sự quan trọng, không thể thiếu trong trách vụ trụ trì.

Tất nhiên, vị trụ trì phải gánh vác, đảm đương nhiều trọng trách, Phật sự khác nhau. Bất cứ Phật sự nào cũng quan trọng cả, từ việc tu dưỡng đạo đức cá nhân, thuyết giảng giáo lý, từ thiện xã hội, động viên hỗ trợ tinh thần cho tín đồ cho đến cầu an, cầu siêu đều không thể xem nhẹ. Tất cả các Phật sự đều là phương tiện, đã là phương tiện thì có thể nói “tu học” hay “đi cúng” đều bình đẳng, quan trọng như nhau trong nhận thức cũng như nhiệm vụ của vị trụ trì.
Quan trọng hơn, đối với hàng Phật tử, cần phát huy vai trò hộ pháp đắc lực của mình, trợ duyên cho vị trụ trì trong mọi Phật sự để viên thành sứ mạng trụ trì. Vị trụ trì là bậc thầy hướng dẫn tâm linh, giáo dục đạo đức, chăm lo đời sống tinh thần cho Phật tử; đại diện cho Giáo hội tại địa phương với nhiều trọng trách chứ không đơn thuần chỉ một trách vụ nghi lễ. Do vậy, trong các nghi lễ tại tư gia Phật tử, nếu chùa đơn chiếc (ít Tăng chúng) thì có thể thỉnh vị trụ trì chứng minh, làm lễ trong những lễ chính, quan trọng mà thôi, còn các lễ tiết khác có thể do ban nghi lễ của chùa đảm trách.

Tóm lại, một vị trụ trì có vai trò quan trọng, gánh vác trách nhiệm nặng nề với nhiều Phật sự tại địa phương, phải đủ tài đức, tâm nguyện đồng thời được sự trợ duyên hộ pháp tích cực của Phật tử mới có thể hoàn thành nhiệm vụ trụ trì, tự lợi và lợi tha. Những người con Phật nói chung, kể cả những vị trụ trì, thiết nghĩ cần tu tập “hạnh lắng nghe” của Bồ tát Quán Thế Âm. Lắng nghe chính mình, lắng nghe cuộc đời, lắng nghe tất cả tốt xấu, khen chê… để hiểu, cảm thông và điều chỉnh những sai lầm (nếu có) trong tinh thần hòa hợp, xây dựng của tứ chúng đồng tu. Thực tập được điều ấy, mỗi người con Phật đã thực sự góp phần duy trì, làm hưng thịnh giáo pháp và nhất là thiết lập được bình an trong đời sống của chính mình.
Chúc các bạn vững tin!

Nguồn: giacngo.vn