Nghi của Thiền sư và khoa học?

0
160

Hỏi:
Kính xin Thầy giải thích phân biệt giữa nghi tình của một Thiền sư và nghi tình của một nhà khoa học? Sự ngộ của một Thiền sư và sự khám phá ra của nhà khoa học?

Đáp:
Trong Đường Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiền, tôi đề ra ông Newton thấy trái bôm trên cây rớt xuống, ông khởi lên nghi tình “tại sao trái bôm rớt xuống đất, mà không rơi lên trời?” Do nghi tình này, ông nghiên cứu tìm hiểu, phát minh được định luật hấp dẫn lực vạn hữu, đó là hồ nghi, nhà khoa học nghi việc thế gian chỉ phát minh những đồ vật của thế gian, có giá trị thế gian; nhưng không phát minh được chính mình, nên không làm chủ cho mình, không được giải thoát khổ.

Nghi của tham thiền là chánh nghi, không cho bộ óc suy nghĩ, tìm hiểu, nghiên cứu; để cho tự ngộ, tức phát hiện chính mình là Phật tánh. Biết được chính mình mới tự làm chủ, tự do tự tại, giải thoát tất cả khổ. 

Cho nên, danh từ nghi thì giống, nhưng sự thực khác. Cái nghi của nhà khoa học là hồ nghi, phải bộ óc suy nghĩ nghiên cứu. Còn cái nghi của Thiền tông không cho bộ óc nghiên cứu, tìm hiểu; chỉ là nuôi cái nghi cho thật mạnh, (giống như bôm bong bóng đến bong bóng căng rồi sẽ nổ) đến lúc nghi tình vỡ gọi là kiến tánh thành Phật.

Mặc dù, cuối cùng ngộ, nhưng hai thứ ngộ có khác. Cái ngộ của nhà khoa học là ngộ pháp thế gian, cái ngộ của Thiền tông là ngộ tâm chính mình cùng khắp không gian thời gian, thần thông trí huệ vô lượng vô biên bằng như Phật, cho nên được tự do tự tại, dứt hết tất cả khổ vĩnh viễn, muôn ngàn kiếp sau cái khổ không thể trở lại.