Phóng Sinh Được Phúc

0
228

Vi Trần

Ngày xưa tại Tô Châu (Trung Quốc) có một người tên Vương Đại Lâm. Suốt đời ông yêu thương các loài vật và phóng sinh ròng rã suốt mười năm trời.

Hễ thấy những đứa trẻ trong làng bắt được các loài chim cá ông liền xuất tiền ra mua chúng phóng sinh, lại còn khuyên can: “Này các cháu, trăm nghìn lần không nên giết hại. Các cháu có thấy những con chim nhỏ ở trong rừng không? Nó đang vui thú biết bao, nhưng sau khi bị bắt thì cha mẹ nó sẽ xót xa, đau đớn muôn phần. Con cá trong nước cũng vậy. Nó đang vui vẻ, bơi qua bơi lại trông thật đẹp. Vậy thì sao lại nỡ bắt nó, khiến cho nó phải chịu những nỗi oan khổ? Do đó, các cháu không nên giết hại chúng”.

Các em nhỏ về nhà thuật lại những lời lẽ ấy với cha mẹ, khiến các bậc phụ huynh của chúng cũng rất cảm động tán thành.

Một ngày nọ, Vương Đại Lâm đột nhiên lâm bệnh rồi qua đời. Trong lúc chết, ông mơ màng nghe tiếng nói của thần linh, nửa tin nửa ngờ, vị thần bảo: “Này Vương Đại Lâm, vì hàng ngày ông ăn chay, phóng sinh nên ta cho ông hưởng thọ thêm ba mươi năm nữa”.

Đến chừng tỉnh lại, hóa ra đó là một giấc mộng mà bệnh ông cũng dần dần bình phục.

Về sau, Vương Đại Lâm sống đến 97 tuổi, năm đời cùng sống chung một nhà, con cháu đều thành danh, rạng rỡ. Được như vậy là nhờ hưởng phước báu của sự phóng sinh.

(Theo Sự tích cứu vật phóng sinh)

—o0o—

BÀI HỌC ĐẠO LÝ

Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang hủy hoại sinh thái tự nhiên, gặm nhấm dần sự sống của các loài sinh động vật và đe dọa đời sống con người. Các tổ chức bảo vệ môi trường, bảo tồn động vật quý hiếm đã hoạt động bền bỉ và liên tục kêu gọi các nỗ lực cứu hành tinh xanh khỏi thảm họa diệt vong do chính con người gây ra.

Trong đó, thực tập ăn chay và phóng sinh theo Phật giáo là một trong những biểu hiện và đóng góp cụ thể vào công cuộc bảo vệ môi trường.

Thực hành phóng sinh, trước là vì thương chúng sinh. Chúng ta ai cũng tham sống sợ chết, muốn sống an vui và tự do tự tại. Những người khác, các loài khác cũng đều như vậy nên ta phải tôn trọng và yêu thương họ như chính mình mà không nỡ sát hại, giam cầm.

Quan trọng hơn, giữa chúng ta và mọi loài cùng thế giới xung quanh đều có quan hệ mật thiết, ảnh hưởng và tác động lẫn nhau không thể tách rời. Thấy được mối quan hệ “trùng trùng duyên khởi” này là một tuệ giác lớn để thiết lập hòa bình và sống chung an lạc.

Một thời nhân loại đã cạn cợt nghĩ rằng trời sinh ra loài vật để phục vụ con người (vật dưỡng nhân) và bắt thiên nhiên phải phục vụ con người nên tha hồ tàn sát động vật cùng khai thác thiên nhiên đến cạn kiệt.

Đến khi thiên nhiên chịu hết xiết liền nổi giận và hạn hán, lũ lụt, bão tố, động đất, sóng thần v.v… đã xảy ra đe dọa sự sống con người.

Nhận thức được điều này, người Phật tử nguyện không giết hại, bảo vệ sự sống bằng cách ăn chay và phóng sanh đồng thời luôn luôn răn nhắc, động viên con cháu cùng mọi người biết trân quý, tôn trọng và bảo vệ sự sống của mọi người, mọi loài.

Đức Phật từng dạy người nào hiện đời khỏe mạnh, sống lâu, ít ốm đau hoạn nạn chính nhờ các nhân lành đã gieo trồng như không giết hại, ăn chay và phóng sinh.

Chuyện lão ông họ Vương nhờ phóng sinh mà được phúc báu hết bệnh hiểm nghèo lại còn chuyển nghiệp được tăng thêm tuổi thọ, con cháu sum vầy là điều đáng để chúng ta suy gẫm, học tập và noi theo.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here