NGÀY XUÂN NGHĨ VỀ TÍN – HẠNH – NGUYỆN CỦA NGƯỜI CƯ SĨ

0
674

Thuật ngữ “cư sĩ áo trắng” mà tác giả muốn nói đến trong bài viết này là hàng Phật tử tại gia, chứ không phải là cư sĩ hành nghề y nơi thế tục! Bởi hàng ngày con đọc tụng quyển “Kinh Tụng Hằng Ngày” do Đại đức Thích Nhật Từ biên soạn, bản thân con tâm đắc nhất phẩm kinh thứ ba, phẩm “Kinh người áo trắng” do Hòa thượng Nhất Hạnh dịch từ Kinh A Hàm. Càng đọc con càng ngộ ra nhiều điều mà hàng cư sĩ Phật tử chúng con thường vấp phải. Hôm nay nhân dịp xuân về, con xin có đôi lời trình bày về Tín – Hạnh – Nguyện của người “Cư sĩ áo trắng”.

     Bởi tâm tham ái, ngã chấp có sẵn, hàng cư sĩ chúng con luôn mang tâm trạng “mong cầu” và “sợ hãi”, tâm trạng này đưa chúng con vào sự vô minh trong suy nghĩ và hành động diễn ra mỗi ngày, không biết, không hay, nhưng ai cũng tự nhận là mình “tài ba khôn lanh” hơn người. Người độn căn thì biểu lộ thô thiển trong lời ăn, tiếng nói, người có trình độ tri thức, bằng cấp học vị thì biểu hiện tinh tế hơn qua thế giới quan và nhân sinh quan của mình trong giao tiếp. Nói chung ai cũng cho mình là “số một” và không thích người khác là “số hai” đứng cạnh bên mình!

       Ở xã hội Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, có lẽ tín đồ Phật giáo chiếm đa số, họ biết đi chùa, biết làm lành lánh dữ … Mục đích đi chùa là để cầu sự an lành, tài lộc, danh phận cho mình và người thân; còn biết làm lành là để cầu phước báo, lánh dữ vì sợ bị “ơn trên” trừng phạt. Nếu chỉ dừng lại ở nhận thức đơn giản này thì chúng con dễ vấp phải những sai lầm như sau:

     – Vào các ngày rằm hay lễ lớn, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán, đến các đình, chùa, miếu Phật tử thường quan niệm đốt nhang càng nhiều để khói hương nghi ngút thì mới thể hiện lòng thành thì các bậc thánh thần mới cảm kích! Còn nếu khi làm được một vài việc thiện hay công đức cúng dường Tam Bảo thì dễ khoe khoang mọi lúc, mọi nơi! Làm công đức cúng tài vật cho chùa thì đòi hỏi mình phải được “quan tâm”, yêu cầu, yêu sách việc nọ, việc kia … hay ít ra phải được tiếng khen hay lời tán thán của trụ trì! Rồi ai cúng kính nhiều hơn mình thì lại sanh tâm ghen tỵ! Chưa kể việc cúng kính khi gần gũi các vị sư thầy có người sanh tâm ngã mạn và chấp thủ, rồi lời ra tiếng vào, khen vị nầy, chê vị kia … gây mâu thuẫn thị phi trong chúng hội với nhau. Rồi cũng có khi vì lý do náo đó mà thần tượng cá nhân (các vị sư thầy) của mình bị sụp đổ, thế là họ xoay lưng lại với chùa chiền, với Tam Bảo, kèm theo những thành kiến không tốt.

                                    Lễ bái – nghi thức không thể thiếu trong các tôn giáo Đông phương

       Còn trong trường hợp, nếu siêng năng đi chùa, tụng được vài quyển kinh thì tự cho mình hay, mình giỏi, công phu tu tập hơn người, xem thường những người chưa biết đi chùa, hay ít đi chùa. Chưa kể có nhiều người còn mắc bệnh tưởng đem những câu chuyện hoang đường do biểu hiện cái tôi của mình nhất thời và tự cho là mình đã “chứng đắc.” Chưa kể có người giai đoạn đầu rất siêng năng đi chùa, nhưng sau không lui tới, hỏi ra mới biết họ mong cầu mỏi mệt mà Phật không cho họ được gì, trái lại còn bị tai ương!

