Phất Trần

0
290

HỎI:Chúng tôi thấy di ảnh các tổ sư, thiền sư và chư vị hòa thượng thường cầm phất trần trên tay và trong một số nghi lễ Phật sự khác chư vị hòa thượng cũng cầm phất trần. Xin cho biết khái quát về nguồn gốc và ý nghĩa của loại pháp khí phất trần này. Có ý kiến cho rằng, phất trần là một loại pháp khí có nguồn gốc từ Đạo giáo ở Trung Quốc, điều ấy đúng không? (TRẦN LÂM, Cát Hải, Phù Cát, Bình Định; baodinh…@ ymail.com)

ĐÁP: Bạn Trần Lâm và baodinh… thân mến!

Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, Phất trần, Phạn ngữ Vyajana, Hán ngữ dịch là Phất tử, Phất, Chủ vĩ. Phất trần nguyên là cây chổi quét bụi, đuổi muỗi mòng, là một trong những vật tùy thân của các Tỷ kheo ở Ấn Độ. Đức Phật thiết định giới luật cho phép các Tỷ kheo mang theo phất trần bên mình để xua đuổi sự quấy nhiễu của muỗi mòng.

Hữu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sư, quyển 6 quy định nguyên liệu để sử dụng làm phất trần cho các Tỷ kheo gồm: Lông dê, gai vải bông xé nhỏ, vải hoặc vật cũ rách, nhánh cây, ngọn cây. Tuy nhiên, không dùng các nguyên liệu quý giá để làm phất trần như bạch phất (phất trần màu trắng) mà các bậc trưởng giả thường dùng, được làm từ lông ngựa trắng hay lấy từ lông đuôi của trâu trắng (camara) quý hiếm sống ở Hy Mã Lạp Sơn.

Về sau, trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền, các Tỷ kheo cũng sử dụng phất trần nhưng với hình thức của bạch phất và mang nhiều ý nghĩa biểu trưng như một pháp khí.

Các kinh luận Phật giáo Bắc truyền thường mô tả chư vị Bồ tát hay các bậc trưởng giả tay cầm bạch phất. Theo Đà La Ni Tập Kinh, Bồ tát Quán Thế Âm tay trái cầm  bạch phất, Bồ tát Phổ Hiền tay phải cầm bạch phất. Khi Đức Phật lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp để hóa độ mẹ trở về, Phạm Thiên tay phải cầm bạch phất đứng hầu bên phải. Trong tay thứ 40 của Thiên Thủ Quán Âm (Quán Âm ngàn tay) cầm cây bạch phất, biểu trưng cho việc tẩy trừ phiền não và xua tan các chướng nạn.

Theo Tôn Thắng Phật Đảnh Tu Du Già Pháp Quỹ Nghi, quyển Thượng, chư vị hành giả Mật tông, mỗi khi đi đường thường mang theo cây bạch phất, trì tụng chân ngôn để làm phương tiện độ sinh, nếu gặp súc sinh thì dùng phất trần màu trắng phất lên mình nó khiến cho nó lìa khổ, được giải thoát. Trong các đàn tràng truyền pháp quán đảnh của Mật giáo, phất trần cùng với quạt báu là những loại pháp khí quan trọng, biểu trưng cho sự xua tan phiền não, dẹp tan các chướng nạn.

Các thiền sư Trung Quốc rất chuộng dùng bạch phất làm vật trang nghiêm. Khi thượng đường thuyết pháp cho đại chúng, vị phương trượng thường cầm phất trần, lúc này phất trần tượng trưng cho sự thuyết pháp. Vị trụ trì hoặc các vị chức sự trong chùa khi thượng đường để xử lý công việc cũng cầm phất trần, gọi là bỉnh phất. Có năm chức sự được sử dụng phất trần gọi là Bỉnh phất ngũ đầu thủ gồm: Tiền đường Thủ tọa, Hậu đường Thủ tọa, Đông tạng chủ, Tây tạng chủ và Thư ký. Trong trường hợp người thị giả của chư vị hòa thượng cầm phất trần đứng hầu ở phía sau thì gọi là Bỉnh phất thị giả.

Về sau, tại những nước theo Phật giáo Bắc truyền như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, phất trần là một loại pháp khí quan trọng được sử dụng rộng rãi trong thiền môn và các Phật sự như pháp hội, đàn tràng quán đảnh, các nghi thức an táng…

Như vậy, phất trần là một pháp khí của chư Tăng có nguồn gốc ở Ấn Độ, với chức năng như một vật tùy thân cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho đời sống du hành. Sau khi Phật giáo truyền sang Trung Quốc, phất trần là pháp khí biểu tượng cho sự tu tập đoạn trừ phiền não, chướng nạn đồng thời là vật trang nghiêm của các bậc cao tăng trong khi thực thi pháp sự. Và như thế, phất trần không phải là pháp khí có nguồn gốc từ các đạo sĩ Đạo giáo ở Trung Quốc.

Nguồn: giacngo.vn