Quả Báo Giết Hại, Gặp Nạn Binh Đao

0
192

Vào đời vua Tống Huy Tông, giặc ngoại xâm từ phương bắc thường đánh vào Trung Nguyên, đi đến đâu cũng đốt phá, giết hại dân thường. Tuy nhiên, chỉ thấy riêng một trấn An Dương là bị giết hại tàn phá thê thảm nhất.

Về sau có một vị tăng tu tập định lực cao thâm, có thể quán chiếu rõ biết nguyên nhân sự việc. Dân chúng nhiều người thưa thỉnh, vị ấy liền nhập định quán chiếu rồi nói: “Dân vùng ấy trước đây tạo nghiệp giết hại rất nặng, nên nay chiêu cảm nghiệp báo phải bị giết hại thê thảm cũng chính tại nơi ấy. Nhưng nghiệp báo đến nay chưa dứt, e rằng toàn dân vùng ấy vẫn còn chưa được an ổn.”

Sau đó liên tiếp nhiều năm binh lửa, người dân vùng ấy nhiều lần bị thảm sát, quả nhiên cuối cùng không một ai sống sót.

Người đời thấy kẻ chài lưới bắt được con cá to thì vỗ tay tán thưởng, đâu biết rằng đang kết thêm một mối oán cừu. Nhìn thấy con vật bị bắt mà khởi lòng thương xót lập tức tìm cách giải cứu, e rằng vẫn còn không kịp, huống chi lại còn tán thưởng, ưa thích? Tán thưởng việc ấy là ngợi khen sự giết hại; ưa thích việc ấy là vui mừng với sự giết hại. Dùng trí tuệ mà quán xét thì đó đều là những hạt giống gây nạn binh đao về sau.