Người thầy dạy học tất nhiên là có khó khăn, nhưng đâu biết rằng gia đình học trò cung phụng miếng ăn cho thầy lại càng khó hơn. Cơm nước sáng tối tinh tươm, ngày ngày tốn kém. Thầy đi ra có kẻ theo hầu, bước vào nhà có người phục dịch, tận tình chu đáo. Thậm chí việc phụng dưỡng cha mẹ đôi khi còn có chỗ thiếu sót sơ sài, nhưng đối với thầy giáo thật không dám để có tiếng than phiền cơm canh đạm bạc, lúc nào cũng vậy.
Người đời nay không nghĩ thấu những chuyện như thế, nên vừa được thỉnh mời đến làm gia sư, liền cho rằng chủ nhà ấy theo đúng lễ đương nhiên phải phụng sự mình. Ví như thấy người không đủ kính lễ, liền giận dữ lộ ra nét mặt, nhưng còn việc học hành của học trò thì gạt sang một bên, chẳng hề quan tâm suy nghĩ đến.
Dám thưa cùng các bậc tri thức hiền thiện có sự đồng tâm, nên làm sao cho công lao dạy dỗ của mình lớn hơn mức thù lao nhận được, chớ để mức thù lao lại lớn hơn công lao dạy dỗ của mình. Ví như gặp học trò thực sự ngu tối không thể dạy dỗ thành tựu, cũng nên nghĩ đến việc ngoài giờ học mang những thuyết đạo lý nhân quả, phúc họa thiện ác mà nhiều lần khuyên nhủ nhắc nhở, khuyến khích răn dạy, để cho chủ nhà ít ra cũng có được người nối nghiệp được vun bồi đức tốt, đó mới thật là công đức lớn lao của bậc làm thầy.
Đến như việc cung phụng miếng ăn thức uống, vốn đã tự có hạn định. Nếu thọ hưởng đã hết thì mạng sống cũng theo đó mà mất đi. Ví như có một ngàn đồng tiền, mỗi ngày dùng một trăm thì kéo dài được mười ngày. Nếu sử dụng nhiều hơn số đó thì thời gian ắt phải ngắn đi. Nên biết rằng, canh rau đạm bạc cũng đủ no lòng, lại được tăng thêm tuổi thọ; tham ăn dê béo gà tơ, quả thật là người đọa lạc.
Ví như có thể đem lý lẽ không nên giết hại vật mạng mà khuyên bảo, khuyến khích gia chủ, khiến cho cả nhà gia chủ đều nhờ có lời khuyên của ta mà lo việc tu tích phước đức, thì có thể nói là không uổng nhận sự cung phụng chu cấp của người.