NGÀY TU HỌC THỨ BA – LẮNG ĐỌNG CẢM XÚC

0
1183

Chào đón ngày mới với bài thể dục nhịp điệu vui nhộn sau thời kinh buổi sáng. Nếu khóa lễ tụng kinh sáng giúp các em lắng đọng, quay về bên trong nhận thức được chính mình thì buổi tập thể dục khởi động một ngày tràn đầy năng lượng. Từng cánh tay nhịp nhàng đưa lên cao rồi nhẹ nhàng hạ xuống thấp, từng ánh mắt lung linh trong nắng sớm, từng tiếng cười vang vang rộn rã khắp khuôn viên chùa.

7h sáng, các em từng bước an trú chánh niệm đến khu vực ẩm thực. Hôm nay, các em khóa sinh được cô chú công quả “đãi” món bún bò Huế thơm ngon bổ dưỡng, nhằm giúp các em không bị chán ăn và thay đổi khẩu phần, đảm bảo sức khỏe cho các em tham gia tu học trọn vẹn khóa tu.

8h sáng, với tay búp sen cung kính, nét mặt trang nghiêm thành kính, những khóa sinh chúng lớn hân hoan chào đón sự hiện diện quý báu của Thượng tọa giảng sư Thích Chánh Định, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Với chủ đề “Về chùa làm gì”, Thượng tọa giảng sư đã đánh động vào tư duy nhận thức của các em, định hướng cho các em ý thức được rằng các em về chùa với mục đích gì, về chùa để làm gì? Về chùa chỉ là về chùa chơi, thăm viếng cảnh chùa, đảnh lễ quý thầy cô; hay về chùa để học hỏi đạo đức, hướng về thiện lành, hướng về Chân – Thiện – Mỹ? Từng vấn đề được thượng tọa giảng sư trình bày rõ ràng, khơi nguồn tri thức cho tất cả khóa sinh.

Với chúng thiếu nhi, SC. Quảng Ngọc cùng thầy Nguyên Đức, thầy Vĩnh Thông giao lưu, tạo không khí thoải mái, vui vẻ cho các bé trước khi vào buổi chia sẻ vói các em. Tiếp đó, SC. Quảng Ngọc có đôi lời tâm huyết, nhắn nhủ cùng các em. Lời lẽ tha thiết cùng tâm ý muốn các em trở thành một người con ngoan trong gia đình, một học sinh giỏi dưới mái trường, Sư cô đã cho các em khóa sinh hiểu hơn về bản thân, về các mối quan hệ gần gũi như bạn bè, gia đình… Tựu trung lại, Sư cô nhấn mạnh rằng: “Nhiệm vụ chính của các con là học và học, phải cố gắng làm sao học thật giỏi để bố mẹ vui lòng. Sau khóa tu trở về, các em hãy là những người con chí hiếu, biết lễ phép, vâng lời với ông bà, cha mẹ”.

Tiếp lời sư cô Quảng Ngọc, thầy Nguyên Đức hướng dẫn các khóa sinh ngồi thiền. Từng nét mặt ngây thơ, nhắm nghiền đôi mắt, môi chúm chím, nhịp thở đều đặn…Trông các em mà thương đến lạ!

Qua thời gian ngồi thiền giúp các em tĩnh tại, thầy Nguyên Đức một lần nữa khơi gợi lại công ơn sinh thành dưỡng dục cha mẹ cho các em ghi nhớ. Đâu đó đã xuất hiện giọt nước mắt trên gương mặt trong trẻo của các em. Giọt nước mắt hối hận vì đã làm buồn lòng cha mẹ, có thể là giọt nước mắt vì thương cha nhớ mẹ…nhưng dẫu sao, đó cũng là giọt nước mắt xuất phát từ chính trong trái tim tình cảm của các em nhỏ khi hướng về hai đấng sinh thành của mình.

Buổi trưa đã đến, các khóa sinh theo sự hướng dẫn từ quý thầy cô trong BTC, các em tập trung dùng buổi trưa chánh niệm. Trong buổi ăn, thầy Nguyên Đức nhắc nhở, cho các em khóa sinh nhớ lại công ơn của cô bác nông phu dầm sương giãi nắng, nhớ lại công sức của cha mẹ đã nuôi lớn các em…Từng câu, từng lời thầy dịu nhẹ nhưng dứt khoát, thầy hy vọng các khóa sinh biết trân quý hạt cơm, biết trân quý bữa cơm gia đình.

