Sự Lý Viên Dung

0
497
HỎI: Người có tín tâm với Đức Phật, ở tại gia tu hành, nếu không quy y Tam bảo có được gọi là Phật tử không? Có đúng luật Phật không? Tôi có một bạn theo đạo Phật, bạn ấy nói Phật tức tâm nên không cần phải thờ hình tượng Phật. Tôi rất băn khoăn, không biết bạn ấy nói như vậy có đúng với quan điểm của Phật giáo?

(HOẰNG DŨ, thanhtam121261@gmail.com)

quyy 1.jpg
Quy hướng Tam bảo – Ảnh minh họa

ĐÁP: Bạn Hoằng Dũ thân mến!

Người sống ở đời mà có tín tâm với Đức Phật, phát nguyện tu hành tại gia thì thật quý hóa, có căn lành. Tuy nhiên, đó chỉ mới là điều kiện cần cho những bước khởi đầu, người ấy cần phải kiện toàn thêm nhiều yếu tố nữa mới có thể tiến xa trên đường đạo và thành tựu giải thoát, an lạc.

Có lòng tin nơi Đức Phật thì tốt nhưng ta phải xem xét lòng tin ấy như thế nào, có phải là chánh tín không, có hợp với tuệ giác không? Phật giáo không khuyến khích những đức tin mà thiếu vắng trí tuệ. Tu hành tại gia cũng vậy, rất tốt, nhưng phải biết cách thức tu tập ấy sẽ có kết quả thế nào, có đúng với lời Đức Phật đã dạy không? Nếu tự mình chưa kiểm chứng được những vấn đề trên thì cần tìm thầy, nương bạn (thiện hữu tri thức) hoặc có thể tự học nhằm thông hiểu giáo pháp, thành tựu chánh kiến và chánh tín.

Khi bạn có tín tâm với Đức Phật và phát nguyện tu hành tại gia, về lý (nội dung, bản chất) thì bạn đã là Phật tử nhưng về sự (hình thức, hiện tượng) thì chưa. Bạn cần đối trước Tam bảo (Phật-Pháp-Tăng) phát nguyện trọn đời quay về, nương tựa để chính thức trở thành Phật tử. Việc quy y này không đơn thuần chỉ là hình thức mà trong đó hàm chứa nội dung quan trọng. Nội dung chính là sự phát nguyện quay về nương tựa của người quy y tương hợp với sự chứng minh và gia hộ của Tam bảo tạo ra một chấn động lớn, một sự phát tâm hướng thiện mạnh mẽ hiện hữu trong tâm thức người Phật tử.

Việc phát nguyện tu hành tại gia cũng vậy, muốn thành tựu phải có sự gia hộ và trợ duyên tích cực của Phật-Pháp-Tăng. Căn bản của pháp hành tại gia là giữ năm giới, thực hành đạo đức của người Phật tử. Năm giới, theo luật Phật, phải do chư Tăng (Ni) trao truyền. Các thiện pháp khác như bố thí, cúng dường, hộ trì Tam bảo, từ thiện xã hội, cao hơn nữa là tu tập thiền định, tịnh hóa thân tâm… cũng cần sự chứng minh, soi sáng và tán trợ của bốn chúng (Tăng, Ni, nam, nữ cư sĩ). Nên chỉ có tín tâm với Đức Phật và tu hành tại gia thì chưa đủ, cần quy y và tu học theo sự dìu dắt của Tăng đoàn.

Phật và tâm, nếu xét về phương diện Phật là thể tính giác ngộ, tâm là thể tính thanh tịnh, sáng suốt thì “Phật tức tâm, tâm tức Phật”. Còn xét về công hạnh tuệ giác của Đức Phật (đây chỉ Phật Thích Ca) và cái tâm phàm phu nghiệp chướng của mình thì lại hoàn toàn khác biệt nhau. Không thể đem cái lý (bản chất) ra rồi khập khiễng đánh đồng với cái sự (hiện tượng). Ở phương diện này, Phật là Phật, chúng sinh là chúng sinh. Vì vậy nghĩ rằng “Phật tức tâm nên không cần phải thờ hình tượng Phật” là một nhầm lẫn tai hại, cần nhanh chóng sám hối và phụng thờ Phật.

Dĩ nhiên, Đức Phật không bắt chúng ta thờ phụng Ngài. Chúng ta thờ Phật nhằm thể hiện lòng kính trọng cao cả, sự biết ơn sâu sắc đối với bậc Thầy đã chỉ lối đưa đường để vượt qua bờ mê, trở về bến giác. Phật tử thờ Phật để học theo công hạnh của Ngài, làm hiển lộ Phật tính trong tâm mình. Giáo lý đạo Phật thường được triển khai trên hai phương diện tục đế và chân đế, phương tiện và cứu cánh, hiện tượng và bản thể, tương đối và tuyệt đối… Người học Phật cần thông hiểu hai phương diện này để nhận thức và hành động sao cho sự lý được viên dung.

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn