NGÀY TU HỌC THỨ BA TRONG NIỀM HÂN HOAN CỦA CÁC KHÓA SINH

0
342

Ánh mặt trời dần ló dạng, màn đêm lui xuống, nhường bước cho ánh sáng đang chiếu sáng muôn loài. Một ngày khỏe khoắn bằng bài thể dục sôi động  thật vui tươi, khởi đầu cho một ngày mới.

Khi cuộc sống ngày càng phát triển, mỗi ngày trôi qua là thêm một ngày vật chất đi lên, đời sống tinh thần ngày lại giảm sút. Lối sống tuổi trẻ hào phóng, mải miết chạy theo cuộc vui, đánh mất chính mình chẳng hay. Đến khi nhìn lại, giật mình thảng thốt: tuổi trẻ qua nhanh, luyến tiếc thời gian sao nhanh vụt qua, hối tiếc chưa làm gì ý nghĩa cho đời, cho mình.

Với mục đích nâng cao kỹ năng sống và nhận thức cho tuổi mới lớn, trong Khóa tu mùa hè năm nay, các em được nghe Tiến sĩ Võ Văn Nam, nguyên trưởng khoa Tâm lý trường Đại học Sư Phạm TP.HCM chia sẻ bài học về chữ Hiếu. Thầy Nam nhấn mạnh, Hiếu là nguồn gốc giáo dục, Hiếu là khởi đầu cho mọi việc làm. Như Đức Phật đã dạy: “Hạnh Hiếu là hạnh Phật, tâm Hiếu là tâm Phật”.

Thật vậy, mỗi con người chúng ta được sinh ra, được trưởng thành, được thành đạt trên cõi đời này đều do công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Công cha nghĩa mẹ to lớn vô cùng. Không có cha mẹ thì sẽ không có chúng ta. Mẹ phải vất vả chín tháng mười ngày thai nghén bao gian truân, cợ cực. Chín tháng hay chín năm, gian khó khôn cùng để sinh ra ta. Để có được mẹ vượt cạn một mình, bất chấp hiểm nguy của tính mạng. Khi sinh ra hài nhi đỏ hỏn, mẹ chắt chiu dòng sữa nuôi con khôn lớn. Mẹ thức trắng đêm để chăm cho con, “chỗ ráo nhường con, chỗ ướt mẹ nằm”. Khi con ốm đau, mẹ quên ăn quên uống, thức trắng cùng những cơn sốt, con đau của con, thao thức lo toan. Mẹ và cha hân hoan khi thấy con chập chững những bước đi đầu tiên nghẹn ngào khi con bập bẹ tiếng mẹ tiếng cha.

Khi con đã lớn lên: từ bát cơm mỗi ngày, từ manh áo đến mọi tiện nghi học hành cha mẹ lo cho con tất cả. Cha mẹ như cánh cò cần cù nhẫn nại, vật lộn với đời thường để chắt chiu lo cho con ăn học thành tài. Cha mẹ hết lòng vì con cái, chẳng giành lại cho mình điều gì.

Công sinh thành đã lớn, công dưỡng dục càng lớn hơn. Khi con trưởng thành dần lên, cha uốn nắn con từ lời ăn tiếng nói, từ cách đối nhân xử thế, sửa con từ dáng đứng điệu cười. Con là hạnh phúc, là niềm vui, niềm hạnh phúc của cha mẹ. Nhìn con khôn lớn, mọi cực khổ nhọc nhằn của cha mẹ vơi đi. Con khỏe, ngoan, học giỏi, cha mẹ vui sướng, hạnh phúc. Con ốm đau mẹ nước mắt lưng tròng. Con hư, con phạm lỗi, cha mẹ đau buồn, âu lo.

Cha mẹ không quản vất vả chỉ mong mai sau con thành người có ích cho đời, cho xã hội. “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Cha mẹ là chỗ dựa vững chắc cho con bước vào đời, là cây cao bóng cả che mát đời con. Trong vòng tay cha mẹ, con lớn lên, trưởng thành. Hiếu thảo với cha mẹ là đạo lý làm người, là nền tảng của đạo đức.

Phải có hiếu với cha mẹ, phải chân thành biết ơn và tôn kính mẹ cha. Quan hệ giữa cha mẹ, con cái trong gia đình tốt đẹp sẽ góp phần xây dựng, bảo vệ kỉ cương, đạo lý xã hội.

Có hiếu với cha mẹ qua thái độ, lời nói và việc làm cụ thể. Từ lời nói lễ phép đúng mực, từ sự quan tâm, chăm sóc chu đáo tận tình từ những việc nhỏ giúp cha mẹ trong gia đình, từ sự bảo ban gương mẫu với các em nhỏ.
Người con có hiếu phải phấn đấu trở thành niềm tự hào, nguồn động viên bố mẹ; phấn đấu học tập tốt nhất, rèn luyện đạo đức tốt nhất, xác định đường đi tốt để có một sự nghiệp, để trở thành người có ích cho xã hội.

Người con có hiếu phải có trách nhiệm chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ khi già sức yếu.

Thờ mẹ kính cha là trách nhiệm, là đạo lý thiêng liêng mà mỗi chúng ta phải gìn, noi theo. Vì đây còn là vấn đề nhân cách, là cái gốc của nhiều tình cảm. Con người không kính yêu cha mẹ thì sẽ không có tình người, không thể là người có phẩm chất, biết sống đẹp, thủy chung với bạn bè, xã hội, nhân dân được, mở rộng vần đề, phê phán quan niệm, thái độ sai lầm:

Thầy Nam nhấn mạnh, thời đại hiện nay vẫn còn một thực tại đau lòng: vẫn còn nhiều người xem nhẹ chữ hiếu, muốn sống tách khỏi gia đình, mẹ cha, đó là nhận thức lệch lạc, sai lầm. Thầy mong các khóa sinh hãy là người con chí hiếu, làm tròn bổn phận của một người con đối với hai đấng sinh thành.

Qua gần hai giờ đồng hồ, buổi nói chuyện chuyên đề tâm lý giữa Tiến sĩ Võ Văn Nam với các khóa sinh, là giờ sinh hoạt tập thể giữa các chúng, chuẩn bị cho đêm văn nghệ tối nay.

11h, trong buổi cơm trưa chánh niệm, các em được thầy Thích Quảng Hiền, Phó BTC nhắc nhở các em về công ơn của cha mẹ, sự khó nhọc của cô bác nông dân, sự lao khổ làm ra hạt lúa… Bên cạnh đó, Thầy dạy các em dùng cơm trong chánh niệm, không được khua chén hay có tiếng động trong khi dùng cơm. Thầy khuyên nhắc các em khi mãn khóa tu, trở về gia đình cũng nên giữ được cách dùng cơm như vậy. Bởi đó là bài học kỹ năng nghệ thuật trong khi dùng cơm ở mỗi người.

Sau giờ dùng cơm chánh niệm, các em khóa sinh tập trung tại giảng đường, chuẩn bị ổn định giờ nghỉ trưa.

Buổi chiều cùng ngày, các em tham gia trò chơi tập thể trên tinh thần đồng đội. Mỗi chúng thi với nhau, với các trò chơi do BTC đưa ra. Cả tám chúng đều chơi hết mình và nhiệt tình, tiếng cười rộn ràng vang cả khoảng sân chùa Huệ Minh.

17h, hơn 600 khóa sinh tập trung tại khu ẩm thực dùng cơm chiều (tiểu thực). 18h30, dưới sự hướng dẫn của quý thầy cô trong BTC, hơn 600 khóa sinh tụng kinh Phước Đức – khóa lễ buổi tối. Trong âm ba vang vọng, hàng trăm âm thanh đồng âm dị khẩu xưng niệm thần chú Lục Tự Đại Quang Minh và danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm trong niềm tôn kính vô biên hướng về Ngài.

Tiếp theo là chương trình sinh hoạt văn nghệ giữa các chúng với chủ đề: Quê hương, cha mẹ, bạn bè…Không gian hoạt náo vui nhộn, các khóa sinh thể hiện tất cả năng khiếu, tài năng của mình. Với hơn 20 nhạc phẩm được các em khóa sinh thể hiện, bao gồm nhiều chủ đề: quê hương, gia đình, bạn bè…Qua các tiết mục văn nghệ, đã phần nào thể hiện thái độ sống cũng như nhận thức của các em đã dần ý thức về các mối quan hệ tình thân trong gia đình, bạn bè đồng lứa.

Chương trình văn nghệ khép lại, âm hưởng nhộn nhịp, ồn ã tuy không còn nhưng âm ba vui nhộn, sinh động vẫn còn đây. Các em có được một ngày tu học thật hoan hỷ và ý nghĩa. Khép lại ngày tu học thứ ba, tất cả khóa sinh về lại chỗ nghỉ của mình, an nhiên thiền tọa tại chỗ, trước khi chìm vào giấc ngủ, chuẩn bị cho ngày tiếp theo. Chúc các em khóa sinh có giấc ngủ an lành.

Một vài hình ảnh ngày tu học thứ ba KTMH lần VII năm 2017

Tiểu Hạ

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here