Niệm Phật Diệt Tham Si

0
175

PHAN MINH ĐỨC

Ngày xưa có một ông  trưởng giả rất tham  tiền, dù tuổi đã gần đất xa trời nhưng suốt ngày ông mải lo toan tính đầu cơ tích trữ. Việc làm ăn buôn bán khiến ông đầu tắt mặt tối không một phút thảnh thơi, không còn thời gian chăm sóc gia đình và dạy dỗ con cái.

Có một vị Hòa thượng thấy ông trưởng giả tuổi đã già mà không giác ngộ được lẽ vô thường của cuộc đời, không giác ngộ được nỗi thống khổ của kiếp người trong cảnh trầm luân sinh tử, ngài bèn dùng phương tiện để hóa độ ông. Ngài mang tất cả những gì mình có bán lấy tiền để thuê ông trưởng giả nọ niệm Phật cho mình, mỗi ngày trả tiền cho ông với yêu cầu ông phải chuyên tâm niệm Phật.

Theo điều kiện của vị Hòa thượng, ông trưởng giả không được suy nghĩ hay toan tính bất cứ điều gì trong khi niệm Phật, mà chỉ nghĩ đến Phật thôi. Vốn tính tham lam, ông trưởng giả cố công niệm Phật để có được nhiều tiền, ông niệm siêng năng tinh tấn và làm đúng theo yêu cầu vị Hòa thượng đưa ra.

Sau nhiều ngày chuyên tâm niệm Phật, mặc dù dụng tâm sai, sơ tâm không chơn chánh vì mục đích niệm Phật là để có nhiều tiền, ông trưởng giả vẫn đạt được thành tựu nhờ công phu niệm Phật miên mật. Dần dần tâm ông thanh tịnh, ngoài chánh niệm câu A Di Đà Phật ra ông không còn nghĩ đến những chuyện khác, không còn toan tính, mưu cầu, cũng không còn mong niệm Phật để có nhiều tiền nữa.

Cuối cùng, ông trưởng giả giác ngộ, ông hiểu ra tất cả những gì trước kia đã làm là sai lầm điên đảo, là mê muội. Ông cảm niệm ơn đức vị Hòa thượng, đồng thời từ bỏ tất cả để tiếp tục tu hành. Ông cũng khuyên dạy con cái chuyên tâm làm ăn nhưng không xao lãng việc tu niệm. (Theo Truyện cổ Phật giáo)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Con người sở dĩ tham là vì cái tâm vọng động mê chấp, cái tâm luôn chạy theo ngũ dục (tiền tài, của cải, sắc đẹp, ái tình, địa vị, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ), bị ngũ dục lôi cuốn, trói buộc, sai sử. Khi nhất tâm niệm Phật là không để cho cái tâm rong ruổi nữa, không để cho tâm ý tiếp xúc với trần cảnh rồi phát khởi lòng tham. Nếu trì niệm Phật liên tục, miên mật, giữ cho chánh niệm luôn có mặt, tâm luôn thanh tịnh thì chủng tử tham bị yếu dần và sẽ thui chột.

Chủng tử tham vốn có từ vô thỉ khó dứt trừ nên Đức Phật gọi đây là căn bản phiền não. Khi nhất tâm niệm Phật, nhờ duy trì chánh niệm mà chủng tử bất thiện (tham) không có điều kiện sinh khởi. Mặt khác, vì niệm Phật sinh ra các công đức phước báo, càng niệm nhiều là càng gieo nhiều chủng tử thiện vào tâm thức, các chủng tử thiện này sẽ lấn át, làm cho các chủng tử bất thiện như tham si sẽ không có điều kiện phát sinh. Thêm vào đó là sự hộ niệm của Đức Phật A Di Đà và chư Phật, Thánh chúng trong mười phương nên tâm người niệm Phật được an lạc, giải thoát khỏi các phiền não, khổ đau.

Đức Phật Thích Ca nói về thế giới Cực lạc và khuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà cũng là để chúng sinh ưa thích cõi Cực lạc, nhàm chán cõi Ta bà uế trược mà cầu mong về Tịnh độ. Đức Phật tùy theo tâm niệm ưa và chán của chúng sinh mà dùng phương tiện hóa độ, nhưng chúng sinh chuyên tâm niệm Phật đến một lúc nào đó thì tâm chán, ưa không còn. Lúc tâm đã bình lặng, đã thanh tịnh thì Ta bà và Tịnh độ chẳng có gì khác nhau. Cũng như ông trưởng giả kia, ban đầu vì tham tiền mà niệm Phật, nhưng khi tâm đã thanh tịnh rồi thì không còn tham nữa, không cần tiền nữa, có tiền hay không có cũng vậy thôi, không còn quan trọng. Đó chính là diệu dụng của pháp môn tu niệm Phật.