Phương Tiện Lễ Nhạc

0
258

HỎI: Tôi tụng Lương hoàng sám pháp, có đoạn nguyện“tai không nghe tiếng chuông, linh, ốc, trống, cầm, sắc, không hầu, lâm, lang, ngọc bội làm mê hoặc chúng sanh”. Vậy tại sao trong các nghi lễ thuộc Phật giáo Bắc tông tôi lại thấy có dùng chuông, linh, ốc, trống, kèn, đàn, tán tụng…? Như vậy có làm mê hoặc chúng sanh? Mong quý Báo giải thích cho tôi rõ hơn về vấn đề này.

(ĐỨC TRUNG, trungphanc@yahoo.com.vn)

ĐÁP: Bạn Đức Trung thân mến!

Ai cũng biết rõ về những tác dụng đa chiều của âm nhạc đối với đời sống con người. Âm nhạc chân chính sẽ khiến thăng hoa tinh thần, thư giãn, giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, giúp người nghe phấn chấn, tin tưởng, yêu đời và vui sống hơn. Ngược lại, một số loại hình âm nhạc có tính kích động làm cho cuồng loạn, hoặc khiến người nghe sầu thảm, u mê, muốn tự sát. Trong nhiều tôn giáo và tín ngưỡng, âm nhạc có vai trò kết nối con người với thần linh, giúp con người hòa nhập làm một với các đấng thiêng liêng.

Đạo Phật tuy không phủ định các giá trị tích cực của âm nhạc nhưng có giới luật Không ca hát và cố ý xem nghe. Bởi âm nhạc luôn “mê hoặc chúng sanh”, chìm đắm hoặc vướng mắc vào thanh trần đều trở ngại cho chánh niệm. Người đệ tử Phật nguyện “tai không nghe tiếng chuông, linh, ốc, trống, cầm, sắc, không hầu, lâm, lang, ngọc bội…” nhằm giữ tâm chánh niệm, không để cho tham ái thanh trần xâm chiếm, chế ngự tâm mình.

Ngoài việc bảo lưu giới luật Không ca hát và cố ý xem nghe, Phật giáo Bắc tông có quan niệm dùng âm nhạc để cúng dường Tam bảo, lấy âm nhạc làm phương tiện để hướng chúng sinh vào đạo. Chúng sinh vốn mê âm nhạc, nên lễ nhạc Phật giáo Bắc tông mượn phương tiện này để thức tỉnh và trao truyền đạo lý cho người sơ cơ gọi là “dĩ huyễn độ chơn”. Tuy nhiên, sử dụng phương tiện thì linh động “tùy duyên” mà luôn “bất biến”, phải làm chủ phương tiện vì nó là con dao hai lưỡi. Nếu không hiểu rõ phương tiện, sử dụng lâu ngày rồi nhầm là cứu cánh khiến mình và người đều bị mê hoặc thì thật không nên.

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn