Đại sư Vĩnh Minh sống vào thời Ngô Việt, người ở huyện Dư Hàng. Ban đầu, ngài làm quan giữ kho của huyện, nhân đó thường tự ý xuất tiền bạc trong kho đến Tây Hồ mua tôm cá… các loại vật mạng để phóng sinh. Sự việc bị phát hiện, y theo luật pháp phải chịu tử hình. Ngài nghe báo tin, vui mừng nói: “Lần này tuy phải chết nhưng tôi nhất định được sinh về Tây phương Cực Lạc, bởi số lượng vật mạng tôi đã phóng sinh nhiều đến nỗi không thể biết đã đến bao nhiêu ngàn vạn…”
Tiền Mục Vương [nghe biết rõ sự việc liền] đặc biệt ban lệnh đặc xá cho ngài, thuận cho phép xuất gia theo ý nguyện, lại ban cho tên hiệu là Diên Thọ.
Ngài xuất gia theo học với thiền sư Tứ Minh Thúy Nham, tham học thêm với Thiều Quốc sư ở núi Thiên Thai, nhận biết được ý chỉ tâm yếu của Thiền tông.
Về sau, ngài về trụ trì chùa Vĩnh Minh, chuyên tu theo pháp môn Tịnh độ, thực hành nhiều phước nghiệp. Mỗi buổi tối ngài một mình vào núi đi kinh hành niệm Phật, người quanh đó đều nghe có tiếng nhạc trời giữa không trung. Vua Ngô Việt là Trung Ý Vương [Tiền Hoằng Thục] xưng tán rằng: “Từ xưa, những người cầu vãng sinh Tây phương chưa có ai được chuyên tâm tha thiết đến như vậy.” Vua liền cho xây điện Tây Phương Hương Nghiêm để thành tựu chí nguyện của ngài.
Vào niên hiệu Khai Bảo năm thứ 8, ngày 26 tháng 2, sáng sớm ngài đốt hương cáo chúng, xong ngồi kiết già mà tịch.
Về sau, có một vị tăng đến từ Lâm Xuyên, ở lại đó và hằng ngày đều cung kính đi nhiễu quanh tháp của Đại sư, trải qua nhiều năm như vậy. Có người thấy lạ hỏi nguyên do, vị tăng ấy đáp: “Tôi có lần bị bệnh suýt chết, thần thức đã xuống đến âm ty, nhìn thấy điện bên trái có tượng một vị tăng, Diêm vương mỗi ngày hai buổi đều cung kính lễ bái. Tôi hỏi thầm một người về pho tượng, người ấy nói: “Đó là thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ ở Hàng Châu. Ngài đã vãng sinh Tây phương Cực Lạc vào hàng thượng phẩm, Diêm vương kính trọng đức hạnh của ngài nên lễ kính.”