     Tìm hiểu về phẩm “Kinh người áo trắng”, Đức Phật có dạy hàng Phật tử cư sĩ chúng con thông qua Ngài Xá Lợi Phất: “Này Xá Lợi Phất, ông có biết rằng nếu một vị đệ tử áo trắng có đạo hạnh, biết hộ trì năm giới pháp và tu tập bốn tâm cao thượng thì cũng thể đạt tới rất dễ dàng và không khó khăn gì khả năng an trú hạnh phúc ngay trong hiện tại, và biết chắc chắn rằng mình sẽ không còn đọa lạc vào địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh và các nẻo ác khác trong tương lai?”

     Hiểu và vận dụng vào cuộc sống của hàng Phật tử chúng con thấy Hộ trì năm giới pháp thực chất là thực hành “ngũ giới” của hàng Phật tử mà khi làm lễ quy y chúng con đã phát nguyện.

1. Giới thứ nhất: “Vị đệ tử áo trắng xa lìa sự giết hại … trừ tận gốc tâm niệm giết hại…” tức là giới sát sinh.

Muốn thực hành giới này hàng Phật tử chúng con phải tập ăn chay, ban đầu ăn chay kỳ (tháng 2, 4, 6 hay 8 ngày) giai đoạn này thường họ thấy việc ăn chay là kỳ tích với thiên hạ, là lập công với Phật … nhưng nếu tập được ăn chay trường càng lâu thì cái tâm này dần dần sẽ mất đi. Qua kinh nghiệm bản thân con thấy nếu ăn chay trường sẽ có được rất nhiều lợi ích:

       – Hạn chế được sự tham dục, bởi cái miệng mình không thèm ăn của ngon vật lạ, thì cái tâm của mình nó cũng không đòi hỏi mình phải đua đòi, so bì với ai, thế là sự thiểu dục xuất hiện (do sự đơn giản thanh bần trong thức ăn hằng ngày, sẽ tập được tính giản đơn trong nhu cầu vật chất).

     – Điều hạnh phúc nhất là trong giao tiếp con thấy mình “nguội tính” đi rất nhiều, do không sát sinh thì tâm từ của mình phát triển, nên mình dễ thông cảm với mọi người, dễ bỏ qua những điều nhỏ nhặt. Còn những sự cố lớn lao cũng tác động đến tâm mình, nhưng thời gian bức rức cũng qua mau. Có người hỏi lý do, con lý giải về việc này dựa trên quan điểm cho rằng khi ta giết thịt loài vật trước khi chết nó phải tự vệ, nó tiết độc tố hay sự sân hận, do đó khi ta ăn những miếng thịt đó vào, các độc tố đó tích tụ mỗi ngày làm tâm ta cũng dễ sân hận theo. Từ đó con mới hiểu tại sao người tu hành chân chính thường có tâm hoan hỉ và an lạc trong đời sống hằng ngày.

     – Là cư sĩ lớn tuổi như con, nếu tập ăn chay được thì cơ thể thấy rất nhẹ nhàng, bệnh tật giảm nhiều, tinh thần lạc quan hơn, làm việc năng suất hơn trước kia, đồng nghiệp cứ thắc mắc “tưởng ăn chay là thiếu chất, làm việc yếu ớt, ….” Con chỉ biết cười và khuyến tấn họ cứ ăn chay như con đi sẽ thấy hiệu quả thế nào!

2. Giới thứ hai: “Vị đệ tử áo trắng xa lìa sự không cho mà lấy… thường ưa bố thí, tìm niềm vui trong bố thí và bố thí không cần sự đền đáp…”

       Nếu người có tâm ngay thẳng thì thực hiện giới này không khó, bởi vì luôn luôn họ được răn nhắc bởi luật nhân quả. Tuy nhiên cũng phải tập thành thói quen hằng ngày, nên ông bà ta thường cảnh giác “ăn cắp vặt quen tay, ngủ ngày quen mắt”. Từ thói quen này, khi tiếp xúc với đồng tiền ta không bị tối mắt, ta không động lòng tham, trong công tác ta sẽ tập được tính “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” là phẩm chất của người lao động mà xã hội đề cao. Cũng cần nhắc nhở nếu là Phật tử thuần thành hay đi chùa công quả, chúng ta cũng cần răn mình trước những thói quen xấu “không cho mà lấy” bởi ở chùa các tiện nghi vật chất hay lương thực thực phẩm thường ngày bày ra trước mắt, ta thường nghĩ là “của bá tánh đi thập phương”, nên chúng ta hay tự tiện.

       – Nói về hạnh bố thí mà không cần đến sự đền đáp cũng hơi khó, bởi tâm chấp ngã và kiêu mạn, khi làm được điều gì cho ai ta hay kể công, cũng như đem tiền cho ai làm sao ta không tính toán, vì “đồng tiền nó liền núm ruột”. Nhưng nếu ta tập được hạnh bố thí ba-la-mật thì tâm ta sẽ rộng mở hơn, trước mắt là mình thắng được lòng tham và sự kiêu mạn trong ta từng ngày, đó cũng là một công trạng rất lớn cho mình rồi đó! Cũng cần nói thêm nhà chùa cũng hay tổ chức đi từ thiện, thông thường các vị sư Thầy hay kêu gọi hàng Phật tử chúng ta phát tâm. Để ý con thường thấy có một số Phật tử rất là sốt sắng, nhưng họ lại mang tâm chấp ngã sở, muốn các vị trụ trì công bố tịnh tài, tuyên dương công đức mình trước thiên hạ. Nhớ điểm này sư phụ chúng tôi thường nói không bao giờ Ngài công bố danh sách hay tịnh tài cúng kính của Phật tử nào trước đạo tràng, vì như thế tâm ngạo mạn của họ sẽ nổi lên và công đức họ sẽ giảm xuống.

                                    Người đệ tử áo trắng cần tu tập theo lời dạy của đức Phật

3. Giới thứ ba: “Vị đệ tử áo trắng … phải diệt tận gốc tâm niệm ngoại tình…”

       Trong thực tế, hầu hết ngoài đời các vụ ly hôn là do hệ quả của phạm giới này, bởi con người tâm tham ái, tâm dục rất lớn. Ở xã hội ta, thường các đấng mày râu rất chủ quan, tự cho mình “có quyền ăn vụng, miễn là biết đường về nhà…”, khi phát hiện chồng mình có vấn đề thì người vợ cũng trả thù bằng đối sách “ông ăn chả, bà ăn nem”, thế là hạnh phúc gia đình tan vỡ, các con sẽ là nạn nhân trực tiếp do hành vi nông nổi của cha mẹ nó !

       Hàng Phật tử chúng con với điều này biểu hiện ở đời thường tương đối ít, nhất là với tín nữ hiểu biết Phật Pháp. Tuy nhiên lại biểu hiện ở tâm tham ái sở hữu tình cảm ở các vị thầy, vị sư phụ ruột của mình, nhất là ở các bạn trẻ tuổi, thường hay thần tượng hóa một đối tượng tăng ni trẻ nào đó. Điều này ta thông cảm vì đó là ái lực hấp dẫn tự nhiên của tuổi thanh xuân, cho nên họ thường có tâm lý muốn tạo điều kiện gặp gỡ mỗi ngày… như thế là ta làm mất thời giờ và làm quấy nhiễu tâm tịnh của các Ngài.-” Ví như A Nan gặp nạn vậy!”-Thật là khó xử cho các vị Tăng Ni trẻ tuổi ! Còn nhớ khi xưa lúc sinh thời, mẹ con hay nhắc các con và cháu gái của mình phải cảnh giác, bà thường nói: “Nè, người ta phải dày công tu tập mới bước được vào cổng chùa, đừng có lộn xộn, làm họ phạm giới, các con phải đọa địa ngục đó nghe!” Cũng vậy, không phải ngẫu nhiên mà Phật giáo Hàn quốc cho ra đời bộ phim Xuân Hạ Thu Đông, rồi phimTỉnh Mộng do Thầy Chân Tính ở chùa Hoằng Pháp chỉ đạo thực hiện. Còn các vị ưu-bà-di trung niên thường có kiểu ái mộ các vị trụ trì tuyệt đối hơn, từ đó phát sinh tâm chấp hữu, không muốn người khác “cạnh tranh” với mình! Cũng có người cúng kính nhà chùa quá nhiều lại sanh tâm “bánh ít đi thì bánh qui lại.” Điều này quả thật chúng ta đã làm khó cho nhà chùa nhiều hơn là hộ trì Tam Bảo!

4. Giới thứ tư: “Vị đệ tử áo trắng xa lìa nói dối, … và không bao giờ dám miệt thị kẻ khác…”

           Khẩu nghiệp cũng là thói quen của hàng cư sĩ, bởi lời nói là phương tiện chứng tỏ mình nhanh nhất, và trên thực tế mọi mâu thuẫn, hiềm khích đều xuất phát từ lời ăn tiếng nói, nó kích lòng sân hận chúng ta lên tột độ, từ đó ta sẽ đánh mất lý trí của mình bởi “giận quá mất khôn”, từ đó ta sẽ có những hành động nông nổi, khi hiểu ra thì quá muộn màng. Giới nói dối thường thì hàng Phật tử chúng con ít biểu lộ ra với các vị Sư Thầy vì sợ tội, tuy nhiên khi sinh hoạt với các chúng hội khác ta thường sanh tâm khoe khoang công đức của mình, có khi phóng đại, cúng kính một mà nói hai, ba… và lại sanh tâm miệt thị kẻ vụng về, ít hiểu biết về các giới luật trong chùa, tự cho mình là kẻ hiểu biết và có uy tín lâu năm trong chùa. Điều này thiết nghĩ ta đã làm xấu đi hình ảnh người Phật tử áo trắng trước mắt mọi người.

5. Giới thứ năm: “Vị áo trắng xa lìa sự uống rượu, diệt tận gốc thói quen uống rượu…”

          Thường giới này nam giới hay phạm phải, bởi văn hóa xã hội Á đông không cho phép người phụ nữ nghiện rượu. Nếu phạm giới này, ta mất lý trí thì các giới khác ta cũng dễ phạm phải, mà trong giới kinh kể câu chuyện một người phạm giới rượu mà phạm luôn 36 lỗi khác!

Làm thế nào để thực hiện bốn tâm cao thượng và an trú hạnh phúc trong hiện tại? Đức Phật dạy rằng:

1. Tâm cao thượng thứ nhất: “Trước hết, vị đệ tử áo trắng thực tập quán niệm về Như Lai…”

     Thực hành điều này không khó bởi hàng Phật tử chúng con đã có sẵn chủng tử tín tâm với Phật, mới có duyên lành mà bước vào chùa. Để giữ được tín tâm này lâu dài thì chúng con phải thực hành thường xuyên, kinh nghiệm của các vị thiện tri thức đi trước truyền trao là ta phải tập công phu lễ Phật ít nhất mỗi ngày 2 lần (trước khi ngủ và sáng sớm khi vừa thức dậy). Có vị thường xuyên công phu lạy Phật thông qua thực hành kinh Vạn Phật thật là đáng nể phục với công phu này. Để cụ thể hóa lời dạy của Phật về phép quán tưởng này rất đơn giản, mỗi ngày chúng ta nên tập thời khóa lễ Phật, nghiêm trang, cung kính ta đảnh lễ và niệm: “Chí tâm đảnh lễ Nam mô Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh hạnh Túc,…”

Khi niệm ta không ngừng quán tưởng về Đức Phật Thích Ca – bậc đã nêu gương tu tập chứng đắc ở thế gian này. Và nhớ là chỉ nghĩ về công hạnh của Ngài để xin học tập và noi gương chứ đừng xen vào tư tưởng tham cầu, xin xỏ, bởi biết chắc Ngài sẽ không cho chúng ta được một điều kiện vật chất nào dù là rất ít!

     Nếu chúng ta thực tập thường xuyên, chúng sẽ có được niềm tin, trước mắt là thấy mình tự tin hơn, mạnh mẽ hơn, để từ đó mà tinh tấn, sáng suốt để xử lý các tình huống cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Ngoài ra, Đức Phật còn dạy: “Nhờ tưởng niệm Như Lai mà tâm tư người ấy lắng trong, có được niềm vui, và người ấy đạt tới tâm cao thượng thứ nhất, an trú trong hiện tại một cách dễ dàng, không khó khăn gì.” Nói thì rất khó tin, nhất là các vị Phật tử mới đi chùa, bởi chúng ta còn tâm nghi ngờ, nhưng không sao “bởi có nghi rồi mới ngộ”. Bản thân con mong qúi Phật tử mình cứ thực hành thường xuyên đi, thì hiệu quả công năng đó ta sẽ cảm nhận được mà thôi.

2. Tâm cao thượng thứ hai l: “Vị đệ tử áo trắng thực hành quán niệm về pháp…” Để cụ thể hóa phép quán niệm này, các vị Thầy Tổ của chúng ta đã ghi chép qua kinh kệ cụ thể như sau:

     Thường chúng ta nhận thấy trước khi ta đọc một phẩm kinh nào phần đầu khai kinh đều có một bài kệ Phát nguyện trì kinh:

         “Lạy Đấng Thầy ba cõi,

         Quy mạng Phật mười phương,

         Con nay phát nguyện lớn,

         Thọ trì tạng Pháp Bảo,

         Trên đền bốn ơn nặng,

         Dưới cứu khổ tam đồ,

         Nếu có kẻ thấy nghe,

         Đều phát tâm Bồ Đề,

         Sống an vui giải thoát”

     Bài kệ này rất hay, nhưng nhiều khi chúng ta đọc theo quán tính, coi như là phần nghi thức, nên vô cảm, chứ thật ra để tâm ta thấy hay vô cùng bởi ngoài ý thức tán thán Như Lai chúng ta còn kèm theo tâm nguyện cúng dường pháp đền ơn cho Cửu Huyền Thất Tổ, cha mẹ anh em … và tất cả muôn loài chúng sinh, chưa hết bài kệ này còn giúp ta phát triển thêm tâm từ bi, muốn chia sẻ giáo pháp Như lai cho tất cả mọi người cùng nghe, muốn cho họ cùng ta phát tâm Bồ Đề! Âu đó chính là tâm cúng dường pháp của chúng ta vậy! Thật là công đức vô lượng vô biên vậy.

      Nói tóm lại thực hành phép quán niệm về pháp không gì hơn là ta siêng tụng kinh, bái sám. Nhưng nhớ là khi tụng kinh ta nên để tâm hiểu nghĩa của kinh, từ từ ta sẽ ngộ ra nhiều điều hay lẽ phải. Có người thắc mắc nếu gặp phải các bài chú thì sao? Ai mà hiểu nghĩa ? Đúng vậy, nhưng không sao, trong khi đọc ta cứ quán tưởng công hạnh của vị Phật phát hạnh nguyện cứu độ chúng sanh trong bài chú đó, ví dụ khi ta tụng chú Đại Bi ta luôn quán tưởng hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm, để phát lòng từ bi cho mình và mọi người, và cũng rất tuyệt vời nếu chúng ta chịu khó hồi hướng công đức cho chúng sanh và người thân khi ta tụng xong một bài kinh hay một bài chú. Nếu ta thực hành mỗi ngày ta sẽ có được tâm hoan hỷ, xả ly, xả chấp và yêu thương mọi người như yêu thương mình vậy…

       Nói thì rất là lý tưởng, nhưng nếu quý Phật tử cứ tập thường xuyên đi sẽ thấy! Ngoài ra tâm lý chúng sanh khi thành đạt, sung túc thì không biết Phật Trời là ai, nhưng khi có sự cố mới tìm đến Phật cứu rỗi. Nhưng không sao, Đức Phật vẫn từ bi và tặng cho ta phương thuốc nhiệm mầu trị bách bệnh về tâm đó là câu thần chú: “Hãy tin vào chính mình và tin vào Phật pháp.” quí Phật tử cứ hãy làm thử mỗi khi ta bối rối … hiệu quả chỉ có chính mình sẽ cảm nhận được mà thôi!

3. Tâm cao thượng thứ ba: “Vị đệ tử thực hành quán niệm về Tăng…”

           Nội dung phép quán niệm này Đức Phật dạy “Thánh chúng của Như Lai đã thành tựu được giới, được định, được trí huệ, được giải thoát, được tri kiến giải thoát. Thánh chúng này đáng được tôn kính, … đáng được phụng sự, đáng được cúng dường và đó là ruộng phước tốt đẹp cho cuộc đời.”

     Thực hành phép quán niệm này tuy dễ mà khó. Cái dễ vì đó là đối tượng và là quan hệ chính khi chúng ta đến chùa. Cái khó là cách cúng dường Tăng và tâm nhận thức về hành vi của mình. Xuất phát từ tâm tham ái và ngã mạn nên nhận thức và biểu hiện hành vi cúng kính, có khi là không đúng chánh pháp.

Thói thường khi đem tiền của hay công sức cho ai ta thường phải đắn đo, tính toán thiệt hơn. Ai phát tâm mà không tính toán thật đáng thán phục, bởi một lần thực hiện được là một lần ta đẩy lùi được tính keo kiệt của mình, nhưng nói theo tinh thần Ba-la-mật của kinh Bát Nhã thì hơi khó, bởi tâm lý thường tình chúng sanh hay mong cầu. “Tôi cúng một đồng thì tôi phải được lãi ba đồng chứ!”. Có lẽ điều kiện này thì Phật không thể đáp ứng cho chúng sanh được! Cho nên, tốt hơn hết ta nên suy nghĩ cái công, cái của ấy là ta dành cho sự “hoằng pháp lợi sanh” là đủ! Tuy nhiên tâm lý chung khi cúng kính Phật tử luôn mong muốn ít ra phải có sự chứng kiến của vị Sư, vị Thầy ở chùa sở tại chứ, nếu có được một hai lời tán thán thì ta hạnh phúc biết bao nhiêu! Thật khổ điều này sẽ không tránh khỏi cho tất cả mọi người. Kinh nghiệm bản thân con nếu nhận được lời tán thán, lúc ấy, con cảm thấy vui, yêu đời hơn, nhưng khi về thiền quán tĩnh tọa, con phải đọc lời sám hối trước Như Lai rằng: “lòng kiêu mạn của con vẫn còn đầy rẫy… lần sau con xin hứa, sẽ không…”.

