Tranh Nhau Tạo Người

0
173

Lời dẫn: Ban đầu con người từ đâu đến? Có người nói từ vô cực đến. Có người nói tiến hoá từ loài khỉ. Có người nói thượng đế sáng tạo ra. Có người nói lão mẫu nương sinh ra loài người. Bất luận nói theo cách nào, vẫn không thỏa đáng. Vì sao? Vì vô cực là danh từ trống rỗng. Nói con người tiến hoá từ loài khỉ. Vậy loài khỉ từ đâu đến? Nói thượng đế tạo ra con người. Vậy thượng đế từ đâu đến? Lão mẫu nương sinh ra loài người. Vậy lão mẫu nương từ đâu đến? Đều là nguồn gốc vô cùng vô tận. Muôn sự muôn vật trên thế giới, vốn là một sự tuần hoàn, luân chuyển không dứt. Làm sao chúng ta tìm được nguồn gốc?

Xưa kia, bà-la-môn giáo ở Ấn Độ cũng theo Đại Phạm Thiên tự cho mình sáng tạo muôn vật. Vị Phạm Thiên lại là vạn đức vạn năng, họa phúc sinh tử của con người đều nằm trong tay ông điều khiển. Con người là con cháu của thần, nếu như chúng ta làm trái ý thần là có tội thì thần chẳng chút khách sáo liền giáng tai họa. Còn như chúng ta ngoan ngoãn nghe theo thì thần sẽ ban phúc. Đây là luận điệu đế chế của vua chúa. Người xưa nói: “Vua bảo thần chết, thần không chịu chết là bất trung. Cha bảo con chết, con không chịu chết là bất hiếu”. Thời đại văn minh tiến bộ, tuy đã lột bộ mặt giả của thần, nhưng tín đồ của thần vẫn liều mạng bôi son thếp vàng lên mặt thần.

Xưa kia, bà-la-môn giáo ở Ấn Độ cho Phạm thiên là chúa sáng tạo ra muôn vật; nhưng Phạm thiên có một vị đệ tử cũng tự cho mình là quyền hạn tuyệt đối. Một hôm, vị đệ tử đến thưa sư phụ:

– Thưa thầy! Con sẽ tạo ra con người.

Phạm thiên quát:

– Ngươi không được ăn nói tùy tiện hồ đồ. Người làm gì đủ tài năng này? Người cũng không được tùy tiện tạo con người, không được làm trái ý của ta.

Phạm thiên không cho đệ tử tạo người. Nhưng đệ tử vừa hiếu kì, vừa không chịu nghe lời Phạm Thiên; cho nên lén tạo ra một người.

Phạm thiên biết được rất tức giận, nhưng việc tạo người đã thành sự thật, có tức giận cũng vô ích, chi bằng thể hiện thái độ rộng lượng, nên ông đi đến chỗ người đệ tử tạo người thử ra sao. Đệ tử thấy sư phụ đến vội vàng cung kính thưa:

– Thưa thầy! Xem thử con tạo ra con người như thế nào? Xin thầy chỉ dạy.

Phạm Thiên đáp:

– Rất tốt! Ngươi biết cách tạo ra người, nhưng ngươi chưa biết kỹ thuật cách tạo ra người

– Xin thầy chỉ dạy.

– Ngươi hãy xem người này đầu quá to, cổ lại nhỏ, tay và chân tạo không cân xứng, tay này quá to, tay kia lại nhỏ chân cũng như vậy. Làm sao giống con người được?

Phạm Thiên vô cùng hả hê vì được phê bình đệ tử cái gì cũng sai, ông lại nói tiếp:

– Ta đã bảo ngươi không được tạo người, ngươi cố chấp không chịu nghe lời. Kết quả, ba phần không giống người, bảy phần không giống quỉ; người cần học tập nhiều mới làm được.

Từ đó, tình cảm thầy trò bị rạn nứt.

Bài học đạo lý

Qua câu chuyện này, chúng ta hãy nghĩ thử xem thần còn ganh tị không? Thần không muốn cho đệ tử có cơ hội thể hiện tài năng. Nếu có thần như vậy thì khác gì hàng phàm phu chúng ta? Có điều gì vĩ đại?

Thật ra, mỗi chúng sinh đều biết cách tạo ra con người, nhưng nghiệp lực của mỗi người mà tạo ra con người không giống nhau. Có người thiện, có kẻ ác, có người đẹp, có kẻ xấu, có người thông minh, có kẻ ngu si v.v…đều sai khác; cho nên gọi là nghiệp lực. Tạo ra con người, không phải chỉ có vị thần kia có năng lực đặc biệt. Nếu như thần có tài năng đặc biệt thì nặn ra thân quả báo tốt đẹp, như thân trời, người; hoặc thân thanh tịnh – pháp thân.

Nếu như thần tạo ra con người vĩ đại và quyền lực thì mỗi người nam đều thượng đế, mỗi người nữ đều là lão mẫu nương. Vậy chúng ta ai tôn kính ai? Ai tín ngưỡng ai? Muốn tạo nghiệp (tạo ra người) muốn chịu sinh tử luân hồi dễ dàng, muốn ra khỏi sáu đường (tu hành), muốn giải thoát sinh tử khó khăn. Nếu chúng ta không nỗ lực tu hành vượt thoát sáu đường, ra khỏi sinh tử mà chỉ hướng đến cầu thần giúp đỡ có ích gì? Có được không?

Loài người có phải con cháu của thần không? Người Trung Quốc tự cho mình là con cháu của Viêm Hoàng. Như thế, Viêm Hoàng chính là hoàng đế của Trung Quốc. Chúng ta uống nước nhớ nguồn, không quên tổ tiên, huyết thống của mình; đây chính là thể hiện trung hiếu, đạo đức. Nếu nói thượng đế sáng tạo ra muôn vật, thượng đế sáng tạo ra nhân loại thì đây thuộc về chuyện vu vơ, vậy cầu khẩn thần làm gì? Con người là tự mình sáng tạo thân quả báo của chính mình, cho đến tất cả chúng sinh do nghiệp lực mình mà sáng tạo ra, cho đến tất cả Hiền thánh, Phật, Bồ-tát cũng là tự mình sáng tạo ra mới đúng.