Truyện Cư sĩ Thắng Liên

0
226

Cư sĩ Thắng Liên vốn họ La, tên thật là Duẫn Mai, người ở Lâu Đông.

Ban đầu ông lấy hiệu cư sĩ Vô Thiên, vì sao sau đó lại gọi là cư sĩ Thắng Liên?

Nguyên là vào mùa thu niên hiệu Khang Hy năm thứ 40, La Duẫn Mai mắc bệnh nguy kịch, định làm một bài kệ để lại trước khi qua đời, bỗng nghe giữa không trung có tiếng nói rằng: “Cư sĩ Thắng Liên vẫn còn sống được một kỷ nữa, không cần làm kệ.” Sau đó bệnh nhanh chóng thuyên giảm, họ hàng thân thích đều cho là kỳ lạ, từ đó đều gọi ông là cư sĩ Thắng Liên.

Vào lúc mang thai ông, người cha mộng thấy có một vị tăng đến ở trọ trong nhà, ngày hôm sau liền sinh ra cư sĩ. Nhân đó, người cha đã sớm biết cư sĩ là người sẵn đủ căn lành từ nhiều đời trước.

Đến năm được 4, 5 tuổi, ông vẫn còn nhớ được dung mạo, làng xóm chỗ ở của cha mẹ đời trước. Một hôm đùa nghịch chạy quanh cây cột nhiều vòng, chóng mặt té ngã liền bị mẹ đánh, ông khóc rồi đi ngủ, đến lúc tỉnh dậy thì không còn nhớ gì nữa. Do đó mới biết sử sách ghi lại những chuyện tiền thân của Dương Thúc Tử, Đổng Thanh Kiến, Tô Đông Pha là đúng thật, không hư dối.

Từ sau khi theo thầy học chữ, ông không còn đùa nghịch, không học theo các thói quen của những trẻ thiếu niên cùng lứa tuổi. Ông học tập mỗi ngày một tiến bộ rất nhanh, ai ai cũng tin chắc là sẽ thành đạt khoa bảng. Nhưng cha ông là La Tịch Chi, vì thấy ông thường nhiều bệnh nên thương xót, không cho theo đường thi cử. Cư sĩ khéo hiểu được lòng cha mẹ, nên tuy theo nghiệp thi thư nhưng không cầu danh vọng hiển đạt, chỉ viết ra một quyển sách để tự lấy làm vui. Sách Hoàng diệp thảo do ông soạn ra, lấy tôn chỉ tâm tánh phát lộ thành văn chương như Lý, Đỗ.

Từ thuở nhỏ ông đã có sự lưu tâm đến thuật dưỡng sinh của Đạo giáo, sau đó từng đến tham học với Bích Nham Lão nhân, thấu triệt sáng tỏ được tinh yếu của thiền tông. Từ khi La Tịch Chi bước qua tuổi trung niên, ông gánh vác hết việc nhà, không để cha mẹ phải bận tâm, lại tận tâm tận lực lo việc phụng dưỡng đến tận cuối đời, lòng hiếu thảo thật không ai hơn.

Vào mùa thu niên hiệu Khang Hy năm thứ 52, cư sĩ Thắng Liên lại ngã bệnh, bấm đốt tay tính lại thì thời hạn một kỷ (12 năm) đã hết. Người người đều lo sợ, nhưng cư sĩ không chút lưu tâm.

Trước đây, ở địa phương này rất ít người tu tập theo Tịnh độ, cư sĩ đề xướng lập ra Liên xã để mọi người có thể quy tụ cùng nhau niệm Phật, có đến ba, bốn chỗ. Từ đó mới có rất nhiều người niệm Phật. Một hôm, cư sĩ nằm mộng thấy có người đến nói: “Ông khuyên người tu theo Tịnh độ, công đức rất lớn, nên tuổi thọ vẫn còn chưa dứt, nay hãy tạm chưa đi.” Sau đó bệnh tự nhiên nhanh chóng khỏi hẳn. Nhân việc ấy, mọi người càng thấy kỳ lạ hơn.

Cư sĩ Thắng Liên giàu lòng từ bi, ưa thích làm việc thiện, thường hết thảy những việc như phóng sinh, nuôi trẻ mồ côi, cứu giúp người đói thiếu, cư sĩ đều đứng ra gánh vác hoặc vui vẻ giúp vào, đem tâm chân thành mà thực hiện.

Vào năm Kỷ Sửu thuộc niên hiệu Khang Hy có nạn đói, người chết nằm đầy đường, [quan địa phương] biết cư sĩ là người hiền đức lại có khả năng, nên mời cư sĩ cùng tham gia giúp việc cứu tế. Công việc thành tựu, quan Đại Trung Thừa là Vu công liền tấu xin triều đình cấp biển ngạch để biểu dương, nhưng cư sĩ từ chối không nhận.

