QUỈ LA-SÁT GIẢ

0
159

Xưa nước Càn-đà-vệ (Gandhàra) có bọn con hát nhân thời đói kém họ rủ nhau đi sang nước khác kiếm ăn. Đi qua núi Bà-la-tân là núi có rất nhiều quỉ dữ La-sát ăn thịt người.

Bọn con hát tới đây tối phải ngủ đêm dưới chân núi, gió rét đốt lửa sưởi. Trong bọn con hát ấy có một người rét quá không ngủ được, mới dậy lục rương áo trò, lấy cái áo mang hình quỉ La-sát mặc vào, ngồi trông vào đống lửa, sưởi ấm. Có một người ngủ tỉnh dậy trông ra đống lửa thấy quỉ La-sát ngồi sưởi, sợ quá, không xét-nét ra sao vùng dậy chạy, làm kinh-động cả những người đang ngủ; những người đang ngủ cũng nhổ dậy chạy hết. Người mặc áo quỉ La-sát không hiểu sao cũng chạy theo sau. Những người đồng-hành thấy quỉ La-sát theo sau cho là nó muốn làm hại mình càng sợ, chạy vượt qua sông, núi, trụt ngã cả xuống hang-hố, thân-thể sây-sát, mỏi-mệt quá và, mãi đến sáng mới biết là không phải quỉ!

Phàm-phu cũng thế, ở trong phiền-não đói-thiếu thiện-pháp, muốn đi xa tìm thực-pháp vô-thượng: thường, lạc, ngã, tịnh nhưng, đối với tấm thân ngũ-uẩn này chấp càn là “có ta”, vì “ngã kiến” (tư-tưởng chấp cái ta) nên phải lăn-lộn trong sinh-tử, bị phiền-não đuổi theo không được tự-tại, sa rơi vào hang-hố của ba đường ác: địa-ngục, ngã-quỉ, súc-sinh. “Đến sáng” dụ cho đêm sinh-tử đã hết, ánh-sáng trí-tuệ tỏ-lộ mới biết ngũ-uẩn không có chân-ngã.