Pháp sư Ðăng
Pháp sư Đăng sống vào đời Tùy, khi giảng kinh Niết-bàn ở chùa Hưng Quốc, Tịnh Châu thường khuyên những người đến nghe kinh niệm Phật cầu vãng sinh.
Vào niên hiệu Khai Hoàng năm thứ 12, ngài lâm chung, có mùi hương lạ tỏa lan khắp phòng. Đến lúc nhập quan lại có mây lành và hương thơm ở khắp quanh vùng.
Hòa thượng Thiện Ðạo
Hòa thượng Thiện Đạo sống vào đời Đường. Trong khoảng niên hiệu Trinh Quán, gặp được đạo tràng Cửu Phẩm của thiền sư Đạo Xước ở Tây Hà, hết sức vui mừng ngợi khen rằng: “Đây mới quả thật là pháp môn tiếp dẫn trọng yếu để được về nước Phật.”
Từ đó ngài nỗ lực tu tập, ngày đêm hành trì lễ bái tụng kinh. Mỗi khi ngài nhập thất, quỳ gối niệm Phật đến kiệt sức mới thôi, bất kể thời tiết rét buốt hoặc nóng bức. Lúc đi ra ngoài thì ngài luôn vì người khác giảng pháp Tịnh độ. Ngài tinh tấn như vậy, trong hơn ba mươi năm chưa một lần nào rơi vào trạng thái hôn trầm. Mỗi khi gặp món ăn ngon, ngài mang trả lại nhà bếp để dành cho người khác, còn tự mình chỉ dùng những món ăn đơn sơ, thô kém. Có người cúng dường tịnh tài, ngài sử dụng tất cả vào việc chép kinh A-di-đà, được mười vạn quyển, lại thực hiện các bức vẽ hình tướng Phật và các tích truyện được ghi chép trong Kinh điển, trước sau được ba trăm bức. Những người được Hòa thượng giáo hóa theo về pháp môn Tịnh độ rất đông. Trong số đó có những người tụng kinh A-di-đà lên đến mười vạn lần, hoặc đến năm mươi vạn lần; có người hành trì niệm Phật mỗi ngày đến một vạn Phật hiệu, có người niệm đến mười vạn Phật hiệu. Lại có những người chứng đắc Niệm Phật Tam-muội, có những người được vãng sinh Cực Lạc… số lượng rất nhiều, không thể ghi chép hết.
Hòa thượng có bài kệ khuyên người đời như sau:
Ngày qua ngày da nhăn tóc bạc,
Tháng năm tàn gối mỏi chân run.
Ví như được đầy nhà vàng ngọc,
Cũng làm sao tránh được bệnh suy?
Cứ xem như hưởng muôn khoái lạc,
Cuối cùng rồi chẳng khỏi vô thường.
Chỉ một đường tu hành thẳng tắt,
A-di-đà một niệm thoát trần.
Một ngày nọ, ngài không bệnh, bỗng nhiên nói với mọi người: “Thân xác này thật đáng chán lìa. Nay ta về Tây phương Cực Lạc.” Nói rồi trèo lên cây liễu cao mà thị tịch.
Vua Đường Cao Tông nghe biết sự việc, ban tặng cho ngôi chùa nơi ngài tu tập một tấm biển ngạch lớn đề hai chữ “Quang Minh”.