Mùa đông năm Ất Mùi, có hai người cùng làng đến nhà cư sĩ xin vay một trăm lượng bạc. Cư sĩ tin tưởng đưa cho mượn. Hai người ấy muốn đến Sùng Xuyên mua hàng buôn bán, nhưng khi thuyền đi đến cung Thiên Hậu thì số tiền bị mất sạch. Ngoài hai người mất tiền, trên thuyền có cả thảy bảy người khác, đều cùng nhau quay về. Hai người bị mất tiền định mang sự việc báo quan nhờ tra xét. Cư sĩ động lòng thương bảo họ: “Nếu báo lên quan, khi tra xét chắc chắn phải dùng nhục hình. Nếu đúng là kẻ trộm thì tra tấn cũng được, nhưng nếu họ không phải kẻ trộm thì sao? Hơn nữa, trong số bảy người kia có hai người khách từ Gia Hưng đến, nếu bị giam nhốt trong lúc trời rét lạnh như thế này, ai sẽ mang cơm nước cho họ? Nếu không chịu đựng nổi, ắt sẽ có người bỏ mạng.”

Cư sĩ nói vậy rồi bảo hai người kia không cần phải trả lại số tiền đã vay, xem như bỏ qua sự việc ấy. Tấm lòng và công hạnh của cư sĩ, đa phần đều là như vậy.

Vào ngày tết Đoan Ngọ năm nay, cư sĩ Thắng Liên gặp tôi đến thăm, hết sức vui mừng, nói rằng: “Tôi muốn soạn ra một bộ sách Tây quy trực chỉ, khuyên người tu theo Tịnh độ, ngoài tiên sinh ra e không còn ai đủ khả năng. Mong tiên sinh vì tôi mà sớm hoàn tất để khắc bản lưu hành.”

Tôi đồng ý nhận lời, từ đó thu thập trong khắp thảy các kinh sách về Tịnh độ, phụ thêm vào ý riêng của mình, soạn thành một bộ sách 4 quyển, đến ngày 14 tháng 6 thì hoàn tất. Qua ngày rằm, tôi mang sách đến Lâu Đông thì mới hay cư sĩ biết sách đã hoàn tất nên an nhiên thị tịch rồi.

Về chuyện cư sĩ vãng sinh Tây phương thì trước đó vào ngày mồng 2 tháng 6, ông đã đi từ biệt khắp bạn bè thân quyến, dự định vào giờ ngọ ngày mồng 6 sẽ ra đi. Sau khi thu xếp xong tất cả mọi việc, cư sĩ dặn lại người con trai phải lo việc khắc bản lưu hành sách Tây quy trực chỉ. Đúng ngày, cư sĩ tắm rửa xong ngồi ngay ngắn, đọc kệ rồi đi. Cư sĩ thị tịch hồi lâu, quyến thuộc có nhiều người than khóc, kêu gào không thôi, liền bỗng dưng mở mắt ra nói: “Vì sao [lại khóc lóc làm] trở ngại [sự vãng sinh của ta? Đành phải] chậm lại bảy ngày nữa.”

Lại sang đến ngày 14, vừa tờ mờ sáng, cư sĩ nói với người nhà rằng: “Hôm nay ta sẽ đi.”

Hôm ấy có trưởng lão Kiền Hạnh và một số đạo hữu cùng đến, mọi người cùng nhau niệm Phật để giúp cư sĩ vãng sinh. Vừa đến giờ thìn, cư sĩ bỗng nghiêm nghị nói: “Bồ Tát đã đến rồi.” Nói xong, liền chắp tay hướng về phương tây, niệm Phật rồi thị tịch.

Ôi, người đời muôn việc đều có thể giả tạo, chỉ riêng một việc sống chết là hoàn toàn không thể giả tạo. Sự ra đi của cư sĩ được an lành như vậy, há có thể là chuyện một sớm một chiều mà đạt được hay sao?

Cư sĩ có một người con trai là La Triệu Chỉ. Người vợ chính tên Trầm, người vợ kế tên Chu, đều là những người hiền hòa hiếu thuận. Cháu nội có ba người, đều tỏ ra nhanh nhẹn, thông minh tài trí.

Bài kệ từ biệt thế gian của cư sĩ như sau:

七十一 年,

拖著皮袋。

今日撇下,

何 等自在。

Thất thập nhất niên,

Đà trước bì đại.

Kim nhật phiết hạ,

Hà đẳng tự tại!

Tạm dịch:

Bảy mươi mốt năm qua,

Mang nặng một túi da.

Hôm nay vừa quẳng xuống,

Tự tại biết bao là!