Đế Quân kể rằng: Ta thấy nhà Tần[i] trị dân theo lối tàn khốc, xem dân như cỏ rác, liền tấu trình lên Ngọc Đế, xin được hóa thân xuống trần thế để dẫn dắt thiên hạ trong chốn lầm than, đưa người người đến chỗ an cư lạc nghiệp.
Ý trời khó biết, lại khiến ta làm người nối dõi của Xích Đế Tử.[ii] Uy trời đáng sợ, ta không dám cưỡng mệnh. Chợt có vị Đại thần Cửu Thiên Giám Sanh đến buộc ta phải thác sanh xuống trần thế ngay. Giữa điện Vân Tiêu, ta nhìn xuống thấy lửa cháy thiêu cung A Phòng của nhà Tần đã tàn rụi, trong cung điện mới lại thấy Hán Đế vừa cùng Thích Cơ gặp gỡ thân mật. Đại thần Giám Sanh bảo ta: “Đó chính là Xích Đế tử.” Ta vừa đưa mắt nhìn cho rõ, liền bị Đại thần Giám Sanh đẩy xuống.[iii] Ta ngã nhào, rơi xuống bên cạnh Hán Đế, nhằm bụng Thích Cơ.[iv] Hốt nhiên đến lúc nhận biết thì đã thành người.
Hán Đế từ lúc sinh ta, được cùng ta thần cốt tương tợ nên hành vi cử chỉ đều lộ vẻ phi phàm, về sau hết sức thương yêu ta. Đến khi tuổi già, có ý muốn lập ta làm thái tử, nhưng việc ấy cuối cùng không thành tựu.[v] Hán Đế mất rồi, ta bị Lã Hậu sát hại. Mẹ ta cũng bị Lã Hậu giết chết một cách tàn độc đáng sợ.[vi] Ta vì quá mức oán hận nên mỗi khi nghĩ đến việc này chỉ muốn hóa làm loài đại mãng xà suất nhiên[vii] để nuốt sống hết toàn gia tộc họ Lã vào bụng mới thỏa lòng.[viii]
Lời bàn
Tôi ngày trước mới bắt đầu đọc kinh sách đạo Phật, nghe đến thuyết “oán thân bình đẳng” cũng như “oán từ thân khởi” thì hết sức lạ lùng hoài nghi. Đến khi có thể tĩnh tâm quán xét lẽ xoay chuyển tuần hoàn của mọi sự việc, mới biết rằng những lập luận như thế nếu không phải bậc thánh nhân xuất thế ắt không thể đủ sức nói ra.
Lấy như việc Thích Cơ mà nói, theo lẽ thông thường thì phải xem Lã Hậu là kẻ oán, mà Hán Cao Tổ là người ân. Thế nhưng, Lã Hậu oán hận Thích Cơ hoàn toàn là do Cao Tổ trước đã sủng ái bà. Sự sủng ái ngày càng nhiều hơn, cho đến đã có ý muốn thay đổi thái tử, thì sự oán hận ngấm ngầm của Lã Hậu khi ấy cuối cùng không thể nào hóa giải được nữa. Giả sử như lúc Cao Tổ còn sống mà lấy tâm bình đẳng đối với cả hai người, không sủng ái Thích Cơ đến mức ấy, thì Thích Cơ đâu phải chịu tai họa tàn khốc như vậy? Do đó mà xét thì tuy Lã Hậu cố nhiên là kẻ oán cừu của Thích Cơ, nhưng Hán Cao Tổ há có thể xem là người ân hay sao? Than ôi! Đó chính là cái nguyên lý “oán tùng thân khởi”.[ix] Phàm sự oán cừu đều từ chỗ thân ái mà sinh khởi, hiểu như vậy rồi thì dù không muốn thực hành sự quán chiếu lẽ bình đẳng oán thân cũng không thể được.
[i] Tức vào lúc Tần Thủy Hoàng vừa thống nhất thiên hạ.
[ii] Chỉ Hán Cao Tổ Lưu Bang, người dựng nghiệp nhà Hán. Sau khi cùng Hạng Vũ diệt nhà Tần, Lưu Bang và Hạng Vũ quay sang đối địch với nhau, tạo thành cuộc chiến tranh Hán Sở tranh hùng. Cuối cùng, Lưu Bang chiến thắng và lập nên nhà Hán, khởi đầu vào khoảng năm 202 trước Công nguyên.
[iii] Lúc ấy chính là giai đoạn thân trung ấm, riêng Đế Quân lúc đó chưa được biết. (Chú giải của soạn giả)
[iv] Người phàm khi thác sanh ắt nhìn thấy cha mẹ giao hợp. Nếu là con trai, tự nhiên khởi tâm sân hận với cha, ái luyến với mẹ; nếu là con gái thì ngược lại. Cho đến từ Nam Thiệm Bộ châu thác sinh đến ba châu khác, hoặc từ ba châu khác thác sinh đến Nam Thiệm Bộ châu, hoặc từ nhân gian sinh lên các cõi trời, từ các cõi trời sinh hạ nhân gian, từ các thiện đạo sinh vào ác đạo hay ngược lại, hết thảy đều có hình tướng. Trong Đại tạng kinh có ghi chép tường tận, ở đây không thể nói rõ hết được. (Chú giải của soạn giả)
[v] Hán Đế sủng ái Thích Cơ, sinh con trai là Lưu Như Ý, thông minh phi phàm, nên có ý bỏ thái tử Lưu Doanh mà lập Như Ý làm thái tử. Lã Hậu là mẹ thái tử Lưu Doanh, nhờ em là Lã Trạch đến cầu Trương Lương giúp. Trương Lương nhận lời, mời được bốn vị hiền nhân danh tiếng thời bấy giờ là Đông Viên Công, Giác Lý Tiên sinh, Ỷ Lý Quý và Hạ Hoàng Công (thời bấy giờ xưng là Thương Sơn Tứ Hạo – 商山四皓) cùng về giúp khuông phò thái tử Lưu Doanh. Hán Đế Lưu Bang trước đã từng nhiều lần mời bốn vị này về giúp, nhưng họ đều từ chối, trốn tránh. Nay thấy bốn người cùng đồng ý theo phò thái tử, Hán Đế liền đổi ý không thay đổi ngôi vị thái tử nữa. Vì vậy, sự trợ giúp của Trương Lương và bốn người này cũng có thể xem là nguyên nhân dẫn đến quyền lực rơi vào tay Lã Hậu, và sau đó là những thủ đoạn tàn độc mà bà thực hiện sau khi Hán Đế mất để báo thù sự sủng ái trước đây của Hán Đế với Thích Cơ. Bà cho chặt hết tay chân Thích Cơ, khoét mắt cho mù, đốt tai cho điếc, đổ thuốc độc cho câm, rồi bỏ vào nhà xí và gọi đó là “người lợn”. Thích Cơ bị hành hạ như thế cho đến chết.
[vi] Theo đây có thể biết rằng Trương Lương và bốn vị Đông Viên Công, Giác Lý tiên sinh, Ỷ Lý Quý, Hạ Hoàng Công cùng với mẹ con Đế Quân hẳn có oán cừu từ nhiều đời trước. (Chú giải của soạn giả)
[vii] Suất nhiên (率然): tên một loài rắn cực kỳ to lớn. (Chú giải của soạn giả)
[viii] Về sau quả nhiên hóa làm rắn. Cho nên có thể thấy rằng tất cả các pháp đều do tâm tạo thành. (Chú giải của soạn giả)
[ix] Hiểu được nguyên lý này, cũng chính là cái học “cách vật” của nhà Nho. (Chú giải của soạn giả)