HỎI: Mẹ tôi, tôi và em đã đăng ký hiến xác cho khoa học tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM. Về cách thức thông báo cho bộ phận nhận xác của trường thì gia đình tôi đã rõ. Song, mấy hôm nay tôi và mẹ tranh luận nhiều về việc sau khi xác đã đem đi thì gia đình có làm bàn thờ như những đám ma bình thường khác hay không? Việc cúng cơm mỗi ngày, cúng thất hàng tuần, cúng 49 ngày và kỵ giỗ sẽ diễn ra như thế nào? Hàng ngày cúng cơm chay thì tôi nên đọc tụng kinh nào? Mẹ tôi hiện chưa quy y Tam bảo. Vậy, sau khi mẹ vừa chết (trước khi chuyển xác đi), tôi vẫn có thể mời quý thầy (cô) đến tụng kinh và làm lễ quy y Tam bảo cho mẹ được không?
(VIÊN NHÀN, nglan2000@yahoo.com)
ĐÁP:
Bạn Viên Nhàn thân mến!
Quy y Tam bảo và tu tập lúc sanh tiền sẽ vô cùng lợi lạc. Do đó, nếu hiện giờ mẹ của bạn đang khỏe mạnh thì nên đưa mẹ đến chùa quy y. Bạn đến chùa gặp thầy (cô) trụ trì, trình bày hoàn cảnh đặc biệt và xin quy y riêng cho mẹ thì chắc chắn sẽ được đáp ứng.
Về tang lễ của người hiến xác cũng có chút khác biệt so với người không hiến xác là “di quan” nhanh chóng hơn. Thường thì người Phật tử sau khi chết nên để yên ít nhất là 8 giờ mới giao cho bộ phận nhận xác. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó vẫn lập bàn thờ linh, thỉnh quý Tăng/Ni làm lễ phát tang, tụng kinh siêu độ và lễ “di quan”. Sau khi đem xác đi, việc cúng cơm hàng ngày, tuần thất, chung thất hay kỵ giỗ vẫn tiến hành bình thường.
Tuần thất hay kỵ giỗ có thể cúng ở chùa (nếu gửi linh lên chùa) hay ở nhà. Riêng việc cúng cơm hàng ngày ở nhà (trong vòng 49 ngày) thì dọn cơm nước, thắp hương đèn rồi tùy tâm khấn nguyện là được. Nếu muốn tụng kinh cầu siêu thì mỗi tối (hoặc tùy duyên sắp xếp) nên tụng kinh A Di Đà hay kinh Địa Tạng v.v… để hồi hướng phước báu siêu độ cho thân nhân.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn