SỐ GIỚI LUẬT PHẢI THỌ NHẬN CỦA TU SĨ THEO PHẬT GIÁO BẮC TÔNG VÀ NAM TÔNG CÓ KHÁC NHAU KHÔNG?

0
434

Sau khi đức Phật qua đời (tịch diệt), việc kết tập kinh điển rất lâu sau mới được đặt ra. Việc thu thập lại toàn bộ giáo lý Phật giáo được phân loại thành ba phần lớn Kinh điển, Giới luật và Luận giải, được gọi chung là Tam Tạng kinh điển (tripitaka).

Phần Giới luật, có rất nhiều loại dành riêng cho từng hệ phái. Đối với Phật giáo thuộc hệ phái Nam tông, tuân theo giáo huấn lúc còn sinh thời của đức Phật Thích Ca, tăng sĩ, 20 tuổi trở lên, thọ Tỳ kheo giới theo Phật giáo Nam tông là thọ nhận bốn giới và 227 điều cấm. Ngày nay, sư sãi Khmer theo Phật giáo Nam tông cũng theo luật này. Sa Di từ 19 tuổi trở xuống, giữ 30 điều cấm.

Trong Luật Tỳ kheo của Phật giáo Bắc tông, tăng sĩ thọ Tỳ kheo giới, còn gọi là Cụ túc giới phải thọ nhận 250 giới cấm. Một tỳ kheo ni phải thọ 348 giới.

Sự khác biệt này, một phần xuất phát từ hai quan niệm khác nhau về tính cách và phạm vi truyền bá Phật pháp. Là một vị tu sĩ xuất gia, là “tự tu, tự độ”, tức áp dụng giáo lý của Phật mà giác ngộ, chuyển hóa chính tư tưởng của mình. Còn những tu sĩ xuất phát từ quan niệm “tự giác, giác tha”, tức bản thân mình đã giác ngộ rồi, còn phải làm cho nhiều người cùng hiểu, cùng giác ngộ. Người tu chọn đường hướng này mà y theo hành động, tức là đã chọn công việc nặng nề, rộng lớn, ví nhu một cỗ xe lớn, chở nặng, nên còn gọi là Đại thừa. Chính nhiệm vụ rộng lớn đặt ra cho người tu sĩ lấy tinh thần tự giác, giác tha làm trọng, mà trong lịch sử đã hình thành phái Đại thừa và từ đó cũng phân chia ra hai phái Tiểu thừa, Đại thừa. Tiểu thừa là cỗ xe nhỏ, chuyên chở ít, đại thừa là cỗ xe lớn, chứa nhiều hơn, nặng hơn.

Ngày nay, quan niệm về sự khác biệt giữa hai tông phái Tiểu thừa và Đại thừa, xét về trách nhiệm hoằng hóa Phật pháp là không đặt ra. Nhiều nhà khoa học cũng như các bậc tu sĩ thuộc hai hệ phái đều cho rằng, nếu chỉ xét về mức độ hoằng hóa rộng hay chỉ tự độ lấy bản thân, thì khái niệm Tiểu thừa và Đại thừa không còn phù hợp nữa. Tất cả mọi tu sĩ, dù thuộc hệ phái Bắc tông hay Nam tông, đều cảm nhận được rằng, sau khi đã giác ngộ giáo lý nhà Phật, thì việc trao truyền cho người xung quanh là cần thiết, cho dù là hệ phái nào. Bởi vì tinh thần từ bi, bác ái, yêu thương mọi người, mọi loài là tư tưởng cốt tủy của đạo Phật. Từ quan niệm này mà các tu sĩ theo Phật giáo Bắc tông, song song với việc thọ nhận 250 giới, còn thọ thêm Bồ tát giới, nhằm tạo điều kiện cho tu sĩ Bắc tông có thể giúp đỡ, hỗ trợ cho nhiều ngời, nhiều giới, nhiều thành phần khác nhau trong xã hội mà không bị vi phạm giới luật đã đặt ra đối với người tu sĩ.

Như vậy, tùy theo hệ phái Bắc tông hoặc Nam tông mà một số người tu sĩ muốn trở thành một vị tỳ kheo phải thọ nhận số giới luật khác nhau. Sự khác biệt này thể hiện đặc trưng riêng của từng phái, chứ tư tưởng từ bi, bác ái, vẫn là tư tưởng cốt tủy của Phật giáo và là bản thể tuyệt đối.