Phóng Sanh & Ăn Chay

0
332

HỎI :Nhận thấy đạo Phật có phương thức tu tập phóng sanh, nhất là vào các dịp lễ hoặc khi cá nhân có duyên sự thì phóng sanh chim cá rất nhiều, nên không ít người đã đánh bắt chim cá (đem vào chua hoặc gần chùa) bán cho Phật tử phóng sanh. Chúng tôi biết có một số người đã dùng thủ đoạn tàn ác nhổ bớt lông một bên cánh chim hay cắt bớt một bên vây của cá nên khi phóng sanh xong rồi chim không bay xa được, cá cũng không bơi lặn sâu được nên người ta bắt lại chúng một cách dễ dàng. Và như thế những sinh vật ấy dù được người phóng sanh, thả về thiên nhiên mà phần lớn vẫn không thoát chết.
Do đó chúng tôi nghĩ rằng, tu tập phóng sanh không nhất thiết phải mua con này con kia thả ra mà có thể thay thế bằng một hình thức khác như ăn chay chẳng hạn. Bởi ăn chay tức là đã phóng sanh rồi, và nếu ta không mua chim cá phóng sanh thì họ không mang vào chùa bán tất chùa chiền sẽ được trang nghiêm.
Trên đây là ý kiến của chúng tôi về việc phóng sanh, kính mong quý Báo và bạn đọc chia sẻ thêm.
(QUẢNG HUỆ, Thị trấn Phú Hòa, Chưpăh, Gia Lai;
thanhyen05…@yahoo.com
)

ĐÁP: Bạn Quảng Huệ và thanhyen… thân mến!

Bàn về vấn đề phóng sanh, cách đây không lâu, chúng tôi đã có bài đăng trong mục Tư vấn, báo GN và hiện được tập thành trong sách Phật pháp bách vấn (tập II, Nxb Tôn Giáo, 2007, tr.86). Vì thế, các bạn có thể tìm đọc thêm ở tác phẩm này để hiểu cặn kẽ hơn về những vấn đề liên quan đến phóng sanh theo quan điểm Phật giáo.

Phóng sanh và ăn chay, theo chúng tôi, đây là hai lĩnh vực khác biệt nhau dù chúng có liên hệ mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau. Phóng sanh có nghĩa là tự mình hoặc mình cùng với người tìm cách phóng thích, giải phóng cho những chúng sanh đang bị giam cầm, trói buộc; cứu giúp, giải thoát các chúng sanh đang kề cận hiểm nguy sanh tử, vượt qua tai ách. Do vậy, phóng sanh là một trong những biểu hiện của tu tập đại bi (bi năng bạt khổ), một hành vi cứu khổ thiết thực, giúp chúng sanh vượt thoát hiểm nguy và hoạn nạn để đạt đến an vui. Còn ăn chay là không ăn thịt và các thực phẩm được chế biến từ động vật, một hình thức tôn trọng và bảo vệ sự sống của muôn loài. Tuy nhiên, ăn chay không phải là hình thức can thiệp trực tiếp để giải cứu, giải thoát cho chúng sanh thoát khỏi tai ach như phóng sanh. Do đó, không nên xem “ăn chay tức là đã phóng sanh rồi” mà lý tưởng là đã ăn chay rồi thì nên cần phóng sanh để trợ duyên thêm.

Chúng tôi đồng ý với lập luận rằng tu tập phóng sanh thì “không nhất thiết phải mua con này con kia thả ra” vì đối tượng được phóng sanh rất rộng lớn, bao gồm tất cả chúng sanh. Nên khi người Phật tử chọn mua chim cá để phóng sanh chỉ mang ý nghĩa biểu trưng và cũng vì chim cá là những sanh vật dễ mua để phóng sanh hơn các loài khác. Trong khi phóng sanh có ý nghĩa cao cả nhất là hướng đến đối tượng con người, tức nỗ lực cứu thoát con người ra khỏi oan ức, tù đày, áp bức hay cứu vớt con người thoát kiếp nô lệ, nợ nần v.v… Trong ý nghĩa này, người con Phật và nhân loại tiến bộ trên thế giới đang nỗ lực “phóng sanh” bằng cách đấu tranh không ngừng với bản thân và xã hội nhằm kiến tạo dân chủ, công bằng và văn minh.

Ngoài ra, trong cuộc sống hang ngày, khi phát hiện các sinh vật bị mắc nạn (từ loài nhỏ như sâu kiến cho đến loài chim, thú lớn như cá voi) thì lập tức ta khởi từ bi tìm cách giải thoát cho chúng, đưa chúng trở về với môi trường tự nhiên… những việc lam như thế là phóng sanh.
Như vậy, đối tượng phóng sanh không chỉ là chim cá đồng thời không cần và không nên thay đổi phương thức tu tạo phước điền thông qua pháp phóng sanh. Tuy nhiên đối với vấn đề, ở một số chùa viện hiện nay đang bị một số người lợi dụng lòng từ bi bày bán chim cá phục vụ cho phóng sanh làm mất vẻ tôn nghiêm, theo chúng tôi cần phải tăng cường giáo dục để ngăn chặn, chuyển hóa. Đầu tiên, khi Phật tử có tâm nguyện mua các loài vật để phóng sanh thì phải ra chợ, không nên mua chim cá phóng sanh được thương lái mang đến bán ngay trong chùa hoặc gần chùa. Vì sao? Các loài vật bị đem bán ngoài chợ với mục đích làm thực phẩm cho con người (người bán không có ý phục vụ cho việc phóng sanh), sẽ bị giết thịt trong nay mai nên chúng cần được phóng sanh, giải cứu. Mặt khác, nếu nhân đi chùa lễ Phật nên gặp người bán chim cá và tiện thể mua phóng sanh luôn, việc làm này không thể hiện được tâm thành và một khi tâm không thành thì nguyện khó được như ý. Do vậy, để thể hiện tâm thành, người phóng sanh phải đi mua, không ràng buộc bởi số lượng nhiều hay ít mà chỉ tùy tâm và thành tâm. Sau đó mang đến chùa nhờ chư Tăng chú nguyện rồi phóng sanh mới đúng pháp và gặt hái được phước báo trọn vẹn. Nhận thức được như vậy, bản thân mình không mua chim cá phóng sanh được mang đến bán tại chùa đồng thời luôn nhắc nhở và kêu goi những đạo hữu khác làm theo và quan trọng nhất là sự kiên quyết dẹp trừ cảnh mua bán chim cá trong khuôn viên chùa của những vị trụ trì các tự viện.

Rất nhiều chùa viện hiện nay, do sự kiên trì vận động, giáo dục của cac vị trụ trì mà nạn bán hàng rong, bán nhang đèn, bán sách bói toán, bán chim cá phóng sanh được giải quyết triệt để. Đành rằng chùa viện là của chung, nơi lui tới của bá tánh thập phương nhưng các phương diện liên quan đến một ngôi tự viện phần lớn thuộc về trách nhiệm của vị trụ trì. Trong Phật giáo, từ bi luôn đi liền với trí tuệ, vì thế không nên để một số người lợi dụng lòng tốt để làm điều phi pháp, mất trang nghiêm. Dung túng cho họ buôn bán cá chim, một mặt phương hại đến mỹ quan chùa viện và mặt khác không giúp họ chuyển hóa bất thiện nghiệp. Vì thế, chư vị trụ trì, Tăng Ni và Phật tử cần hợp sức với Giáo hội địa phương để chuyển hóa, dẹp trừ nạn bán cá chim nơi cửa thiền nhằm trang nghiêm chùa viện.

Chúc các bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn