Không Biết Tin Vào Đâu Để Tu Tập, Phải Làm Sao?

0
248
Không phải vào chùa là trở nên Thánh. Ở đó có đầy đủ tất cả, phàm thánh đồng cư…

HỎI: 
Tôi là một Phật tử mới quy y Tam bảo. Lý do tôi khởi tâm quy hướng Đức Phật là nhờ sự hiểu biết về ý nghĩa độ sinh cao cả của Ngài. Ngài quyết đi tu, nguyện xóa bỏ giai cấp, đem bình đẳng và quyền mưu cầu hạnh phúc đến các giai cấp thấp, hạ liệt. Khi tìm hiểu giáo lý đạo Phật, tôi cảm thấy bản thân có thể phấn đấu và mưu cầu hạnh phúc nhằm thoát khỏi cảnh hạ liệt. 

Sau khi quy y, đi vào chùa nghe rất nhiều cách gọi như: thầy lớn, thầy cả, sư phụ, sư trưởng,… thì có cảm giác chẳng khác ngoài đời, trong đạo cũng phân chia thứ lớp quá rõ ràng làm tôi chán ngán. Tôi nghe những câu như “lấy giới làm thầy”, “chế ngự tham ưu ở đời” khiến nản tâm vào chùa tập tu. Giờ tôi cảm giác hoang mang không biết tin vào đâu để tu tập? Mong được sự chỉ dẫn từ các huynh đệ về những nghi lầm trên.

(HỮU VI, khongnoi_02@yahoo.com)

anh nuongtua.jpg
Là người mới học đạo thì cần nương tựa vào
Tam bảo (Phật-Pháp-Tăng) và các vị thiện hữu tri thức – Ảnh minh họa

ĐÁP: Bạn Hữu Vi thân mến!

Đạo Phật chủ trương xóa bỏ giai cấp, mọi người đều có Phật tánh và đều có khả năng giác ngộ, thành Phật. Nên có thể nói tinh thần bình đẳng xuyên suốt toàn bộ giáo lý đạo Phật cũng như mọi ứng xử trong đời sống tu hành. Chính điều đó giúp cho mọi người tự tin vào sự chuyển hóa của chính mình để hướng thiện, thăng hoa tâm linh và thành tựu giải thoát.

Bạn vào chùa tu học nghe các danh xưng như thầy lớn, thầy cả, sư phụ, sư trưởng, huynh đệ v.v…, có tôn ti trật tự, trên dưới rất rạch ròi rồi “có cảm giác chẳng khác ngoài đời, trong đạo cũng phân chia thứ lớp quá rõ ràng làm tôi chán ngán” là bạn chưa hiểu rốt ráo vấn đề. Phân chia thứ bậc là điều cần thiết trong mọi tổ chức, kể cả các đoàn thể Phật giáo. Quan trọng là quan niệm và thái độ (chấp thủ hay buông xả) của mỗi người với vị thế của mình trong tổ chức, đoàn thể ấy, chứ sự phân chia thứ lớp không hề có lỗi.

Lẽ thường, đã có tổ chức thì phải có thứ lớp, tầng bậc, ngôi thứ. Tổ chức nào mà sự phân biệt vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi người càng rạch ròi, khoa học thì tổ chức ấy càng phát huy tinh thần bình đẳng triệt để. Nên hiểu bình đẳng không có nghĩa là “cá mè một lứa”, là cào bằng tất cả thành một tập thể hỗn tạp mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy làm.

Trong đạo Phật cũng vậy, sở dĩ có sự phân biệt thứ lớp nhằm giúp cho giáo hội, chùa chiền, đạo tràng vận hành đúng giới luật và phép tắc để thiết lập thanh tịnh và hòa hợp. Việc “lấy giới làm thầy” là một trong những hạnh tu căn bản. Giới luật khi mới tiếp nhận có vẻ như ràng buộc, nhưng về lâu dài, người giữ giới sẽ nhận ra những giá trị to lớn của giới, giúp mình thành tựu nhân cách đạo đức, tự do và hạnh phúc hơn.

Còn “chế ngự tham ưu ở đời” cũng là một hạnh tu căn bản khác. Người Phật tử đến chùa không phải là người hoàn thiện mà đến chùa để phát huy sự tu tập nhằm chuyển hóa thân tâm. Tham ưu luôn hiện hữu trong mọi người, có mặt khắp nơi nên mỗi người cần phản tỉnh để chế ngự nó.

Tóm lại, những gì bạn thấy trong lúc đi chùa như phân chia thứ bậc cao thấp, giữ giới, chế ngự tham ưu… là bình thường. Không phải vào chùa là trở nên Thánh. Ở đó có đầy đủ tất cả, phàm thánh đồng cư, vì mọi người đều đang tu.

Bạn là người mới học đạo thì cần nương tựa vào Tam bảo (Phật-Pháp-Tăng) và các vị thiện hữu tri thức. Những gì bạn chưa hiểu thì nên bày tỏ, trao đổi và sẻ chia. Sau một thời gian bạn sẽ hiểu Chánh pháp, khi hiểu rõ rồi thì niềm tin của bạn sẽ vững chắc, sự tu tập sẽ tinh tấn hơn.

Nguồn: giacngo.vn