Quá khứ, hiện tại, vị lai tâm?

0
191

Hỏi:
Xin Thầy giảng câu “quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc”?

Đáp:
Trong Thiền tông có công án Đức Sơn Phản (người hỏi đạo vào cửa, cây gậy liền đập trên đầu): Đức Sơn lúc chưa tham thiền là một Pháp sư rất danh tiếng, nhất là về kinh Kim Cang mà ngài thông suốt hết, có làm sớ giải kinh Kim Cang, tự cho mình hay hơn mọi người, mọi người cũng biết Ngài giảng kinh Kim Cang rất hay. Ngài họ Châu, nên người ta gọi là Châu Kim Cang.
Ngài ở miền bắc Trung Quốc, nghe người tham thiền ở miền nam chỉ tham câu thoại đầu được ngộ, hay do cơ xảo của Tổ sư làm cho ngộ; trong tâm rất giận, Ngài nói “muôn kiếp học oai nghi và tế hạnh của Phật, làm sao người tham thiền nói sát na thành Phật? Bây giờ tôi phải đi tảo thanh những người ấy mới được”. Rồi Ngài gánh sớ giải kinh Kim Cang từ miền bắc xuống miền nam, đến nửa đường gặp bà già bán điểm tâm hỏi mua.

Bà già hỏi: Ngài gánh gì vậy?
Đức Sơn đáp: Sớ Giải Kinh Kim Cang.
Bà già hỏi: để làm gì?
Đức Sơn đáp: Dạy người ta tu thành Phật.
Bà già nói: nếu Ngài trả lời được thì tôi cúng dường điểm tâm, trái lại không trả lời được thì tôi không cúng dường và cũng không  bán!
Đức Sơn đáp: xin bà cứ hỏi.
Bà già nói: Trong kinh Kim Cang nói “quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc”, xin hỏi Thượng tọa muốn điểm tâm nào?
Đức Sơn không trả lời được, mặt đỏ hết, ban đầu muốn đi tảo thanh những người tham thiền; nhưng gặp bà già hỏi không trả lời được, Ngài gánh sớ giải Kim Cang trở về, không đi miền nam nữa. 
Bà già gọi lại và nói: Tôi giới thiệu Ngài đến Thiền sư Sùng Tín sẽ có ích lợi.
Sau này Ngài được ngộ, rồi dùng cây gậy độ người rất có danh tiếng, nên gọi là Đức Sơn phản.

Ba câu này là phá chấp thời gian (quá khứ, hiện tại, vị lai). Không gian, thời gian, số lượng là ba danh từ, nhưng chúng sanh cho đến nhà khoa học, triết học đều chấp thật. Chấp thật ba danh từ nên bị ba danh từ này trói buộc, không được tự do tự tại. Sự thật ba danh từ này là cái gì? Chỉ là ba khái niệm ở trong vọng tâm của mọi người. Thời gian, không gian và số lượng đều không có bản thể, chỉ là tên gọi. 

Vũ trụ không có ba khái niệm này thì phải sụp. Vũ trụ ví như một căn nhà, ba khái niệm là ba cột nhà; nếu ba cột nhà rút ra thì căn nhà liền sụp. Như tôi ngồi đây, nếu rời khỏi ba khái niệm này thì không có tôi. Tại sao? Chỗ ngồi của tôi là không gian, năm nay tôi 68 tuổi, 68 là số lượng, tuổi là thời gian. Ba khái niệm này rút ra thì tôi ở đâu? Vì nhờ ba khái niệm nên có tôi đây.
Bây giờ, mọi người đều bị ba khái niệm này trói buộc. Cho nên, Thiền tông kiến tánh là đập bể hư không là phá khái niệm không gian. “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc” là phá khái niệm thời gian. Giáo môn nói “nhứt niệm muôn năm, muôn năm nhứt niệm” là phá khái niệm số lượng.

Người kiến tánh là phá khái niệm không gian thì khái niệm thời gian và số lượng cũng tan rã. Kinh Lăng nghiêm nói “người phát chân quy nguyên thì tất cả vũ trụ đều tiêu diệt”, cũng là phá khái niệm không gian.