Hỏi: Dù quan điểm của Nam tông hay Bắc tông thì sau khi con người chết đi cũng sẽ đầu thai, chỉ khác nhau là nhanh hay chậm. Vậy nếu thần thức đã đầu thai thì cúng kiếng tổ tiên ông bà, hay thờ cúng các vị thần ở đền miếu là thờ ai? (V.D, kingo…@yahoo.com)
Đáp:
Bạn V.D thân mến!
Luân hồi và tái sanh là một trong những giáo lý nền tảng của Phật giáo. Đúng như bạn nói, dù có khác nhau về thời gian nhanh hay chậm nhưng cả Phật giáo Nguyên thủy (Nam tông) và Phát triển (Bắc tông) đều đồng nhất trong quan điểm luân hồi và tái sanh.
Phật giáo Nam tông nói rằng sau khi chết thì lập tức tái sanh. Phật giáo Bắc tông chia thành hai trường hợp: Một, tái sanh lập tức với điều kiện cực thiện hay cực ác. Hai, trải qua giai đoạn thân trung ấm với thời gian từ 1 đến 49 ngày mới tùy duyên tái sanh. Riêng Mật tông (thuộc Bắc tông) quan niệm rằng, một số chúng sanh chết do đột tử thì thân trung ấm có thể kéo dài trên 49 ngày hay lâu hơn nữa, thậm chí rất khó tái sanh.
Nhưng chung quy vẫn là: Sau khi chúng sanh chết, thần thức tùy theo nghiệp lực đã gây tạo mà luân hồi, tái sanh vào một trong 6 cảnh giới tương ứng của lục đạo (trời, người, a tu la, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục).
Như vậy việc thờ cúng tổ tiên, ông bà hay người thân đã mất sau 49 ngày hầu hết chỉ mang ý nghĩa kính thờ và tưởng niệm, thể hiện lòng tri ân, nhớ đến nguồn cội, có tính văn hóa và giáo dục hiếu đạo hơn là tin rằng cúng cho người chết (ở cõi âm) hưởng. Đức Phật khẳng định chỉ những người sau khi chết tái sanh vào ngạ quỷ (tương ưng xứ) mới có thể hưởng được những gì loài người dâng cúng (kinh Tăng Chi Bộ IV), như cúng thí thực chẳng hạn. Ngoại trừ việc thân quyến làm phước thiện để hồi hướng công đức cho họ, thì dù tái sinh ở đâu cũng hưởng được phước báo thù thắng ấy.
Còn việc thờ cúng ở đền miếu là phụng cúng chư quỷ thần. Chư quỷ thần là những chúng sanh sau khi chết tái sanh vào loài ngạ quỷ nhưng nhờ có chút phước báo nên làm quỷ thần (thượng-trung đẳng thần) có thế lực lớn, được người dâng cúng, du hành tự tại.
Nguồn: giacngo.vn