Hỏi: Sự phát tâm cúng dường Tam Bảo và cúng dường Trai Tăng giống nhau và khác nhau như thế nào ?
Đáp: Xét chung, trên căn bản hay động cơ chính yếu của sự phát tâm thì có phần nào giống nhau. Vì cả hai đều có tấm lòng tốt và cả hai đều muốn gây tạo phước duyên với Tam Bảo. Như vậy là giống nhau trên căn bản phát tâm lành.
Tuy nhiên, nếu xét vi tế hơn, thì đôi khi cũng không giống nhau hẳn. Lý do tại sao? Bởi vì sự phát tâm nầy còn tùy theo tâm địa khởi phát của mỗi người rộng hẹp khác nhau, tức là cái chánh nhân gây tạo bất đồng, và lẽ đương nhiên khi kết quả cũng bất đồng. Bất đồng ở điểm nào? Nếu khi phát tâm cúng dường mà tâm ta phát khởi rộng lớn, vì lợi ích chúng sanh, muốn cho Tam Bảo mãi mãi được trường tồn trên thế gian, để mọi người biết đến mà tu tạo phước đức, được an vui giải thoát. Phát tâm như vậy, gọi là phát tâm rộng lớn.
Và khi kết quả phước báo cũng rộng lớn.
Ngược lại, nếu khi cúng dường mà ta chỉ mong cầu chư Phật, Bồ tát gia hộ độ trì cho bản thân mình hoặc cho gia đình mình được bình an. Đồng thời được mua may bán đắt, nhà cửa giàu sang, con cái thành tài đỗ đạt, mọi sự đều được hanh thông như ý muốn, người phát tâm cúng dường như vậy, gọi là phát tâm nhỏ hẹp, cộng thêm có lòng tham muốn quá ích kỷ, chỉ nghĩ riêng cho mình và gia đình mình thôi.
Do sự phát tâm ích kỷ nhỏ hẹp đó, kết quả cái phước báo cũng rất là nhỏ hẹp. Đó là điểm khác biệt vi tế ở nơi cái nhân khi phát tâm cúng dường. Đó là nói giống nhau và khác nhau ở nơi tâm niệm cũng như giống nhau và khác nhau ở nơi mục đích đạt được.
Còn nếu xét trên hình thức, thì giữa cúng dường Tam Bảo và cúng dường Trai Tăng rất khác nhau. Khác nhau như thế nào? Xin thưa, nói Tam Bảo gồm có Phật, Pháp và Tăng.
Cúng dường Phật Bảo là như thế nào? Về Phật, thì tuy rằng Đức Phật không còn tại thế, nhưng để tưởng nhớ công ơn lớn lao mà Đức Phật đã giáo hóa chúng sanh, nên người ta tạc tạo hoặc chạm đúc những hình tượng để tôn thờ. Do đó, nên người Phật tử phát tâm ủng hộ tịnh tài để thỉnh tượng Phật thờ phụng trong các chùa, hoặc xuất tiền thỉnh tượng Phật về thờ ở nhà v.v… đều được gọi là cúng dường Phật Bảo.
Cúng dường Pháp Bảo là như thế nào? Vì muốn cho chánh giáo của Phật mãi được lưu truyền sâu rộng trên thế gian, nên người phật tử cùng nhau góp tiền lại để in kinh ấn tống cho mọi người cùng tụng đọc, hiểu đạo mà tu hành, thì đó gọi là hùng phước cúng dường Pháp Bảo.
Cúng dường Tăng Bảo là sao? Nếu Phật, Pháp đã có mà không có chư Tăng, Ni những bậc tu hành chơn chánh, để thay Phật hoằng truyền thuyết giảng giáo pháp của Phật, thì người phật tử tại gia cũng không thể nào am hiểu được để ứng dụng tu hành.
Thế nên, người phật tử cần phải tu tạo phương tiện bằng cách Tứ sự cúng dường (y phục, sàng tòa, thực phẩm và y dược) để cho chư Tăng Ni có thêm chút ít phương tiện tu hành cũng như trong việc hoằng hóa.
Đó gọi là cúng dường Tăng Bảo.
Nói tóm lại, đây là cúng dường Thế Gian Trụ Trì Tam Bảo. Còn cúng dường Trai Tăng, chỉ trong phạm vi nhỏ hẹp. Đây là người Phật tử noi theo tấm gương hiếu hạnh của Tôn Giả Mục Kiền Liên, thiết lễ Trai tăng cúng dường để cầu siêu độ cho mẫu thân của Ngài.
Buổi lễ Trai tăng nầy, được các chùa thực hiện vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hằng năm, sau khi chư Tăng Ni làm lễ Tự Tứ mãn hạ. Từ đó, mới có lễ Trai tăng truyền thống nầy. Do cớ đó, nên người Phật tử mỗi khi trong thân quyến của họ có người thân qua đời, (thông thường đến 49 ngày cúng chung thất), thì họ thường hay thiết lễ Trai tăng ở trong chùa hoặc ở tại nhà (thường là tổ chức Trai tăng ở chùa nhiều hơn, vì có nhiều tiện lợi) để cầu siêu độ cho người quá cố. Như vậy, buổi lễ nầy, những phẩm vật mà người phật tử dâng lên cúng dường chỉ riêng chư Tăng Ni hiện tiền được quyền hưởng dụng. Nói rõ ra, những tài vật nầy là thuộc quyền sở hữu cá nhân của những vị có mặt trong buổi lễ Trai tăng đó thôi.
Điều nầy, không có liên hệ gì đến phần cúng dường Tam Bảo như đã nói ở trên. Phần trên là phần chung, thập phương tăng đều có quyền hưởng dụng. Còn phần nầy là phần riêng của mỗi người. Mặc dù trong Tam Bảo có cúng dường tăng, nhưng đây cũng là của chung của Tam Bảo mà chư Tăng Ni không có quyền xử dụng tài vật đó cho riêng mình, ngoại trừ Phật tử ủng hộ riêng thì được. Đó là điểm khác biệt giữa cúng dường Tam Bảo và cúng dường Trai Tăng đại khái là như thế.