Lời dẫn: Người làm ruộng có phương pháp của nghề làm ruộng. Người buôn bán có phương pháp của nghề buôn bán. Người không biết phương pháp càng ra sức làm thì càng hỏng.
Thời đại nguyên thủy, thức ăn của con người đều lấy từ thiên nhiên. Khi đói, con người đi hái rau hay nhặt trái cây về ăn, thiên nhiên cung cấp thức ăn đầy đủ. Nhưng khi con người ngày càng đông thì thức ăn trong thiên nhiên càng thiếu và tâm ích kỉ của con người càng tham nặng, họ lại đem thức ăn cất giấu, ăn không hết thì bị hư thối. Do đó, thức ăn trong thiên nhiên hư hao rất nhiều, không đủ cung cấp cho con người. Cho nên, thần nông chỉ dạy cho mọi người tự trồng trọt. Mọi người ra sức trồng trọt mới có thức ăn để sống. Nếu người không chịu làm việc thì chịu cảnh đói khát, cũng từ đó sinh ra hành vi trộm cắp, cướp giật, tất cả chuyện đúng, sai cũng từ đây mà phát sinh ra.
Thuở xưa có một người rừng không biết cách làm ruộng. Một hôm, hắn xuống vùng người kinh, hắn nhìn thấy đồng ruộng lúa non xanh mơm mởm thẳng cánh cò bay thật là đẹp mắt. Hắn vô cùng ngưỡng mộ, tự nói: “Đồng lúa này thật là xinh đẹp, nhất định có người gieo trồng, mới đẹp như thế. Nếu như ta học cách gieo lúa thì sẽ có một đồng lúa xanh mơm mởm như thế chăng?”. Do đó, hắn đi tìm nông dân để chỉ bày phương pháp làm ruộng.
Người nông dân nói:
– Việc này chỉ cần anh cày ruộng, ban đất cho bằng phẳng, gieo lúa giống xuống, rồi bón phân. Nếu khi có cỏ mọc thì anh phải nhổ sạch cỏ, qua một thời gian lúa sẽ lớn lên, xanh mơm mởm.
Người rừng nghe nói như vậy rất vui mừng. Hắn trở về nhà, bắt đầu cày ruộng, ban cho bằng phẳng, đất bằng phẳng rồi, đáng lẽ gieo lúa giống xuống thì hắn lại thuê rất nhiều người đến giẫm đạp xuống, lại dùng khúc gỗ tròn lăn trên đất, làm cho đất cứng lại.
Việc gieo lúa giống xuống, đối với người nông dân rất dễ dàng; nhưng hắn lại suy nghĩ rất nhiều thời gian. Hắn cho rằng tự mình lội xuống ruộng gieo lúa giống sẽ để lại nhiều dấu chân, lại sợ đạp lún lúa giống xuống, nên hắn không dám lội xuống ruộng. Hắn đi thuê bốn người khiêng một cái giường, hắn ngồi trên đó gieo lúa giống xuống ruộng. Hắn không biết tuy mình không lội xuống ruộng, nhưng bốn người khiêng chiếc giường có tám chân phải lội xuống ruộng khiêng hắn, tất nhiên phải giẫm đạp xuống. Như thế ruộng có bằng phẳng không? Đất càng giẫm càng cứng, lúa giống gieo xuống khó mà nảy mầm được, phơi nắng tất nhiên sẽ chết.
Bài học đạo lý
Con người là động vật rất kì lạ, dạy họ làm việc rất đơn giản bình thường, học việc có ích đối với mọi người thì rất khó. Nhưng học việc không có lợi, làm hư hại thì rất dễ dàng. Chúng ta bảo họ làm việc xấu, vừa hỏi họ biết liền, dạy làm việc tốt nói rất nhiều lần cũng không hiểu. Đây là đặc tính của nhân loại, hay tạo hóa trêu người?
Đức Phật dạy: “Chúng sinh từ vô thỉ đến nay, luân hồi trong sáu đường, thói quen, tiêm nhiễm làm việc xấu rất nhiều, việc tốt thì ít”. Cho nên, chủng tử tốt ít, nên tính xấu thì nhiều mà tính tốt thì ít. Do đó, họ học việc tốt thì rất khó mà việc xấu lại rất dễ; bởi vì, chủng tử xấu nhiều, nên dễ đưa đến thói hư tật xấu, làm nhiều việc xấu. Tính tốt ít nên dẫn phát tâm tốt, làm việc tốt cơ hội rất ít.
Nếu chúng ta biết nương theo Phật pháp tu hành, luôn luôn vun bồi thói quen tốt gợi ra chủng tử tốt thì mới có thể làm việc tốt, tương lai sẽ thu hoạch quả ngọt.
Con người có khôn-ngu, hiền-dữ. Vì sao mọi người không thể làm người hiền lành, lương thiện? Bởi vì, chúng sinh từ vô thỉ đến nay, luân hồi trong sáu đường, thời gian đọa vào ba đường ác là địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh quá lâu; cho nên tiêm nhiễm thói xấu quá nhiều, cơ hội sinh lên cõi trời, cõi người rất ít. Vì thế, người thông minh, trí huệ, tính tình từ bi cũng rất ít. Chúng ta muốn có trí huệ và tâm từ bi thì phải nương theo Phật pháp tu hành, vun bồi dần dần; hoặc được thầy chỉ dạy thì mới có thể thường sinh trí huệ và tâm từ bi.
Mọi người đều thích trí huệ và tâm lương thiện, có ai thích ngu si và hung dữ không? Nhưng do bẩm sinh lôi kéo, có cách gì không? Đã nói bẩm sinh lôi kéo, tức là thói quen đã nhiễm nhiều đời, nhiều kiếp ở quá khứ. Đã tiêm nhiễm thói xấu từ đời quá khứ, vì sao hiện tại chúng ta không không chọn thử việc tốt để học tập, vun trồng dần dần phần từ bi, trí huệ và đạo đức? Có người nói như thế là quá chậm, chỉ cần chúng ta tin theo thượng đế toàn năng. Hoặc một vị thần chúa tể của chúng ta, ngài có thể ban cho chúng ta tất cả, ban phúc cho chúng ta, chuộc tội lỗi của chúng ta, chẳng phải quá dễ dàng hay sao?
Sự thật, thần có thể ban cho chúng ta trí huệ và tâm lương thiện không? Có thể ban phúc cho chúng ta và chuộc tội lỗi của chúng ta không? Trên thực tế, chúng ta và thần cùng sinh ra đều có những tâm xấu như tham, sân, si, ngã mạn, nghi ngờ, ganh tị v.v…Khi thượng đế sáng tạo ra con người, vì sao không ban tặng cho con người từ bi, trí huệ, đạo đức và tâm lương thiện giống nhau? Nếu như con người có những tâm tốt thì họ sẽ không đến nỗi lưu lạc cho đến ngày nay. Vị thần nào đó, thật sự ban cho chúng ta tâm tốt; hoặc ban phúc và chuộc tội của chúng ta? Là ban cho tất cả mọi người, hay chỉ người tin theo thần. Nếu như người cầu thần thì thần mới có thể chuộc tội, hay ban cho họ tâm lương thiện. Như thế, vị thần này khác nào quan chức tham ô ở thế gian?