Tin thọ mạng của Như lai?

0
171

Hỏi:
Đức Phật bảo rằng “người nào tin tưởng thọ mạng của Như lai là bất khả tư nghì, thì công đức vô lượng gấp trăm ngàn lần, so với công đức của một hành giả tu năm ba la mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định”. Kính xin Thiền sư giảng giải?

Đáp:
Đường Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiền, sau cùng có 2 cơ bản: Tin tự tâm và phát nghi tình.

Tin tự tâm là thế nào? Thọ mạng của Phật không có cuối cùng, vì cùng khắp thời gian, không có bắt đầu. Tuy mình chưa kiến tánh, nhưng bản tâm của mình cùng khắp không gian thời gian, không có khác với Phật tánh của Phật, như Phật đã nói Phật tánh bình đẳng bất nhị.

Tôi muốn chứng tỏ cùng khắp không gian thời gian cho các vị dễ hiểu, vì không gian và thời gian mênh mông nên khó hiểu. Tâm là thể tinh thần không có hình tướng, không có âm thanh để mình nhận biết được thì lấy gì để chứng tỏ cùng khắp không gian thời gian?

Những người học khoa học biết ánh sáng cùng khắp không gian. Chỉ nói ánh sáng khắp trung tâm này. Hiện có 1 cây đèn, 2 cây đèn, 3 cây đèn… mỗi cây đèn có ánh sáng cùng khắp, cũng như mình ngồi đây cả trăm người thì có cả 100 tâm cùng khắp, mỗi tâm đều cùng khắp.

Nhưng tâm mình cùng khắp mà không tin vì mình không thấy, còn ánh sáng đèn thì mình thấy cùng khắp; đã cùng khắp nên sự tương đối không còn, như diệu minh là không có sự tương đối nên gọi là diệu minh.

Nếu có năng minh và sở minh thì mất cái diệu, bản thể của mình cũng vậy; nếu đã cùng khắp thì trở thành diệu, không có năng sở. Nguồn gốc của sự tương đối là có và không có, như có ta và không có ta, có ta là hữu ngã, không có ta là vô ngã. Phật pháp là phải phá ngã chấp.

Tôi sắp đèn này là số 1, đèn kia là số 2, số 3, số 4, số 5… bây giờ tôi thay mặt cho đèn số 1 là ta; có ta là có ngã, nếu có ngã thì phải lập cái lý có ngã mới được. Ánh sáng của 5 cái đèn đã cùng khắp, nếu nói có ngã phải chỉ ra ánh sáng nào thuộc về cây đèn số 1 của ta? Nếu chỉ ra được thì chứng tỏ là có ngã, có ánh sáng đèn số 1 của ta. Nhưng tôi biết các vị chỉ không ra, vì nó đã cùng khắp. Chỉ không ra nên cái lý có ngã, ánh sáng đèn số 1 của ta không thể thành lập.

Nếu nói không có ngã, vậy các vị chỉ chỗ nào không có ánh sáng đèn số 1 của ta? Chỉ ra được là vô ngã thì lý vô ngã mới thành lập được. Chỉ ra được không? Chỉ không được. Cho nên, có ngã và vô ngã đều không thể thành lập. Tại sao? Vì ánh sáng đã cùng khắp. Có 100 cây đèn thì ánh sáng cũng cùng chung ánh sáng, chứ không thể phân biệt ánh sáng nào cây đèn số 1, ánh sáng nào của cây đèn số 2…

Vì vậy, khi kiến tánh phát hiện bản thể cùng khắp, không có phân biệt ta với ngươi; không có phân biệt nên không có giành giựt chửi mắng, tất cả mọi người cùng hưởng chung một hạnh phúc. Đây là mục đích của Phật Thích Ca.
Cái biết của bộ óc không cùng khắp không gian thời gian, cái biết Phật tánh cùng khắp không gian thời gian. Cái biết Phật tánh gọi là chánh biến tri nhưng lấy gì để chứng tỏ? Vì cùng khắp không gian thời gian, cái biết cũng không có hình tướng; không gian thời gian mênh mông.

Tôi phải dùng cơ thể này để ví dụ cho quý vị được dễ hiểu chứng tỏ cùng khắp: Cảm giác lớp da này phải cùng khắp cơ thể này không? Cảm giác lớp da có phải gọi là biết không? Vậy cái biết của lớp da này cùng khắp không gian cơ thể. Nếu đã cùng khắp cơ thể thì không có chỗ búng. Tại sao? Có chỗ búng thì búng tay tay biết, búng đầu đầu biết, những chỗ không búng không biết. Những chỗ không búng không biết, làm sao gọi là cùng khắp? Cho nên đã cùng khắp thì không có chỗ búng. Đây là về không gian.
Còn về thời gian thì không có lúc búng, nếu có lúc búng thì lúc búng mới biết, lúc không búng nên không biết. Lúc không búng, cảm giác lớp không mất mà nói không biết! Cảm giác lớp da ngày đêm luôn luôn như vầy, đâu phải nhờ búng mới biết, không búng lại mất! Rõ ràng cảm giác lớp da cùng khắp không gian và thời gian của toàn cơ thể. Nhưng bộ óc mình có thói quen đã nhận thức sai lầm cho là chỗ búng mới biết, chỗ không búng thì không biết; lúc búng mới biết, lúc không búng không biết.

Phật muốn mình đừng cho bộ óc làm chủ, phải cho Phật tánh làm chủ thì những tai họa không còn sanh nữa, mới được hưởng hạnh phúc mà không có sự khổ đối đãi. Như tất cả bao nhiêu đèn cùng chung một ánh sáng, tất cả bao nhiêu chúng sanh cùng chung một hạnh phúc. Lúc đó hạnh phúc mới là chân thật, Đại Thừa Tuyệt Đối Luận nói “nhập vào quốc độ tuyệt đối”.