Nên Sinh Tâm Chán Lìa Thân Xác Thịt Này

0
163

Người ta sống ở đời bị tám nỗi khổ thay nhau hành hạ, nhưng không tự biết đó là khổ, ngược lại còn cho là vui thú, tựa hồ như từ nơi cảnh khổ lại càng lún sâu vào khổ, vĩnh viễn không có hạn kỳ thoát ra.

Hãy nói về nỗi khổ sinh ra chẳng hạn. Bào thai sống trong lòng mẹ, phía dưới vùng gan, ngực, bên trên vị trí ruột già, như một lớp màng bọc chứa nước, rồi dần dần hình thành như một bọc kín, không thể tự do di chuyển. Khi người mẹ ăn thức ăn nóng, thai nhi cảm giác như bị tắm nước sôi; khi mẹ uống nước lạnh, thai nhi cảm giác như nằm trên băng giá.

Nơi ở trong bụng mẹ vốn đã không sạch sẽ, thực phẩm nuôi dưỡng qua máu huyết người mẹ cũng chẳng thanh tịnh. Thời gian ở trong thai không quá ba trăm ngày, nhưng sự khổ não phải trải qua cũng tương đương như hàng mấy chục năm.

Từ thụ thai đến vừa tròn tháng, phải chịu nỗi khổ đảo ngược hình thể, đầu quay xuống hướng về cửa mình người mẹ. Hình chất lớn dần [cho đến khi đủ ngày đủ tháng, lúc ấy] muốn thoát ra nhưng không thể được. Đây là lúc thai nhi có nhiều nguy cơ tử vong, mà cũng là lúc người mẹ chịu nhiều nguy hiểm nhất. Khi bà đỡ dùng tay kéo ra, thai nhi có cảm giác đau đớn như thân thể bị xé tung thành nhiều mảnh. Vì thế nên bất kỳ đứa trẻ nào khi vừa sinh ra cũng đều lớn tiếng kêu khóc.

Lúc vừa sinh ra, phải nằm lẫn trong phẩn dơ hôi hám, chưa hề biết đến hổ thẹn. Cho dù con nhà đại phú đại quý cũng là như vậy; cho dù bậc đại thánh đại hiền cũng là như vậy. Người đời chỉ vì quen với những điều như thế nên xem như việc đương nhiên, vì thế không hề biết được. Nếu có thể trong đêm khuya tĩnh lặng suy xét lại, lẽ nào chẳng thấy là đáng thương, đáng thẹn lắm sao?

Đức Đại Thánh Như Lai rủ lòng thương xót thế gian nên dạy người cầu sinh Tịnh độ, được hóa sinh từ hoa sen, thoát khỏi những nỗi khổ này. Vì sao ta còn đắm say trong trần tục mê lầm, không sinh tâm chán lìa thân xác thịt?