Pháp tổng hợp và phân tích?

0
228

Hỏi:
Trong các bộ kinh của Phật pháp, như các kinh: Bát Nhã Ba La Mật, Diệu Pháp Liên Hoa, có phải được viết với hình thức và nội dung bằng những phương pháp tổng hợp và phân tích. Kính mong Thượng tọa giải thích chứng minh cụ thể?

Đáp:
Phật thuyết pháp theo khế cơ, tức là khế hợp đương cơ; cho nên tiếng phạn gọi là Tu đa la, dịch nghĩa chữ Hán là khế cơ. Chữ khế là khế hợp đương cơ (những người nghe). Có cái đối với Tiểu thừa mà thuyết, có cái đối với phàm phu mà thuyết, có cái đối với ngoại đạo mà thuyết; không phải có nghĩa tổng hợp. Thật ra không có một pháp nào gọi là Phật pháp, nên kinh Kim Cang nói “không có pháp nhất định để cho Như lai thuyết, ai nói Phật có thuyết pháp là người ấy phỉ báng Phật”. 

Nghe như vậy thấy mâu thuẩn quá! Chính kinh Kim Cang của Phật thuyết, tại sao nói Phật có thuyết pháp là phỉ báng Phật? Vì không có một pháp nào gọi là Phật pháp, chỉ do chúng sanh có bệnh thì Phật lập ra thuốc để trị. Nếu bệnh hết thì thuốc phải bỏ, nên kinh Kim Cang nói “ pháp của ta như chiếc bè để qua sông, đến bờ phải bỏ bè”. Vì dùng chiếc bè tạm thời để qua sông, không phải chiếc bè là chân lý, khi đến bờ thì chiếc bè không còn tác dụng nữa. 
Cho nên không có ý tổng hợp, chỉ là chúng sanh chấp cái này thì Phật phá cái này, chúng sanh chấp cái kia thì phá cái kia; tùy theo bệnh chấp của chúng sanh mà phá chấp, chứ không phải có pháp nhất định để cho Phật thuyết. Nếu chúng sanh chấp Phật thì Phật phá Phật, chúng sanh chấp Bồ tát thì Phật phá Bồ tát. Vì vậy, Thiền tông nói “ma đến chém ma, Phật đến chém Phật”. Chém Phật là không phải chém đức Phật mà chém tâm chấp Phật; chứ không phải phỉ báng Phật hay khinh Phật, nên nói là chém Phật.