12h trưa, các em khóa sinh chúng thiếu nhi tập trung về nơi nghỉ đã được BTC chỉ định. Riêng các khóa sinh chúng lớn, các em tập trung về nghỉ tại giảng đường và chánh điện. Buổi trưa ngày tu học thứ ba hôm nay, các em khóa sinh chúng lớn lần đầu tiên được biết đến Thiền buông thư. Các khóa sinh nằm cạnh nhau, nghiêng về bên phải, lấy tay kê đầu, nằm nghỉ thoải mái, buông lỏng toàn thân đúng như tên gọi “Thiền buông thư”. Với tiếng nhạc du dương róc rách suối chảy dịu êm, các khóa sinh vào giấc nghỉ trưa thật yên bình.

Buổi chiều, trong khi các anh chị chúng lớn tham gia Game Show “Rung chuông chùa” tại giảng đường dưới sự chủ trì của Ban Giám khảo, gồm có thầy Quảng Hà, thầy Minh Lễ, sư cô Tâm Thịnh, sư cô Liên Hạnh; thì các em khóa sinh chúng nhỏ dưới sự chủ trì của thầy Nguyên Đức, thầy Minh Lễ, sư cô Quảng Ngọc, sư cô Lệ Thiện đã có buổi sinh hoạt giao lưu văn nghệ vô cùng vui nhộn. Các em nhỏ được thoải mái cười đùa, vô tư với trò chơi ca hát múa nhảy hồn nhiên. Một trời tuổi thơ quay về trong tâm trí!

Kết thúc buổi chiều vô cùng ý nghĩa, vừa tu vừa học vừa chơi, sau khi dùng chiều xong, các khóa sinh có thời gian sinh hoạt, giao lưu tự do trong giảng đường, chuẩn bị khóa lễ “Thắp nến tri ân” vào tối hôm nay.

Đúng 7h tối, các khóa sinh tập trung trước khán đài chính, cung nghinh chư tôn đức quang lâm chứng minh buổi lễ “Thắp nến tri ân” với chủ đề “Ân sâu nghĩa nặng”. Chứng minh buổi lễ tri ân, các khóa sinh hân hoan chào đón Đại đức Thích Quảng Hiền, Ni sư Thích nữ Diêu Thuận, phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ Chức khóa tu, trụ trì chùa Huệ Minh cùng quý thầy cô trong Ban điều phối khóa tu và bên cạnh đó còn có sự hiện diện của hơn 800 em khóa sinh tham gia khóa tu mùa hè đồng tham dự buổi lễ.

Cha và mẹ, luôn là hai đấng sinh thành mà đời đời chúng ta luôn luôn ghi nhớ. Bởi nếu không có cha và mẹ, chúng ta không thể sinh ra nơi đời và được khôn lớn. Và đã qua hơn 2 thiên niên kỷ nhưng di ảnh đó vẫn tồn tại với thời gian, luôn là bức tranh tuyệt tác, là sắc màu hiếu hạnh hiện lên hải hà tình thương trên bình điện đạo đức, đem lại nguồn lợi ích không ngần cho nhân sinh, trang bị thành nhân cho biết bao tâm hồn hướng thượng, sự hiện diện của tôn giả Mục Kiền Liên 2500 năm trước là tấm gương hiếu hạnh cho nhân loại soi chung và đã trở thành một truyền thống cao đẹp ăn sâu vào lòng dân tộc.

Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, khi nói đến cha mẹ thì quả thật trên đời này không có tình thương nào đậm đà và thiêng liêng bằng tình thương cha mẹ, nhất là cơm nặng áo dài của người cha mẹ, sự hi sinh cao cả ngậm đắng nuốt cay của người mẹ. Ngay từ khi chưa biết hình hài ta như thế nào nhưng mẹ vẫn dành cho ta một tình thương bất tuyệt, lúc khai hoa nở nhụy mẹ đã âm thầm chịu bao đau đớn, khi sanh ta ra trăm mối ưu tư lo sợ chồng chất trong lòng mẹ. Suốt ba năm bú mớm dưỡng nuôi, mẹ đã hi sinh một phần thân thể cho ta dòng sữa ngọt ngào, ngọt như tình thâm của mẹ mà ta đã say sưa uống cạn để trưởng thành. Nhắc làm sao hết được tình thương của mẹ đã dành cho ta từ thưở mới tượng hình đến lớn khôn và ngay cả hiện tại. Tình thương đó đến với ta qua bàn tay trìu mến, qua dòng sữa ngọt ngào của cuộc đời, là dòng suối bất tận của thời gian.

 Nhưng tình mẹ bao la như biển cả thì ân cha cao tựa Thái Sơn. Ca dao Việt Nam có câu :

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như  nước trong nguồn chảy ra”

Tình cha thì nghiêm nghị nên được ví như núi cao sừng sững, còn tình mẹ thì êm ả dịu dàng nên nghĩa mẹ được ví như suối nguồn bất tận.

