Tích Đức Tạo Phúc, Hành Ác Tạo Nghiệp

0
153

Vào triều Minh, ở vùng Sở Trung có một thư sinh. Anh tâm địa chính trực, lại bẩm sinh có năng lực siêu nhiên là đi về qua lại giữa dương gian và địa phủ. Anh phát hiện rằng người trên thế gian nói: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” quả nhiên là hết sức đúng đắn. Một lần xuống địa phủ, anh thấy một quyển Ký lục ghi chép toàn bộ những việc thiện ác mà mỗi người trên thế gian đã làm, và phát hiện người trên nhân thế căn cứ theo nghiệp tích ít hay nhiều, thì hoặc là được phúc báo, hoặc là chịu trừng phạt. Anh ta cảm thấy thương xót cho những kẻ đang phải chịu hình phạt leo lên ngọn núi bằng đao kiếm, muốn cứu họ, nhưng họ đều không chịu để anh giúp, mà còn cố leo nhanh hơn. Hoàn toàn chẳng có cách nào cứu được họ.

“Tạo nghiệp” mà những cụ già Trung Quốc thường nói đến đối ứng với “tích đức”, cho biết một sự thật là làm việc tốt thì tích đức và sẽ được phúc báo, còn làm việc xấu thì tạo nghiệp và sẽ phải chịu trừng phạt. “Đức” cùng với “nghiệp” đều là vật chất tồn tại thật sự, những ai có công năng hoặc người trong giới tu luyện xưa nay đều có thể chứng thực được điều này.

Một ngày nọ, người thư sinh phát hiện trong quyển Ký lục ấy ghi lại việc thê tử của anh đã phạm tội trộm một con gà của hàng xóm, con gà ấy tính cả lông thì cân nặng 1 cân 12 lượng, anh ta bèn gấp trang sách đó lại để đánh dấu.

Khi trở lại dương gian, người thư sinh trách hỏi vợ, nhưng người vợ nhất nhất phủ định chuyện này. Người thư sinh vì vậy bèn kể lại hết thảy sự việc tại địa phủ mà anh đã thấy, lúc đó người vợ mới chịu nói thật. Nguyên là con gà hàng xóm đã chạy sang ăn lúa mà cô đang phơi nắng, trong lúc cô đuổi con gà lỡ tay đánh chết nó. Vì sợ hàng xóm sẽ trách mắng, cô bèn đem con gà giấu đi, không kể với ai.

Hai vợ chồng đồng thời giật mình kinh ngạc vì quyển sách địa phủ lại có ghi về cả việc ấy. Họ vội vàng tìm con gà đem cân, quả nhiên chính xác 1 cân 12 lượng, không sai chút nào. Hai vợ chồng nhanh chóng bồi thường và xin lỗi hàng xóm.

Vài ngày sau, người thư sinh lại đến địa phủ kiểm tra lại quyển sổ ấy. Anh thấy trang sách mà mình đã gấp đánh dấu vẫn còn, chỉ có đoạn ghi chép tội trạng là đã biến mất không còn dấu vết.

Thế mới thấy, đích thực là “Thần mục như điện, báo ứng bất sảng” (“Mắt thần như điện, báo ứng chẳng sai”)! Cho nên làm người thì cần tránh làm việc xấu ác tạo nghiệp, nếu không thì nhân quả báo ứng nghĩa là đã làm hại chính bản thân mình. Câu chuyện đó cũng cho thấy một đạo lý, nếu quả thật chúng ta đã phạm điều sai, chỉ cần sửa chữa những lỗi lầm của mình chúng ta sẽ có cơ hội tránh khỏi quả báo. Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào lựa chọn của chúng ta.