Tập tục đốt giấy tiền vàng mã ?

0
159

Hỏi: Kính bạch thầy, tục lệ đốt giấy tiền vàng mã có phải là của Phật giáo mình bày ra không? Hay là do ai bày ra? Có một người bạn hỏi con như thế mà con không hiểu, kính xin thầy từ bi giải đáp cho con được rõ.

Đáp: Tôi xin trả lời khẳng định một cách dứt khoát rằng, tục lệ nầy không phải do Phật giáo bày ra. Theo chỗ chúng tôi được biết, đây là một tục lệ có từ lâu đời trong dân gian. Truy nguyên về nguồn gốc của tục lệ đốt giấy tiền vàng mã nầy, chúng tôi thấy, xuất phát từ thời cổ đại trong xã hội Trung Hoa. Theo nhà tư tưởng Vương Dư đời Đường cho rằng: “Từ thời nhà Hán, đã có tục chôn tiền và đời sau lấy giấy thay tiền”. Theo niềm tin thuần phác của người Trung Hoa ở vào thời cổ đại thì, người ta tin rằng, người chết không phải là mất hẳn mà biến thành quỉ (nhân tử viết quỉ – Nguyễn Tôn Nhan, Kinh Lễ, Thiên Tế pháp, NXB. Văn Học, 1999, tr. 192 ). “Quan niệm nhân tử viết quỉ” được hình thành từ thời Ngũ đại (khoảng hơn 2000 năm trước Tây lịch) Từ quan niệm nầy, người ta tin rằng, người chết cũng như người sống, tức sự sanh như sự tử. Những gì mà người ta lúc còn sống tiêu xài như thế nào, thì khi chết cũng cần đến như thế đó. Do tin tưởng như vậy, nên sau khi chết đi, thân nhân của người chết họ chôn theo những vật dụng cần thiết kể cả tiền bạc để cho người chết tiêu xài. Đây là họ biểu lộ mối thâm tình sâu đậm khi sống sao thì lúc chết cũng như thế.

Theo các nhà khảo cổ, họ đã khám phá từ những cuộc khai quật và đã xác quyết điều nầy. Nhưng về sau, người ta thấy rằng, việc chôn theo các đồ vật dụng và tiền bạc thiệt, thì quá lãng phí, cho nên dần dần người ta mới bày ra cách sử dụng những đồ vật dụng và tiền bạc làm đồ giả, giấy giả, để cho người chết tiêu xài.

Như vậy, việc đốt giấy tiền vàng mã là tập tục của người Trung Hoa có nguồn gốc từ thời cổ đại. Dĩ nhiên, tục lệ nầy có tác động ảnh hưởng rất lớn trong tinh thần biểu lộ tình cảm sâu sắc của người dân Trung Hoa. Từ đó lan rộng ảnh hưởng đến những quốc gia chịu ảnh hưởng nếp sống văn minh văn hóa của họ. Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng sâu đậm nhứt, vì đất nước ta đã trải qua một thời gian dài bị họ cai trị.

Cần nói rõ tập tục nầy, theo cái nhìn của Phật giáo, thì đây là một việc làm lãng phí tốn kém vô ích. Vì Phật giáo quan niệm, người chết chậm nhất là sau 49 ngày nhất định sẽ tùy nghiệp thác sinh vào những cảnh giới thiện ác khác nhau, do hiện đời người đó đã gây tạo. Cảnh giới khác nhau, thì vật dụng của mỗi loài tùy nghiệp thức, mà họ cũng thọ dụng khác nhau. Do đó, không thể đem những vật dụng ở cõi người mà cung cấp cho những chúng sinh ở các cõi khác. Như thế, thì làm sao họ thụ hưởng cho được?

Thí dụ cùng là loài người sống chung trên một trái đất, chỉ khu biệt khác nhau ranh giới thôi, ấy thế mà giữa tiền của nước nầy, không thể mang sang qua nước khác mà có thể xài được, muốn tiêu xài, cần phải đổi ra. Như thế, thì thử hỏi tiền bằng giấy đốt ra thành tro bay hết, làm sao mà người chết nhận để tiêu xài được?  Đây chẳng qua, là để biểu lộ tấm lòng thương tưởng hiếu thảo của người còn sống đối với người đã khuất bóng. Việc làm nầy, xuất phát từ nỗi lòng ước nguyện thành kính của người  sống muốn cho người chết được đầy đủ an vui. Nhưng đối với Phật giáo, hoàn toàn không chấp nhận việc làm nầy. Vì nó không đem lại lợi lạc gì cho người chết, mà chỉ lãng phí tiền của, công sức và gây thêm ô nhiểm môi sinh, nhiều khi bất cẩn sẽ gây ra tai nạn hỏa hoạn nữa không chừng.

Đối với những Phật tử vì chưa thông hiểu giáo lý Phật dạy và chưa có một niềm tin nhân quả thấu đáo sáng suốt, nên có đôi khi cũng hay đốt giấy tiền vàng mã cho người chết. Thay vì, bỏ tiền ra mua đốt giấy tiền vàng mã, thì tại sao chúng ta không làm những việc khác có lợi ích cụ thể thiết thực hơn như mãi vật phóng sinh, bố thí giúp cho những kẻ tàn tật nghèo đói v.v… ? Đem những việc làm nầy, hồi hướng phước đức cho hương linh người chết, thì người chết sẽ hưởng được lợi lạc biết bao! Đây mới là việc làm chánh lý “âm dương lưỡng lợi”, đúng theo quan điểm từ bi và trí tuệ của đạo Phật. Là Phật tử, chúng ta nên nghe theo lời Phật Tổ dạy mà tránh những việc làm mê tín vô ích, chỉ có gây thêm thiệt hại cho mình mà thôi.