Đặc biệt là tình nghĩa của mẹ đối với con thì vừa trong lành, vừa hiền diệu. Nhìn về phương diện sinh học thì không có một thứ động, thực vật nào không có nước mà có thể sống được, cho nên nước trong nguồn chảy ra chính là nguồn sống của muôn loài. Nước trong nguồn không bao giờ cạn được thì lòng mẹ cũng không bao giờ ngừng nghỉ.

Tình thương của mẹ trong suốt, dịu dàng và ngọt ngào. Mẹ thương con cũng giống như tình thương của nước đối với nhân loại. Bản chất của nước thì nhuần mát, ngọt dịu và trong sáng. Nước thì chảy suốt, nếu gặp trở ngại thì nước cũng gầm lên trong bọt và xoáy dữ dội nhưng đó không phải là bản chất của nước. Trong tình thương mẹ con cũng vậy, đôi lúc ngọt ngào với con nhưng có lúc cũng la rầy, đánh con nhưng đó không phải là bản chất của mẹ mà bản chất của mẹ là trìu mến, nâng niu và ngọt ngào đối với con. Vì muốn cho con nên người và ảnh tỉnh khi con sai trái nên mẹ mới đánh con nhưng sự đánh con của mẹ không bao giờ có cái giận lấn lướt tình thương của mẹ đối với con.

Trái lại “Công cha như núi Thái Sơn”, núi nhìn xa thì bình thản nhưng núi chứa trong lòng không biết bao côn trùng, thảo mộc và động vật… đang sinh sống cho nên bên ngoài cha có vẻ nghiêm nghị mà bên trong cha lại từ bi, đức độ và bao dung. Cha là lý tính và trí tuệ cho nên mỗi khi cha la rầy một tiếng thì người con phải sợ, sự la rầy đó không phải là cha không thương con. Vì cha ít nói nên khi cha nói thì đó là sự việc đã xảy ra quá lắm rồi và sự la rầy đó của cha có cái lạnh lùng nhưng bên trong bao hàm ý hướng thiện nhân bản. Cho nên Emilealain có nói “nâng niu chiều chuộng trẻ không phải là giáo dục” cũng không ngoài ý này vậy.

Tình thương của cha mẹ đối với con cái lúc nào cũng vẫn bao la như trời biển, con cái nhờ tình thương đó mới lớn lên được cả thể xác lẫn tâm hồn. Nếu thiếu tình thương, thiếu sự giáo dục của cha mẹ thì người con sẽ bơ vơ, tâm hồn sẽ bị lệch đi và không trở nên người hữu ích. Sự thiếu tình thương của cha mẹ được nhân dân ta diễn tả qua câu :

“ Còn cha gót đỏ như son

Đến khi cha mất gót con lấm bùn”

Cha mẹ không chỉ là ân nhân mà là hiện hữu lẽ sống của cuộc đời và hạnh phúc nhất của người con không chi bằng là còn cha mẹ và bất hạnh nhất không chi bằng là mất cha mẹ. Người con mất cha mẹ khác nào như những cánh chim cô đơn không tổ ấm, thân bé bỏng giữa rừng đời trống vắng.

Với chất giọng trầm ấm và truyền cảm, sư cô Tâm Thịnh, MC chương trình đã khéo léo dẫn dắt các em tìm về nguồn cội, nhớ nghĩ về hai đấng sinh thành. Cả không gian trầm lặng, giữa màn đêm chợt bừng sáng lên ánh sáng ngọn nến lung linh được truyền trao bởi chư Tôn đức. ánh sáng lan rộng, bóng tối lui bước, nhường ánh quang minh hiện hữu. Đâu đó vang lên tiếng khóc nghẹn ngào, xen lần tiếng nấc, còn có giọt nước mắt lặng thầm rơi trong sự hối tiếc muộn màng, giọt nước mắt trong sự ăn năn hối lỗi, giọt nước mắt vì thương cha nhớ mẹ. Cho dù là vì lý do gì nhưng những giọt nước mắt ấy đều xuất phát từ tận trong trái tim, từ tình cảm của các em khóa sinh khi hướng về cha mẹ mình.

Khóa lễ kết thúc sau khoảnh khắc lắng đọng tâm tư của cả thầy và khóa sinh. Như vậy, ngày tu học thứ ba đã khép lại. Một ngày tu học ý nghĩa đã trôi qua, nhường lại thời gian cho các em nghỉ ngơi, chuẩn bị năng lượng cho ngày tu cuối cùng trong khóa tu mùa hè lần 9 năm nay.

Tiểu Hạ