         Chưa hết còn có tình trạng cá biệt Phật tử phát tâm cúng kính cho một vị sư thầy mình yêu mến, rồi quan sát coi đồng tiền của mình đi về đâu, vị này có thực hành chánh pháp như mình mong đợi, hay khi vị này có biểu hiện thiếu quan tâm hay làm điều gì ta bất mãn, … Ôi thôi! Ta quay lưng ngay 180 độ, thế là mất cả thầy lẫn chùa … rồi ta sinh tâm phiền não, ta thán này nọ … Chỉ mong rằng quí Phật tử mình phát tâm cung kính với tâm xả ly, nên hiểu tịnh tài, công sức mình là rất nhỏ nhoi, không đáng để ta đặt điều kiện với ai cả! Nếu gặp trường hợp nêu trên ta tự ai ủi “phước ai nấy hưởng, tội ai nấy chịu” đừng thắc mắc, nếu không thì địa ngục trong ta xuất hiện trong hiện tiền!

4. Tâm cao thượng thứ tư là: “Vị đệ tử áo trắng thực tập quán niệm về giới…”

       Phật dạy quan niệm về giới là ta hãy tin: “Giới luật này không có khuyết điểm, … không có tính cách giả dối, thường được các bậc hiền thánh khen ngợi, tiếp nhận, thực tập và hộ trì.”

       Hàng Phật tử chúng con đã thọ năm giới, nếu thực hành được ta sẽ là người công dân tốt trong xã hội, là người cha, người mẹ gương mẫu, đức độ, là người con ngoan trong gia đình, là người bạn đáng tin cậy trong giao tiếp, là kẻ nhân từ đức độ, hữu ích cho quần sanh, là đệ tử thuần thành, là thiện tri thức góp phần hoằng dương chánh pháp.

Đối trước Tăng Bảo cầu thọ giới pháp tại gia

       Nhìn xa hơn nữa với các vị Tăng Ni tu hành theo chánh pháp, hay các bậc tôn túc Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng, cũng nhờ công phu tu tập giới luật mà các ngài có được cốt cách thanh thoát, trang nghiêm, đĩnh đạc, thậm chí còn tỏa sáng năng lực từ bi, an lạc khi chúng ta có dịp đến gần. Từ năng lực ấy sẽ có công năng độ người thiện và cảm hóa kẻ ác… Bởi chúng ta hàng Phật tử đã thừa biết nguyên tắc trong tu tập thường theo lộ trình: Giới – Định-Tuệ, muốn chứng đắc hay giải thoát thì bài học đầu tiên phải là giữ giới.

         Nói thì dễ nhưng thực hành không phải dễ, bởi hằng ngày hàng Phật tử chúng con “đụng” rất nhiều vì nhu cầu cơm, áo, gạo, tiền … Cái tham lam, cái ngã mạn thường xuyên nó làm mình quên mất sự cảnh giác phải giữ giới. Tuy nhiên trên thế gian này vẫn không thiếu các hàng đệ tử áo trắng chúng con thực hiện được giới hạnh này, nhưng phải có thời gian, phải có ý chí và luôn bên cạnh phải có sự nhắc nhở, khuyến tấn của các bậc tôn túc giới hạnh trong Tăng đoàn… chứ tu một mình tại gia thì khó vô cùng! Bởi chúng con có tật hay “quên”, hay tự bào chữa cho chính mình… cho nên ông bà ta thường nói: “Thứ nhất là tu tại gia…” còn Đức Phật thì cảnh giác chúng ta phải biết phòng hộ các căn!

       Trước khi kết thúc bài viết với cái nhìn lạc quan và thông qua ánh sáng Phật pháp soi rọi, con vô cùng hoan hỷ khi có duyên lành được tiếp cận vơi Chánh pháp, với Tăng đoàn, để tự mình ý thức là “Người áo trắng” theo như lời Phật dạy là vừa tự tu vừa làm nhiệm vụ hộ trì chánh pháp, hộ trì Tăng đoàn để hoằng dương đạo pháp.Muốn được như vậy hằng ngày sau khi tụng kinh chúng ta nên nhớ đọc và quán tưởng đúng ý nghĩa của bài kệ Tam Quy.

         Cuối cùng xin nhắc chúng ta khi thực hành năm giới và bốn phép quán tưởng của Đức Phật dạy ta luôn luôn phải “Ba-la-mật” nhé!          

Ưu Bà Di

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here